ThienNhien.Net – Bất chấp cảnh báo từ giới khoa học, bất chấp cả sự phản ứng dai dẳng của cư dân sở tại, trong một thời gian ngắn, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ chi chít mọc lên trên các con sông khắp dải đất miền trung, Tây Nguyên đã gây ra hậu quả khôn lường về môi trường, dòng chảy, tác động đến mọi mặt kinh tế – xã hội địa phương. “Thủy điện xả lũ” thốt nhiên trở thành cụm từ tạo nên nỗi ám ảnh khôn nguôi với hàng triệu người sinh sống ở vùng hạ du, kèm theo đó là những tranh cãi chưa có hồi kết về một “quy trình xả lũ” có hay không phù hợp tiêu chuẩn?
Tích nước mùa khô, xả lũ mùa mưa?
“80% nguồn trữ lượng thủy năng trên các dòng sông đã được khai thác hoặc đưa vào quy hoạch các dự án thủy điện”, GS-TS Vũ Trọng Hồng – Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam khẳng định. Từng là chỉ huy trưởng công trường xây dựng thủy điện Trị An lớn nhất miền nam một thời, GS-TS Vũ Trọng Hồng không thể giấu nổi nỗi ưu tư: “Tài nguyên nước trên các dòng sông coi như đã được đưa vào sử dụng gần hết cho thủy điện. Ở nước ta, ai cũng biết các dòng sông chính là mạch máu nuôi sống nông nghiệp. Thế rồi chỉ trong một thời gian ngắn người ta đặt lên những nhà máy thủy điện và buộc cộng đồng dân cư ở hạ lưu phải sử dụng nước theo cái gọi là “quy trình vận hành” trái với tự nhiên. Ngay những nước có lịch sử phát triển thủy điện nhanh trên thế giới như Liên Xô (trước đây), cũng chỉ dám tập trung khai thác trên các thác nước, ở những vùng như Xibêri thưa vắng dân cư”.
Theo “Báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện và vận hành khai thác các công trình thủy điện” do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, cả nước hiện có 815 dự án thủy điện với tổng công suất lắp máy 24.324,3 MW. Trong đó, đã vận hành phát điện 268 dự án (14.240,5 MW), 205 dự án (6.198,8 MW) đang thi công xây dựng và dự kiến đưa vào khai thác từ nay đến năm 2017…
Đây là con số còn lại sau khi đã loại sáu dự án thủy điện bậc thang (395 MW) và 418 dự án thủy điện nhỏ (1.174,49 MW) do ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường, xã hội cũng như hiệu quả thấp, đồng thời không xem xét quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện (375,65 MW). Tuyệt đại đa số các dự án thủy điện vừa và nhỏ không tuân thủ nguyên tắc sử dụng tổng hợp nguồn nước được Thủ tướng Chính phủ đặt ra trong quy hoạch, GS-TS Vũ Trọng Hồng bày tỏ. Nước là tài sản quốc gia, tài sản chung của cộng đồng dân cư trong lưu vực các con sông, chứ không phải tài sản riêng của một ngành nào. Ông Hồng thí dụ, thủy điện Đắk Mi 4 đã chuyển toàn bộ dòng chảy sau thủy điện từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn phía Quảng Nam, cho nên vào mùa cạn, hạ lưu sông Vu Gia lâm cảnh khát nước.
Nhiều tiếng nói đề nghị Đắk Mi 4 cung cấp cho phía Đà Nẵng 25m 3 /s nhưng chủ đầu tư không đồng ý.
Chuyên gia thủy điện, TS Đào Trọng Tứ cũng đồng tình: Việc cấp phép đầu tư thủy điện cho tư nhân (điều tối kị đối với nhiều quốc gia trên thế giới) khiến giới chủ đầu tư coi nguồn nước là “của nả” riêng mình, tận dụng mọi cơ hội sinh lời, đặt lợi nhuận cá nhân lên trên hết…
Thay vì tôn trọng công thức xả nước mùa khô cho sản xuất, sinh hoạt và điều tiết nước vào mùa mưa, nhiều hồ chứa thủy điện chỉ nhăm nhăm quy trình ngược lại, tích nước mùa khô để phát điện, rồi ào ạt xả lũ mà quên đi lợi ích của số đông người.
Chưa có quy trình an toàn xả lũ?
Nhiều cảnh báo khoa học, cả những nghiên cứu để lại từ thời Pháp thuộc đã nhấn mạnh, miền trung là vùng đất nhạy cảm với hồ chứa.
Do địa thế dốc về phía biển, không có nhiều bình nguyên lớn và rừng không có những bụng chứa lớn, cho nên nước mưa vừa rơi xuống, chưa kịp thấm, đã tạo nên dòng chảy lũ dồn xuống hạ lưu. Sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, người dân miền trung luôn tự trang bị cho mình những kinh nghiệm quý báu khi cảm nhận và đối phó với lũ lụt. Tuy nhiên, từ khi có thủy điện, thực tiễn được tích lũy tự bao đời, được đánh đổi bằng rất nhiều sinh mạng, nước mắt và mồ hôi đã trở thành vô nghĩa đơn giản bởi, không sự mẫn cảm nào dự báo được “lũ của thủy điện”. Điều này đã được thể hiện khá sinh động qua thiệt hại khó định lượng của những trận lũ kinh hoàng giáng xuống dọc dải miền trung trong tháng 10, tháng 11. Lý lẽ của một “quy trình an toàn xả lũ” thực chất chỉ là “quy trình vận hành bảo đảm an toàn hồ chứa”, còn “quy trình vận hành an toàn xả lũ cho hạ du” lại không hề có. Tuyệt đại đa số dự án thủy điện vừa và nhỏ bỏ qua thiết kế đường xả tràn nên khi lũ về, người dân không biết lối nào mà chạy. Hàng loạt con số biết nói được đưa ra khiến không ít người giật mình: Gần 90% số dự án trong quy hoạch là thủy điện nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất chỉ chiếm khoảng 26% (tỷ trọng này còn thấp hơn khi một số dự án tiếp tục bị loại khỏi quy hoạch). Đáng quan ngại hơn, thủy điện nhỏ có gần 30% số đập chưa được kiểm định; chỉ khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới và tới 66% số đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập thiếu phương án phòng chống lụt bão. Thêm vào đó, hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình thủy điện được đánh giá là rất thấp.
Giảm khó khăn cho hạ du, cách nào?
Ở Mỹ, một cường quốc thủy điện cũng phải mất từ 15 đến 20 năm để thu thập số liệu mưa và lũ ở các lưu vực sông, từ đó dự báo lũ khi mưa rơi xuống. Còn nếu dự báo khi có xét xả lũ của các hồ lại càng khó hơn.
Đặc biệt cho những thủy điện bậc thang, hay quy trình liên hồ còn nan giải hơn nữa. Điều này không chỉ liên quan đến kỹ thuật, nguồn tiền, đến thời gian, mà còn động chạm tới hệ thống quản lý các hồ chứa.
Khi chủ mỗi hồ chứa là tư nhân thì khó có thể thu được số liệu xả lũ chính xác. “Nếu lỡ xả nước đi rồi, lũ không về, mưa ít đi, ai sẽ bù thiệt hại?” là tâm tư của không ít chủ hồ.
Quy tụ được các chủ hồ chứa chấp hành quy trình xả lũ an toàn cho hạ lưu, sẽ liên quan đến chính sách chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân.
“Để có được một quy trình xả lũ an toàn cho người dân ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện, Chính phủ phải thật sự thu hút được nhiều chuyên gia giỏi, tâm huyết, cùng với những chính sách khuyến khích mới có thể gỡ dần. Đây là vấn đề khoa học mang tầm cỡ quốc gia và cần được đối xử đúng tầm của nó” – GS.TS. Vũ Trọng Hồng chia sẻ.
* Tài nguyên nước trên các dòng sông coi như đã được đưa vào sử dụng gần hết cho thủy điện.
* Trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện với diện tích 19.792 ha. Cho đến nay, mới chỉ có 735 ha diện tích rừng được trồng thay thế, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu. (Báo cáo của Chính phủ)… * 48,26% công suất và 43,9% điện lượng cho hệ thống điện là đóng góp của hệ thống thủy điện trong năm 2012. Các hồ chứa thủy điện sẽ chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước (56 tỷ m3 trong tổng số 65 tỷ m3). Hằng năm, các nhà máy thủy điện đang vận hành đóng góp khoảng 6.500 tỷ đồng tiền thuế VAT, thuế tài nguyên nước, phí môi trường… |