ThienNhien.Net – Gần 456.000 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm trong 10 tháng đầu năm 2013 nhưng vẫn không dẹp được thực phẩm bẩn. Người dân lo lắng vì không ăn cũng chết mà ăn thì chết dần chết mòn
Ngày 2-1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp trực tuyến giữa Chính phủ với 63 tỉnh, thành về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng chống dịch bệnh năm 2014.
Nhìn đâu cũng thấy chất độc
Báo cáo tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh ATTP (ban chỉ đạo) cho biết theo kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm của các viện chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm Thừa Thiên – Huế, có 61,5% mẫu rượu; 53,9% mẫu ô mai, xí muội; 34,8% mẫu ớt bột; 6,3 mẫu thịt lợn sống; 6,3% mẫu rau tươi… không đạt yêu cầu.
Báo cáo của 54 chi cục ATTP năm 2013 cho thấy trong tổng số hơn 24.000 mẫu được giám sát, có đến 45,3% mẫu thực phẩm bị nhiễm bào tử nấm mốc; tỉ lệ nhiễm các vi khuẩn gây tả và ngộ độc thực phẩm cũng khá cao như nhiễm Coliforrms 26,5%, E.coli 18,4%, Pseudomonas aeruginosa 18%.
Về ô nhiễm hóa học, mẫu dương tính với aldehyde (chất tự sinh trong quá trình lên men rượu có khả năng gây suy nhược thần kinh) chiếm tỉ lệ hơn 78,2%; dầu đang chiên rán có độ ôi khét là 22,8%; 12,2% mẫu nhiễm cyclamete; 8,4% mẫu có hàn the; 7,9% mẫu có chất methanol và hóa chất “ngâm xác” formol chiếm 4% mẫu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết vẫn còn tình trạng mẫu thủy sản nuôi nhiễm hóa chất, kháng sinh vượt giới hạn tối đa cho phép, mẫu thủy hải sản khô vượt chi tiêu hóa học về chất bảo quản…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận xét vấn đề “nóng” nhất trong năm 2013 chính là các vụ ngộ độc về rượu với 5/20 vụ ngộ độc tập thể khiến 36 người nhập viện, 14 người tử vong. Theo ông Long, kể từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 83 người tử vong do rượu, trong đó ngộ độc rượu có methanol chiếm gần 35%, phần còn lại do rượu thuốc ngâm. “Trung bình mỗi người dân Việt Nam uống 5 lít rượu và 20 lít bia một năm… Tửu lượng vẫn duy trì như thế này thì ngộ độc rượu khó suy giảm” – ông Long chia sẻ.
Phạt như phủi bụi, kiểm tra như trả bài!
Cũng theo ban chỉ đạo, trong 10 tháng đầu năm 2013, gần 30.000 đoàn kiểm tra từ trung ương đến địa phương đã tiến hành gần 456.000 cuộc kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh thực phẩm, phát hiện hơn 95.200 cơ sở vi phạm (chiếm 20,1%). Tuy nhiên, số cơ sở bị xử phạt chỉ gần 6.500 cơ sở ( chiếm 6,8%). Trong năm 2013, QLTT đã kiểm tra hơn 149.000 vụ, xử lý 74.700 vụ vi phạm; trong đó, kiểm tra gần 20.000 vụ vi phạm ATTP, xử lý gần 10.000 vụ (hơn 50%).
Về việc kiểm tra nhiều, xử phạt lắm nhưng tình hình đâu vẫn hoàn đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Minh, nói thẳng: “Xử phạt như phủi bụi khó dẹp thực phẩm bẩn. Cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn”. Còn người đứng đầu ngành NN-PTNT, ông Cao Đức Phát, thẳng thắn: “Không thể duy trì cách kiểm tra, kiểm soát ATTP theo kiểu trả bài như vừa qua”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân trần riêng TP Bangkok – Thái Lan có từ 3.000-5.000 thanh tra ATTP, trong khi cả Việt Nam có 250 thanh tra viên chuyên ngành, nhiều nhất là TP Hà Nội và TP HCM cũng chỉ được vài chục người. “Cử tri lo lắng việc không ăn cũng chết mà ăn thì chết dần chết mòn. Chống thực phẩm bẩn không chỉ là 3 bộ chức năng Y tế, NN-PTNT, Công Thương mà là nhiều bộ ngành, địa phương” – Bộ trưởng Bộ Y tế nói và bày tỏ lo ngại yếu tố nguy hiểm nhất trong thực phẩm là nhiễm độc mãn tính, đề nghị phải xử phạt gấp 7 lần, rút giấy phép kinh doanh, đóng cửa, công bố trên báo doanh nghiệp làm ăn gian dối, quá vô lương tâm với cộng đồng.
Không hoàn toàn đồng ý quan điểm của “tư lệnh” ngành y tế, đại diện TP HCM nêu rõ Luật An toàn vệ sinh thực phẩm quy định 3 bộ cùng có trách nhiệm quản lý ATTP đã ban hành từ năm 2010 nhưng đã 3 năm trôi qua mà thông tư liên tịch về sự phối hợp giữa 3 bên vẫn chưa được ban hành. “Chậm ban hành văn bản hướng dẫn làm cho các địa phương lúng túng trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát ATTP” – vị này nói.
Trước ý kiến này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trung ương mà trực tiếp là các bộ, ngành cần làm gương, giải quyết cho được tồn đọng văn bản quy phạm pháp luật để các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, việc địa phương nào cũng tuyên bố “nhận thức sâu sắc” về ATTP nhưng lại không hành động nhiều thì rõ ràng nhận thức chưa đầy đủ.
“Vệ sinh ATTP không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe từng người mà cả giống nòi. Giải bài toán ATTP không phải điều gì cao siêu mà từ chính chúng ta chưa quyết liệt, thiếu hành động” – ông Vũ Đức Đam nói.
Về quy định xử phạt còn chưa đủ sức răn đe, Phó Thủ tướng cho rằng không thể “hình sự hóa” mọi lĩnh vực của đời sống. Tuy nhiên, “quan điểm là phải xử lý nghiêm, kịch khung theo quy định pháp luật. Quan trọng hơn là tuyên truyền để người dân hiểu và tẩy chay những sản phẩm, cách làm xấu. Đây chính là hình phạt, chế tài nặng nhất để đào thải, đóng cửa các cơ sở, sản phẩm kém chất lượng” – Phó Thủ tướng khẳng định.
Đừng đợi có dịch thì mới chống! Tại cuộc họp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết về bệnh dại, năm 2013, cả nước ghi nhận 287 người bị nhiễm và 102 người đã tử vong. Khu vực xảy ra bệnh dại nhiều nhất chủ yếu là trung du và miền núi phía Bắc với gần 300.000 người bị chó cắn. Theo đại diện tỉnh Yên Bái, hiện cả tỉnh có trên 6.000 người phơi nhiễm bệnh dại nhưng tiêm vắc-xin phải mất tiền nên người nghèo ngại tiêm. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng ngoài việc lo cho người bị phơi nhiễm thì việc tiêm dại cho chó chi phí thấp (8.500 đồng/liều) nhưng hiệu quả phòng ngừa cao, đề nghị các địa phương tập trung làm cho tốt. “Tinh thần chung là không được chủ quan. Phải theo dõi rất sát các dịch bệnh, không đợi đến khi có mới xông vào!” – Phó Thủ tướng chỉ đạo. TP HCM ban hành gần 100 văn bản về ATTP Theo Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận, năm 2013, số vụ ngộ độc giảm 50% và số người mắc giảm 70% so với năm 2012. Qua tiến hành thanh kiểm tra cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, đã phát hiện 552 cơ sở vi phạm, phạt gần 800 triệu đồng. Về công tác lấy mẫu giám sát, thanh – kiểm tra, đã xử lý 8.010 cơ sở, đình chỉ hoạt động 14 cơ sở, phạt tổng cộng hơn 17,8 tỉ đồng. Một số cơ sở chưa chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình sản xuất – kinh doanh thực phẩm như sử dụng hóa chất, phụ gia thực phẩm không rõ nguồn gốc; tình hình quảng cáo tái phạm. Đáng lưu ý, chỉ riêng công tác ATTP tại TP HCM, từ UBND TP cho đến các sở, ngành đã phải ban hành gần 100 văn bản. |