Ngành nông nghiệp chú trọng tăng trưởng chiều sâu

ThienNhien.Net – Giá trị sản xuất và giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp đã phát triển vượt bậc trong một thời gian dài, sản lượng hàng hóa ngày càng tăng và XK luôn đạt kim ngạch cao với giá trị thặng dư lớn. Tuy nhiên, để có những thành tích tốt hơn nữa, đòi hỏi ngành cần chú trọng phát triển chiều sâu.

Vượt khó để vượt kế hoạch

Năm 2013 là một năm quá khó khăn với ngành nông nghiệp. Tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giá nông sản, tăng xu thế bảo hộ thương mại. Biến đổi khí hậu tiếp tục gây thời tiết bất thường làm tăng nguy cơ thiên tai, gây ra khô hạn ở hầu hết các tỉnh Tây Nguyên. Đặc biệt, các cơn bão số 10, 11, 14 với lượng mưa, sức gió kỷ lục ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của bà con nông dân. Tại khu vực ĐBSCL, mặn xâm nhập sâu vào nội đồng khiến nông dân không thể canh tác…

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản vẫn đạt 2,47%, giá trị sản xuất toàn ngành tính theo giá cố định năm 2010 tăng 2,73% so với năm 2012. Điểm qua những khó khăn cho thấy, để đạt những thành tựu, toàn ngành nông nghiệp đã phải nỗ lực vượt khó thế nào. Cũng không khó để nhận xét rằng, với năm 2013 vừa qua, nông nghiệp vẫn được đánh giá là mũi nhọn trong tổng thể nền kinh tế, là đệm chống sốc, ổn định an ninh lương thực, giảm nhập siêu và trên hết, góp phần an sinh xã hội cho đại bộ phận dân cư.

Để hoàn thành vượt mức kế hoạch của toàn ngành năm 2013, công tác chỉ đạo sản xuất đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương hướng dẫn nông dân chuyển đổi và bố trí cơ cấu cây trồng hợp lý, đúng thời vụ và ứng dụng nhiều tiến bộ KHKT vào sản xuất. Nhờ đó, diện tích lúa cả nước đạt 7,89 triệu ha, tăng 1,7% so với năm 2012. Sản lượng đạt 43,9 triệu tấn, tăng hơn so với cùng kỳ.

Các loại cây công nghiệp, cây lương thực và cây ăn quả chính cũng tăng diện tích và năng suất đáng kể, góp phần từng bước ổn định đời sống, tăng thu nhập cho nông dân.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, trong giai đoạn 6 tháng đầu năm, do giá bán các sản phẩm chăn nuôi liên tục giảm, giá thức ăn chăn nuôi lại biến động không ngừng, nên người chăn nuôi thua lỗ, giảm đầu tư. Tuy nhiên, nhờ thực hiện các giải pháp kịp thời, cộng với sự tháo gỡ khó khăn của Chính phủ, sản xuất đã được phục hồi. Ước cả năm 2013, sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,3 triệu tấn, tương đương với năm 2012. Riêng sản lượng trứng tăng 10% so với năm ngoái, đạt hơn 8 tỷ quả.

Thủy sản luôn là một trong những thế mạnh của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, trong năm nay, nhu cầu NK của các thị trường chính như Mỹ và EU sụt giảm mạnh, giá cá tra XK biến động thất thường. Phần lớn các DN XK thủy sản bị tồn kho nhiều khiến lượng thu mua nguyên liệu trong dân giảm. Tuy vậy, để bù lại, hoạt động nuôi tôm lại rất thuận lợi, giá tăng cao và tiêu thụ tốt. Dự kiến, cả năm nay, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5,9 triệu tấn, tăng 3% so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác đạt 2,7 triệu tấn, còn lại là sản lượng nuôi trồng.

Ngoài ra, các lĩnh vực khác như lâm nghiệp, diêm nghiệp, xúc tiến thương mại… có những bước phát triển vượt bậc. Chỉ tính riêng lâm nghiệp, dự kiến cả năm, giá trị sản xuất ngành này tăng 5,6% so với năm ngoái. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,1%, diện tích rừng bị chặt phá và thiệt hại do cháy đã giảm hẳn.

 

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất là một trong những nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất là một trong những nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Tăng hiệu quả ngành nông nghiệp

Tiếp tục tăng trưởng ngành nông nghiệp theo chiều sâu, đảm bảo giá trị gia tăng của nông sản, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định, đã đến lúc phải liên kết lại, liên kết giữa nông dân và DN, liên kết giữa nông dân và nông dân, liên kết giữa nông dân, HTX và DN, hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn là một lối thoát có triển vọng.

Việc hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn không chỉ áp dụng trong sản xuất lúa gạo mà Bộ cũng đang có kế hoạch cùng với các cơ quan quản lý nông nghiệp, các địa phương thí điểm nhân rộng đối với các loại sản phẩm có lợi thế, nhất là khi triển khai Quyết định về chính sách hỗ trợ liên kết và xây dựng cánh đồng mẫu lớn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất để có hiệu quả cao là định hướng chính trong đề án tái cơ cấu ngành. Hiện Bộ đang chỉ đạo rà soát lại quy hoạch để xác định rõ hơn những cây con, những lĩnh vực có nhiều khả năng, nhiều dư địa để tăng giá trị gia tăng, đem lại nhiều công ăn việc làm và thu nhập thay vì tăng số lượng và điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư. Đồng thời, cùng với các Bộ xây dựng những chính sách để thu hút mạnh hơn các nguồn lực của xã hội đầu tư vào nông nghiệp.

“Dù Việt Nam đã trở thành một quốc gia nhất, nhì thế giới về XK gạo, cà phê, giữ ngôi vương XK điều, hạt tiêu… nhưng thực tế giá trị hàng hóa của ta thấp, cũng như việc xây dựng thương hiệu cho nông sản hầu như vẫn giậm chân tại chỗ.Phần lớn nông thủy sản XK của Việt Nam dù xuất với số lượng lớn nhưng vẫn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa có mẫu mã bao bì, thương hiệu…

Do vậy tái cấu trúc ngành nông nghiệp đang được Bộ NN-PTNT khởi xướng được xem là bài thuốc đặc trị cho căn bệnh thành tích về “sản lượng XK” hiện nay”, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển NN-NT.

“Chúng tôi đang cố gắng làm quyết liệt, điều chỉnh lại chương trình nghiên cứu và chuyển giao KHKT trong ngành, kiên quyết dừng hàng loạt đề tài xa vời với mục tiêu chính của ngành. Đồng thời, tập trung cao hơn, quyết liệt hơn cho khâu tổ chức lại sản xuất, liên kết nông dân để tăng hiệu quả và giá trị của ngành”. Bộ trưởng nói.

Nền sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ nền kinh tế và là lĩnh vực tác động trực tiếp đến đời sống người dân cả nước nhưng ngành nông nghiệp Việt Nam tăng trưởng chủ yếu là khai thác tài nguyên, giá cả sản phẩm thấp…, vì vậy, việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp là hướng đột phá của ngành.

Theo nhiều chuyên gia, 5 nhóm giải pháp chính trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm: Nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với giám sát nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước; Khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân; Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đầu tư công; Cải cách thể chế trong đó chú trọng tiếp tục sắp xếp, đổi mới DNNN và nâng cao năng lực cho kinh tế hợp tác; Tiếp tục sửa đổi hoàn thiện hệ thống chính sách trong nông nghiệp liên quan đất đai, thương mại… đang tạo động lực cho sản xuất nông nghiệp.

“Trong tương lai, nông nghiệp sẽ phải cạnh tranh nguồn lực cho tăng trưởng với các ngành công nghiệp và dịch vụ khác. Nông nghiệp sẽ phải nâng cao vị thế cạnh tranh trên cơ sở nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và ATVSTP trên cơ sở điều chỉnh cơ cấu, tổ chức và nâng cao trình độ công nghệ sản xuất. Chất lượng và sự bền vững của tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam là vấn đề cần được quan tâm trong giai đoạn tới,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.

Chính vì thế, mục tiêu của việc thực hiện tái cơ cấu để phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững chính là nhằm cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái, phấn đấu xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Những thành tựu trong XK của ngành nông nghiệpTheo Bộ Công thương, tổng kim ngạch XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2013 ước khoảng 28 tỷ USD, tăng khoảng 0,3 tỷ USD so với năm 2012.

Dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng XK của ngành nông nghiệp, thủy sản năm 2013 đã chạm mốc 7 tỷ USD, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Tuy một số thị trường lớn sụt giảm về sản lượng XK do suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng giảm, song lĩnh vực thủy sản vẫn ghi dấu ấn lớn nhất trong lĩnh vực XK của ngành nông nghiệp.

Đối với gỗ và các sản phẩm từ gỗ, Việt Nam luôn nằm trong danh sách những nước có kim ngạch XK lớn trên thế giới. Theo thống kê của Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm từ gỗ năm nay đạt hơn 5 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2012. Việc đa dạng hóa các mặt hàng, tìm kiếm những thị trường tiềm năng là nguyên nhân khiến XK của ngành này liên tục gặt hái những thành công trong vài năm gần đây.

Năm 2013, thị trường chứng kiến sự sụt giảm của giá cao su trên thế giới. Ngoài ra, thị trường XK truyền thống của cao su Việt Nam là Trung Quốc cũng biến động. Vì thế, ngành cao su gặp phải vô số khó khăn. Tuy nhiên, với việc mở rộng các thị trường mới, đặc biệt là Ấn Độ, nên kim ngạch XK cao su vẫn đạt tương đương năm 2012 với gần 3 tỷ USD, sản lượng hơn 1,4 triệu tấn. Giá XK bình quân đạt 2.138,1 USD/tấn, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2012.

XK gạo năm nay vẫn là thế mạnh của nông sản Việt Nam. Sản lượng XK cả năm ước 6,7 triệu tấn, đạt kim ngạch hơn 3 tỷ USD. Bình quân giá gạo XK của Việt Nam từ đầu năm tới nay khoảng 431 USD/tấn, giảm khoảng 15 USD/tấn so cùng kỳ năm ngoái. Hiện châu Phi tiêu thụ khoảng 30% lượng gạo XK của Việt Nam. Năm 2012, Việt Nam là nước XK gạo lớn thứ hai trên thế giới, với khoảng 7,7 triệu tấn, thu về gần 3,5 tỷ USD.

Ngoài ra, cà phê, hạt điều, sắn… cũng tham gia vào “câu lạc bộ 1 tỷ USD” trong XK nông sản của Việt Nam. Riêng cà phê, kim ngạch XK đạt hơn 2,5 tỷ USD; hạt điều 1,6 tỷ USD. Còn sắn, dù giảm đến 27,3% về lượng và giảm 19,2% về giá trị XK so với cùng kỳ năm 2012, nhưng mặt hàng này vẫn đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD.