Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản- Doanh nghiệp kêu “phá sản”

ThienNhien.Net – Tại Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) triển khai thực hiện Nghị định số 203/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ tài nguyên và Môi trường tổ chức sáng ngày 27/12/2013, đồng loạt các DN đều cho rằng, mức tính và thời gian áp dụng là không khả thi.

281213_khoangsan

Mức thu tiền cấp quyền khai thác gây nhiều tranh cãi

Ngày 20/1/2014, Nghị định số 203/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chính thức có hiệu lực. Điều này đã tác động lớn đến hoạt động của các DN khai thác khoáng sản.

Tại Hội nghị đối thoại với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản – Bộ tài nguyên và Môi trường, nhiều DN đã phản ứng gay gắt, cho rằng, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được tính theo công thức: T = QxGxK1xK2xR là bất hợp lý.

Theo đó, đặc biệt trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản- là trữ lượng địa chất nằm trong ranh giới khu vực được cấp phép khai thác (Q) được nhóm các DN khai thác đá vôi, đá hoa trắng… phân tích, cho rằng: Thực tế hiện nay trữ lượng khoáng sản của hầu hết các DN đều là “ảo”, không đúng với thực tế. Vì vậy nếu áp dụng công thức tính tiền dựa trên trữ lượng trong giấy phép “ảo” như vậy thì DN không thể gánh được.

Đại diện Công ty TNHH Khai thác đá vôi trắng ở tỉnh Yên Bái phát biểu: DN này đầu tư cách đây hơn 5 năm, có thể được gọi là DN lớn nhất về khai thác đá hoa trắng ở Việt Nam. Tuy nhiên thực tế thì DN chỉ khai thác được khoảng 10% công suất thiết kế do trữ lượng xa vời với thực tế.

Chia sẻ tình trạng này, ông Nguyễn Giang Hoài, Chủ tịch HĐQT Công ty Đá và Khoáng sản Phủ Quỳ ở Nghệ An cũng phát biểu – với mức tính áp dụng như trong Nghị định 203 thì tất cả các DN khai thác đá của Nghệ An đều phá sản.

281213_khoangsan2

Đại diện Công ty CP Gang Thép Thái Nguyên phát biểu thêm – Trong bối cảnh các DN đã chịu rất nhiều các loại, thuế, phí, cộng thêm mấy năm nay suy thoái về kinh tế, thị trường gặp rất nhiều khó khăn, nay Chính phủ áp dụng thu và truy thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nữa xem ra là gánh nặng quá lớn đối với DN.

Truy thu tiền 2 năm về trước- DN sẽ đóng cửa

Điều đáng nói, theo các DN thì việc áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nếu áp dụng đúng từ thời điểm Luật Khoáng sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2011thì đến nay, số tiền mà các DN phải nộp ít nhất cũng hàng chục tỉ đồng, còn như Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam, con số này lên đến mấy nghìn tỉ đồng. Đại diện một doanh nghiệp ở Lai Châu còn phát biểu, với mức thu và thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được quy định như trong Nghị đinh thực sự gây “sốc” cho các DN.

Trước thực tế đó, các DN đều tập trung kiến nghị với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản một số vấn đề:

Thứ nhất, cần nghiên cứu lại mức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trong đó đặc biệt là đánh giá lại trữ lượng tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản để các cơ quan chức năng có con số chính xác khi tính toán mức thu tiền với từng DN.

Thứ hai, đề nghị không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản từ 1/7/2011.

Thứ ba, việc áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cần có lộ trình đối với các DN.

281213_khoangsan3

Chia sẻ với các DN, ông Nguyễn Văn Thuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản cũng đồng tình với một số kiến nghị của DN, ví dụ như trong lúc các DN đang gặp rất nhiều khó khăn, thời điểm áp dụng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản cần được nghiên cứu kỹ. Sau buổi đối thoại với các DN, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản sẽ có trách nhiệm tiếp tục tập hợp ý kiến của các DN, từ đó sẽ tham mưu với Quốc hội, Chính phủ sao cho việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản áp dụng hợp lý, phù hợp với thực tế và tạo điều kiện để các DN hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản được phát triển bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những kiến nghị của các DN, ông Nguyễn Văn Thuấn cũng có những ý kiến phản hồi với các DN về việc các DN kêu “sốc” khi nhận được thông tin Nghị định 203 của Chính phủ hoặc về trữ lượng khoáng sản “ảo” hay việc ban hành Nghị định là khiến DN gánh thêm thuế, phí… Theo ông Thuấn, Dự thảo Nghị định này đã được nghiên cứu và đưa ra từ năm 2010, thực hiện theo đúng các quy trình, có lấy ý kiến của các cơ quan ban ngành, các DN. Vì vậy, không thể nói DN không biết và đổ lỗi cho các cơ quan quản lý. Còn về trữ lượng “ảo”, trong quá trình xin cấp phép khai thác, các DN tự quyết định chủ động về thăm dò, số liệu về trữ lượng. Thực tế không ít DN chỉ quan tâm là sao cho được cấp phép thật nhanh, không quan tâm trữ lượng thực tế bao nhiêu. Vì thế, dẫn đến trữ lượng “ảo”, trên giấy. Việc Ban hành Luật Khoáng sản sửa đổi, Nghị định 203/2013/NĐ-CP, trong đó một phần quan trọng là để quản lý sao cho hoạt động khai thác khoáng sản của Việt Nam theo hướng bền vững, mục tiêu loại bỏ những DN khai thác khoáng sản yếu kém, không đủ năng lực… từng bước loại bỏ tình trạng khai thác khoáng sản tràn lan, lãng phí, gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường.