ThienNhien.Net – Những bất cập, lạc hậu của hệ thống chính sách pháp luật đã phần nào “tiếp tay” cho tình trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN, KCX
Ngày 27-12, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PAN) đã tổ chức hội thảo “Bảo vệ môi trường trong hệ thống các KCN ở Việt Nam: Các lỗ hổng chính sách, vấn đề minh bạch thông tin và tác động đối với cộng đồng”. Các ý kiến tổng hợp từ hội thảo sẽ được kiến nghị lên Văn phòng Quốc hội trước kỳ họp Quốc hội tới đây – có bàn về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường.
Nứt nhà vẫn đạt chuẩn!
GS-TS Võ Thanh Thu – Trường ĐH Kinh tế TP HCM, người đã thực hiện đề tài nghiên cứu cấp nhà nước về phát triển các KCN ở Việt Nam – cho biết cả nước hiện có 289 KCN nhưng chỉ 184 KCN đi vào hoạt động. Các KCN hiện phát triển theo hướng thu hút đầu tư bằng mọi giá, chưa quan tâm bảo vệ môi trường.
Tổng lưu lượng nước thải từ các KCN là 47 triệu m3/năm. Trong đó, nhiều KCN xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tại ĐBSCL, 85% cụm công nghiệp và 75% KCN chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung hoặc hệ thống xử lý chưa đạt tiêu chuẩn.
PAN cũng đã tiến hành khảo sát một số KCN ở phía Bắc. Tại KCN Tằng Lỏong – Lào Cai, nhà máy sản xuất phốt phát gây ô nhiễm trầm trọng. 69 hộ dân chưa được di dời khỏi vùng ô nhiễm. Từ khi nhà máy hoạt động, người dân mắc các bệnh chủ yếu về xương khớp; trâu bò chết ngày càng nhiều. KCN Thụy Vân – Phú Thọ thì ngày đêm xả nước thải đen ngòm ra môi trường khiến 30 ha đất của người dân phải bỏ hoang…
Theo ông Bùi Mạnh Phùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước, người dân địa phương này từng phản ánh về mùi hôi của các cơ sở sản xuất nhưng khi cơ quan chức năng đo đạc vẫn khẳng định trong giới hạn cho phép. Thậm chí, các mỏ khai thác đá nổ mìn làm nứt nhà dân nhưng khi đo đạc thì báo kết quả độ rung cho phép. Người dân không chấp nhận và cứ khiếu nại mãi. Ông Phùng cho rằng bên cạnh quy chuẩn về môi trường còn rất nhiều quy định của Chính phủ đưa ra chưa phù hợp thực tế.
Tranh chấp gia tăng
Đại diện Ban Quản lý Các KCN tỉnh Vĩnh Long cho rằng nhiều đơn vị tư vấn biết tác động tiêu cực về môi trường hoặc không nên phát triển KCN tại vị trí nào đó nhưng vì ý chí của địa phương muốn thu hút đầu tư bằng mọi giá nên cũng xuôi theo. Vì thế, cần phát huy khả năng của các chuyên gia, đơn vị tư vấn trong việc lập quy hoạch hay báo cáo đánh giá tác động môi trường, để không bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, làm sai lệch kết quả nghiên cứu.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng suy thoái môi trường ngày càng gia tăng dẫn đến tình trạng tranh chấp môi trường ngày càng nhiều, chủ yếu là giữa doanh nghiệp và người dân. Chẳng hạn, các vụ xả thải của Công ty Vedan, Sonadezi Long Thành (Đồng Nai), Công ty Tung Kuang (Hải Dương)…
Theo luật sư Hậu, việc môi trường bị ô nhiễm ai cũng thấy nhưng thực tế, dường như chỉ các cơ quan quản lý nhà nước “không hiểu”. “Vụ tranh chấp nóng nhất hiện nay là người dân kiện Công ty Nicotex Thanh Thái, cả Đoàn Luật sư Hà Nội và Thanh Hóa đều đồng ý hỗ trợ pháp lý, Viện Môi trường – Tài nguyên chấp nhận lấy mẫu đánh giá thiệt hại, hiện chỉ chờ văn bản của UBND tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đang bị “tắc” chỗ này vì có một sự im lặng đáng sợ từ phía chính quyền” – ông Hậu băn khoăn.
Luật sư Hậu kiến nghị Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi cần cho phép khởi kiện tập thể, kéo dài thời hiệu khởi kiện, quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc xác định thiệt hại do ô nhiễm môi trường…
“Nhắm mắt” lập quy hoạch
Đại diện Ban Quản lý Các KCN tỉnh Bình Thuận nêu thực trạng nhiều bộ, ngành lập quy hoạch nhưng không đi thực tế kiểm tra, cứ thế trình Chính phủ phê duyệt. Vị này nêu ví dụ: Một KCN xây dựng ở vị trí lòng chảo, thường xuyên có áp thấp nhiệt đới nên dù khí thải nằm trong quy chuẩn nhưng không lưu thông được sẽ tích tụ và gia tăng ô nhiễm. Mỗi vùng miền, khu vực có đặc tính tự nhiên khác nhau, điều này cần được xem xét kỹ trước khi quy hoạch. |