ThienNhien.Net – Ngày 27-12, tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Khóa XIII) phối hợp tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo “Tác động của thiên tai và di dân tái định cư thủy điện đối với giảm nghèo” khu vực miền trung – Tây Nguyên.
Dự hội thảo có đại diện các bộ, ngành trung ương và đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền trung – Tây Nguyên.
Tại hội thảo, các đại biểu nghe nhiều tham luận của các nhà khoa học và nhà quản lý nêu rõ thực trạng tác động của thiên tai và thủy điện đối với công tác giảm nghèo, cứu trợ xã hội; Tình hình thực hiện chính sách cứu trợ xã hội đối với khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tác động của thiên tai đối với việc thực hiện chính sách giảm nghèo; chính sách di dân tái định cư các công trình thủy điện liên quan chính sách giảm nghèo…
Nhiều ý kiến cho rằng, khu vực miền trung được xem như là “trung tâm” ảnh hưởng bởi thiên tai; đồng thời là địa bàn “trọng tâm” cứu trợ của cả nước, với khoảng 70% số gạo cứu trợ của năm 2013 được hỗ trợ khu vực này.
Hiện tại, tình trạng thiếu đất sản xuất đối với người dân tái định cư thủy điện đang là vấn đề đặt ra thu hút sự quan tâm của nhiều địa phương và đây là một trong những nguyên nhân chính làm cho công tác giảm nghèo chậm lại. Thực tế cho thấy, khi diện tích rừng bị thu hẹp, hệ thống nguồn nước, lưu lượng dòng chảy thay đổi đã ảnh hưởng trực tiếp đời sống và sản xuất của nhân dân trong vùng dự án và hạ du, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, thời gian qua, công tác giảm nghèo còn gặp nhiều khó khăn do khách quan và chủ quan. Trong đó, tác động của thiên tai không chỉ ảnh hưởng trực tiếp về kết quả giảm nghèo trước mắt mà còn ảnh hưởng về lâu dài. Do vậy, các địa phương cần phối hợp các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất những phương án giảm nghèo mang tính căn cơ, lâu dài, phù hợp với tình hình địa phương.
Ông Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Không ai có thể phủ nhận hiệu quả tích cực của thủy điện đem lại đối với sự nghiệp điện khí hóa, hiện đại hóa, nhưng chúng ta cần xem xét, đánh giá về những mặt trái của nó đối với môi trường, đời sống người dân địa phương và vùng hạ du…”.