ThienNhien.Net – Quá trình đô thị hóa ở Hà Nội những năm qua với sự phát triển “nóng” theo chiều rộng đang bộc lộ những bất cập như tài nguyên thiên nhiên ngày càng giảm, việc khai thác và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đai chưa hợp lý, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một gia tăng.
Vì vậy, để phát triển kinh tế bền vững, vấn đề tăng trưởng xanh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Thị Vinh – Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam xung quanh vấn đề này.
Nền tảng để phát triển bền vững
– Thưa bà, thời gian gần đây “kinh tế xanh” và “tăng trưởng xanh” được chú trọng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bà có thể cho biết ý nghĩa của những vấn đề này?
– “Kinh tế xanh” là nền kinh tế nâng cao đời sống con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Khái niệm “kinh tế xanh” không thay thế khái niệm “bền vững”, nhưng nó ngày càng được công nhận là mô hình phù hợp làm nền tảng cho phát triển bền vững. Tính bền vững là một mục tiêu dài hạn quan trọng, nhưng xanh hóa nền kinh tế là phương tiện đưa chúng ta tới đích. Còn “tăng trưởng xanh” (Green Growth) là hướng tiếp cận mới trong tăng trưởng kinh tế. Cách tiếp cận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế, mà còn hướng tới phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên nuôi dưỡng cuộc sống con người, giảm tác động của biến đổi khí hậu. “Tăng trưởng xanh” là việc làm cho các quá trình tăng trưởng trở nên hiệu quả về mặt tài nguyên, sạch hơn và chóng phục hồi hơn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đầu tư vào môi trường để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
– Đối với Việt Nam, “tăng trưởng xanh” được cụ thể hóa như thế nào trong chiến lược quốc gia, thưa bà?
– Ngày 25-9-2012, Thủ tướng đã có Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” thời kỳ 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nêu rõ: “Tăng trưởng xanh” ở Việt Nam là sự tăng trưởng dựa trên quá trình thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế thông qua việc nghiên cứu và áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
– Bà đánh giá thế nào về sự “tăng trưởng xanh” của các đô thị ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng?
– Hiện cả nước có trên 770 đô thị trong đó có 142 thành phố và thị xã (theo số liệu của Cục Phát triển đô thị, Bộ Xây dựng tháng 12-2013). Đô thị Việt Nam phát triển thiếu tính bền vững, thể hiện rõ ở quy hoạch còn thiếu và chậm so với nhu cầu phát triển, bên cạnh đó là một loạt vấn đề phải đối mặt như môi trường ô nhiễm, ùn tắc giao thông… Vì vậy, các đô thị cần phát triển theo hướng “tăng trưởng xanh” phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tức là phải giải quyết các thách thức về kinh tế, môi trường, năng lượng, tác động của biến đổi khí hậu… làm ảnh hưởng đến hình ảnh đô thị, điều kiện và môi trường sống của người dân cũng như yêu cầu phát triển bền vững. Thủ tướng đã phê duyệt định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 – 2050 với mục tiêu từng bước xây dựng hoàn chỉnh hệ thống đô thị Việt Nam, có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xã hội đồng bộ, hiện đại và môi trường chất lượng sống tốt, kiến trúc tiên tiến. Đó là nền tảng để xây dựng các thành phố “tăng trưởng xanh” trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Thay đổi nhận thức và hành động
– Theo bà, Hà Nội đã làm được những gì để xây dựng đô thị xanh?
– Hà Nội là thành phố lớn thứ hai trong cả nước về dân số sau TP Hồ Chí Minh nên công tác quản lý đô thị có nhiều khó khăn. Vì vậy, để đạt được những kết quả tốt đòi hỏi sự quyết tâm cao của Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng như sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và người dân. Điểm nổi bật mà mọi người đều thấy, đó là ùn tắc giao thông Hà Nội năm nay đã giảm đáng kể do việc đầu tư xây dựng cầu vượt bằng thép, nếu xét trên khía cạnh “tăng trưởng xanh” thì đây cũng là một việc làm có ý nghĩa – vừa kinh tế và hiệu quả, tất nhiên về lâu dài vẫn là phát triển giao thông công cộng. Hà Nội cũng đã có nhiều cơ chế khuyến khích các tổ chức tài chính, doanh nghiệp triển khai các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí “tăng trưởng xanh”; rà soát các phương án công nghệ được sử dụng trong các dự án đầu tư, đặc biệt là khi cấp phép hoặc quyết định đầu tư để thực hiện mục tiêu “tăng trưởng xanh”; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo khuôn mẫu. Thành phố đã có những quy định về các biện pháp và kiểm tra chặt chẽ hơn việc phòng, chống ô nhiễm từ các công trình xây dựng, từ hoạt động vận chuyển các loại chất thải, vật liệu xây dựng trong các quận nội thành; một số quy chuẩn môi trường về nước thải, khí thải và tiếng ồn trên địa bàn nghiêm ngặt hơn so với quy chuẩn môi trường quốc gia…
Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường sống, nhất là những ao, hồ trong khu vực dân cư, sau khi được cải tạo đã đem lại một không gian sống chất lượng cao với cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Trong kiến trúc xây dựng, nếu như trước đây nhiều người ưa chuộng những mẫu thiết kế nhà có thể tận dụng tối đa diện tích và khép kín thì nay nhiều người đã chọn những thiết kế có kiến trúc mở, nhiều cửa, dành nhiều diện tích hơn cho khoảng không để có thể hòa nhập với không gian bên ngoài; sử dụng nhiều chất liệu gỗ trong xây dựng thay vì dùng nhôm, kính, gạch men… Các hoạt động trên là những tín hiệu đáng mừng trong quá trình triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” của thành phố.
– Bà có thể cho biết vai trò của chính quyền thành phố trong việc phát triển “kinh tế xanh” như thế nào?
– Năng lực của chính quyền đô thị được biểu hiện ở hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và kết quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn đô thị. Đồng thời, năng lực của chính quyền đô thị được phản ánh một cách trung thực, khách quan qua những tiến bộ cũng như những hạn chế, yếu kém bức xúc trong đời sống kinh tế – xã hội ở đô thị. Vì vậy, vai trò của lãnh đạo chính quyền đô thị, đặc biệt là ý chí quyết tâm của người đứng đầu là rất quan trọng để thực hiện đầy đủ chức năng công tác điều hành quản lý đô thị hướng tới xây dựng đô thị “tăng trưởng xanh”.
– Các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Hà Nội đóng góp gì trong việc xây dựng đô thị xanh Hà Nội, thưa bà?
– Để phát triển bền vững, đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ phải đáp ứng nhu cầu thân thiện với môi trường của xã hội. Muốn vậy, doanh nghiệp cần tiếp cận được với công nghệ mới, hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thách thức không nhỏ cũng được đặt ra đối với doanh nghiệp là phải xác định các nhân tố trong mô hình cạnh tranh, phát triển; đồng thời phải bảo đảm tuân thủ các quy định về môi trường và nâng cao trách nhiệm xã hội. Cùng đó, người dân với tư cách là “người tiêu dùng xanh” cũng cần tránh tiêu thụ những sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe và môi trường. Thông qua việc chỉ mua sắm thứ mình cần, người tiêu dùng có quyền yêu cầu nhà cung cấp phải tạo ra và cung ứng những sản phẩm, dịch vụ không ảnh hưởng xấu tới môi trường sống. Ví dụ như chọn loại xe tiết kiệm nhiên liệu và thải ít khói ra môi trường; chọn loại đồ gia dụng giúp tiết kiệm điện, nước; không mua những sản phẩm được tạo ra từ da, lông hay thịt của động vật hoang dã… Khi thay đổi nhận thức và thói quen của mình, người tiêu dùng có quyền thay đổi nhà cung cấp và thay đổi xã hội.
“Tăng trưởng xanh” phù hợp với đặc thù Thủ đô
– Hà Nội đã xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về “tăng trưởng xanh” thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Vậy bà có biết về mục tiêu của kế hoạch này?
– Theo tôi được biết, mục tiêu của kế hoạch là phát triển kinh tế Thủ đô nhanh, bền vững; kiểm soát ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu… Trong đó, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 42 đến 45% trở lên; giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8 đến 10% so với năm 2010; diện tích cây xanh đô thị đạt 10 đến 12 m2/người; 100% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trong ngày ở nội thành đạt 100%, ngoại thành đạt trên 95%; tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; các khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn… Nói tóm lại, Hà Nội đang tích cực hướng tới “kinh tế xanh” với một nền sản xuất chất lượng cao, quy trình sạch và bảo vệ môi trường.
– So với mục tiêu đặt ra, thành phố Hà Nội còn nhiều việc phải làm để có được “tăng trưởng xanh”?
– Đúng vậy, Hà Nội cần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng tập trung, cùng với quá trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn và xây dựng một chính sách cho chương trình sản xuất hàng hóa mới, giúp nền nông nghiệp Thủ đô phát triển bền vững, nâng cao đời sống nông dân. Ðối với khu vực nội thành, thành phố cần đẩy mạnh cải tạo, khôi phục môi trường ao, hồ, kênh, mương, các đoạn sông đi qua địa bàn thành phố bị ô nhiễm nặng như sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, sông Nhuệ, sông Ðáy… Từ đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự cải thiện môi trường sống của nhân dân. Hà Nội đã có quy hoạch không gian xanh và cải tạo các hồ ao để Hà Nội có môi trường thân thiện hơn. Tôi nghĩ rằng, với những biện pháp và chỉ đạo cụ thể chắc chắn Hà Nội sẽ có những không gian xanh đẹp góp phần vào xây dựng Thủ đô theo hướng đô thị “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại” vào năm 2030.
– Đối với công tác xây dựng đô thị “tăng trưởng xanh”, thành phố phải có những nỗ lực như thế nào, thưa bà?
– Để phát triển đô thị một cách bền vững và có tính cạnh tranh, với những giải pháp đồng bộ, tổng thể dựa trên những chương trình, kế hoạch hành động cụ thể, vấn đề quan trọng là nâng cao năng lực lãnh đạo của chính quyền các cấp để có thể xác định đúng các định hướng chiến lược và đưa ra các sáng kiến cũng như cải thiện điều kiện, cơ chế hợp tác với các bên liên quan. Trong quá trình điều chỉnh quy hoạch chung, thực hiện quy hoạch phân khu hay quy hoạch chi tiết cần gắn kết chặt chẽ với quan điểm, mục tiêu và những giải pháp thực hiện của chiến lược “tăng trưởng xanh” phù hợp với đặc thù của Thủ đô và đáp ứng nhu cầu của người dân.
– Vậy Hà Nội phải làm gì, thưa bà?
– Muốn “tăng trưởng xanh” đòi hỏi quyết tâm cao của chính quyền thành phố. Thực tế cho thấy, sự thành công hay thất bại của việc xây dựng, phát triển đô thị phụ thuộc rất lớn vào vai trò và quyết tâm của chính quyền thông qua những chính sách, cơ chế về đầu tư, tài chính, huy động mọi nguồn lực từ mọi tầng lớp nhân dân và từ khu vực tư nhân. Trong 3 yếu tố then chốt để xây dựng đô thị “tăng trưởng xanh” thành công là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền đô thị với người dân và doanh nghiệp thì vai trò của chính quyền đô thị là khâu chủ chốt kết nối và chỉ đạo điều hành. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng tôi tin rằng Hà Nội vẫn quyết tâm theo đuổi nền “kinh tế xanh” và con đường ngắn nhất để phát triển bền vững là “tăng trưởng xanh”.
– Trân trọng cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này!