ThienNhien.Net – Từ năm 2012, EVN bắt đầu thực hiện giá bán điện thương phẩm, vì thế năm 2013 đã bù được một phần lỗ và có lãi khoảng 120 tỷ đồng. Với bức tranh tài chính hứa hẹn EVN sẽ bù tiếp các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá còn tồn lại và giải quyết xong hoàn toàn trong năm 2014-2015.
Có lãi 120 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, năm 2011, EVN lỗ lũy kế 38.000 tỷ đồng, trong đó lỗ do sản xuất kinh doanh là 12.000 tỷ đồng và chênh lệch tỷ giá 26.000 tỷ đồng.
Năm 2012, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện đạt 139.489,15 tỷ đồng (đã giảm trừ các khoản thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện). Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2012 là 1.322,55 đồng/kWh, tăng 40 đồng/kWh so với năm 2011. Nguyên nhân tăng giá thành chủ yếu do giá than tăng 10-11% vào tháng 4 và tăng tiếp 20-40% vào tháng 8 đã dẫn đến tăng chi phí ở các nhà máy nhiệt điện than. Với giá bán điện thương phẩm bình quân 1.364,31 đồng/kWh, năm 2012, EVN lãi hơn 4,4.000 tỷ đồng từ sản xuất kinh doanh điện.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, năm 2013 hứa hẹn bức tranh tài chính sáng sủa hơn nhờ sản lượng thủy điện tăng vọt do Thủy điện Sơn La đi vào hoạt động, nước về nhiều giúp số giờ vận hành của các nhà máy thủy điện tăng (Thủy điện là nguồn có giá thành thấp, chỉ ở mức 523 đồng/kWh đã góp phần kéo chi phí tổng thể bình quân chỉ tăng hơn 3%). Phần khác là nhờ tăng trưởng kinh tế chậm lại, nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất giảm khiến tốc độ tăng phụ tải chỉ dưới 10% (trước đây dự báo 13%), thời tiết thuận lợi khiến nhu cầu dùng điện sinh hoạt giảm đã giúp EVN giảm được 2 tỉ đồng phát điện chạy dầu. Bên cạnh đó là sự nỗ lực giảm tổn thất hệ thống về 8,85%, thấp hơn 0,38% so với kế hoạch. Đặc biệt, riêng 10 tháng đầu năm 2013, cả nước đã tiết kiệm 2,234 tỷ kWh, đạt 110% kế hoạch năm 2013, bằng 2,4% sản lượng điện thương phẩm, báo hiệu 1 năm chỉ tiêu tiết kiệm điện sẽ vượt xa so với kế hoạch. Tất cả những yếu tố trên đã góp phần giúp EVN sản xuất kinh doanh có lãi trong năm 2013 khoảng 120 tỷ đồng sau khi giải quyết một phần nợ tồn lại từ năm trước. Về cơ bản, EVN đã cân đối được tài chính, bù lỗ cho sản xuất kinh doanh khoảng 12.000 tỷ. Lỗ chênh lệch tỷ giá giải quyết gần xong và còn một phần sẽ giải quyết trong năm 2014- 2015.
Chưa hết nguy cơ tăng vay nợ
Theo ông Đinh Quang Tri, ngoài việc vừa phải lo trả nợ, EVN vừa phải tiếp tục đầu tư nguồn mới. Hiện nay tình hình tài chính của EVN bước đầu được cân đối, nhưng từ nay đến 2015, mỗi năm EVN phải vay khoảng 5 tỉ USD để đầu tư các dự án mới, riêng năm nay EVN phải đầu tư 123.000 tỷ đồng. Khó là ở chỗ, bên vay phải đảm bảo điều kiện là tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu không quá 3 lần. trong khi 3 tổng công ty phát điện phải thực hiện rất nhiều dự án mới nhưng đều có tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu vượt quá 3 lần, có đơn vị lên tới 5- 6 lần.
Để khắc phục, EVN phải đứng ra vay vốn sau đó cho các tổng công ty này vay lại. Hiện tỷ lệ nợ của Công ty mẹ – tập đoàn mới khoảng 1,8-2 lần nên có thể vay hộ. Tuy nhiên, nếu EVN cứ đi vay hàng tỷ USD cho các công ty con vay lại thì tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty mẹ sẽ lên rất nhanh, chỉ vài ba năm nữa sẽ vượt mức trần. Khi đó chính EVN cũng rất khó vay vốn ( hiện nay, EVN đang là “con nợ” lớn nhất của hệ thống ngân hàng với dư nợ 144.000 tỷ đồng). Vì vậy, EVN đang đề nghị Chính phủ kêu gọi các dự án BOT và các tập đoàn khác như Vinacomin, PVN cũng phải đầu tư nhà máy điện chứ một mình EVN không thể thu xếp đủ vốn.
Giá bán điện bắt đầu cao hơn giá sản xuất
Sau nhiều năm bán điện dưới giá thành, năm 2012, EVN bắt đầu thực hiện giá bán điện thương phẩm cao hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện là 42 đồng/kWh với chất lượng điện ngày càng an toàn và ổn định. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường điện đã bắt đầu vận hành có hiệu quả. Tuy nhiên, do phải cân đối các khoản lỗ còn lại từ năm trước nên tổng số lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện và các khoản chi phí chưa hạch toán vào giá thành vẫn còn tới 19.877 tỷ đồng. Trong đó, lỗ lũy kế sản xuất kinh doanh điện là 4.736 tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán là 15.109 tỷ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện áp nông thôn là 31,54 tỷ đồng.
Ông Đinh Quang Tri cho biết, năm 2013, ước doanh thu toàn tập đoàn đạt 172.000 tỷ đồng, sau khi đã khấu trừ chi phí, một phần lỗ lũy kế và lỗ tỷ giá của các năm khác để lại… thì EVN chỉ còn lãi 120 tỷ đồng. Đây là khoản lãi không lớn nhưng cũng đã mở ra hy vọng cho sản xuất kinh doanh điện những năm sau, nhất là việc kêu gọi đầu tư vào ngành điện.Theo kế hoạch, giai đoạn 2014- 2015, các khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá tồn lại từ năm trước sẽ giải quyết xong bằng cách phân bổ dần vào giá thành sản xuất kinh doanh điện.
Điều dư luận quan tâm nhất hiện nay là kế hoạch tăng giá điện của EVN trong thời gian tới. Theo ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, việc điều chỉnh giá điện còn phụ thuộc vào kết quả kiểm tra giá thành năm 2012 và kết quả tính toán giá điện năm 2013, cũng như kế hoạch giá thành điện năm 2014. Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã quy định, thời gian tối thiểu để điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa hai lần liên tiếp là 6 tháng/lần, chỉ được điều chỉnh giá bán điện khi các thông số đầu vào cơ bản tăng tối thiểu 7%. |