ThienNhien.Net – Trong thời gian qua, hàng trăm người dân từ khắp nơi ồ ạt đổ về tiểu khu 300 ở xã Cư Klông, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) đào đãi đá quý saphia và thạch anh tinh thể. Trong khi đó, khu vực này đã được UBND tỉnh Đắk Lắk giao cho một hợp tác xã nhận trồng rừng nguyên liệu.
Rừng núi tan hoang
Sáng 21-12, chúng tôi thâm nhập những bãi khai thác đá quý ở suối Ia Kul và Ia Bal thuộc tiểu khu 300. Khu vực này nằm khuất trong những dãy núi cao, cây cối rậm rạp… Sau khi vật lộn với con “ngựa sắt” qua khoảng 10km đường đèo, đồi dốc quanh co, chúng tôi phải gửi xe máy ở nhà anh M.V.S (gần điểm khai thác đầu tiên) để đi bộ đến suối Ia Kul. Anh M.V.S cho biết, hiện có 4 điểm khai thác đá quý ở tiểu khu 300, vào thời điểm cao nhất có khoảng 400 người tham gia khai thác đá.
Trên con đường vào suối Ea Tul, có nhiều điểm khác ven suối bị khai thác, tạo thành các hố trong lòng suối và các vết nứt lớn hai bên bờ. Dọc đường vào rừng, có hàng chục cây lớn bị đốn ngã, nằm ngổn ngang hai bên. Tại khu vực ven suối, việc khai thác theo kiểu “hên xui” và công nghệ đào đãi thủ công làm bờ suối bị đào xới thành các hố sâu, bề mặt địa hình nguyên thủy bị xâm hại nghiêm trọng. Những tảng đá lớn dưới lòng đất bị xới tung lên, chặn ngang dòng chảy. Nhiều cây lớn bị mất chân, rễ không còn chỗ bám đất nên đổ xuống, nằm ngổn ngang, chồng chất lên nhau. Vì thế, con suối Ia Kul chảy qua đoạn này chỉ còn lại một khe nhỏ. Tại các lán trại cạnh bờ suối, hàng chục người dân đang “chia lô” từng khu vực để khai thác. Những chủ lán trại này cho biết, họ là người dân địa phương mới vào đây khai thác và khi vào đã thấy cảnh tượng xung quanh suối Ea Tul tan tác như vậy rồi.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến những bãi khai thác đá quý ở thượng nguồn suối Ia Bal. Con suối này cách trung tâm xã Cư Klông về hướng Bắc khoảng 8,6km theo đường chim bay và nơi đây cũng bị khai thác tan hoang không kém gì quanh suối Ia Kul. Khu vực núi rừng quanh suối bị đào bới khoảng 1ha, do bị đào khoét sâu vào sườn đồi nên đất đá trôi xuống lấp đầy nhiều đoạn suối. Cạnh đó, người khai thác đá đã dựng nhiều lán trại kiên cố bằng khung thép và lợp tôn. Họ còn đưa vào đây cả một số máy móc để phục vụ việc khai thác đá saphia và thạch anh.
Chỉ là tin đồn
Chính vì những tin đồn có người khai thác được viên đá quý trị giá hàng trăm triệu đồng nên nhiều người vẫn kéo vào tiểu khu 300 khai thác đào đãi đá. Nhiều người từ các tỉnh phía Bắc như Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An… chẳng ngại xa xôi, đường sá khó khăn cũng tìm đến đây. Họ vào rừng, dựng lán, mua những vật dụng thiết yếu, dụng cụ lao động cần thiết và tiến hành khai thác. Ăn ở dài ngày trong rừng, cái đói và cái lạnh không ngăn được hy vọng làm giàu của họ. Khi tìm được đá quý, họ đem ra chợ Dlie Ya (xã Dlie Ya, huyện Krông Năng) bán. Theo anh T.V.H. (quê ở Nghệ An), giá viên đá tùy thuộc vào độ “quý” và kích thước của nó. Lúc đầu, người ta mua đá với giá khoảng 10 triệu đồng/kg, nhưng nay chỉ còn khoảng 2 – 3 triệu đồng/kg, có khi chỉ bán được 1 triệu đồng/kg.
Nhưng theo quan sát của chúng tôi, với cách khai thác đào đãi thủ công, họ chỉ tìm được những viên đá có kích thước bằng hạt gạo thì chẳng biết bao nhiêu ngày mới có được 1kg đá để bán. Gần đây, việc khai thác đá quý tại tiểu khu 300 của xã Cư Klông không còn diễn ra rầm rộ như trước. Một phần vì sự can thiệp quyết liệt của các lực lượng chức năng, một phần vì lòng tin đổi đời của người khai thác đã giảm đáng kể sau thời gian chịu khổ và trắng tay trong rừng. Khi chúng tôi có mặt tại điểm đang diễn ra khai thác, nhiều người đã chuẩn bị hành lý để về vì không tìm thấy đá và vì hết gạo ăn.
Nhận trồng rừng để… khai thác đá
Theo báo cáo của UBND huyện Krông Năng, những bãi khai thác đá quý tự phát tại tiểu khu 300 thuộc phần đất UBND tỉnh Đắk Lắk cho Hợp tác xã Nông nghiệp – Kinh doanh tổng hợp Trường Sơn (gọi tắt HTX Trường Sơn) thuê trồng rừng nguyên liệu. Bà Nguyễn Thị Mon, Chủ nhiệm HTX Trường Sơn, cho biết: Vào tháng 6-2012, HTX đã giao lô đất số 2 với diện tích 9,5ha (hiện đang bị người dân khai thác đá trái phép – PV) cho ông Mai Duy Bình, Phạm Văn Giang và bà Vi Thị Bình thực hiện dự án trồng rừng. Vì các hộ này không nộp tiền thuê đất, đến tháng 1-2013, HTX đã giao lại cho ông Nguyễn Hồng Hải (ở tỉnh Cà Mau) tiếp tục thực hiện dự án trồng rừng.
Sau khi nhận đất, ông Nguyễn Hồng Hải cũng không trồng rừng mà lại đưa người, máy móc vào đây khai thác đá quý. Lúc đoàn liên ngành của UBND huyện Krông Năng đến đây kiểm tra vào tháng 9 vừa qua, họ chỉ gặp ông Lâm Văn Tân (ở tỉnh Kiên Giang) đang trông coi khu đất này. Theo ông Tân, vào khoảng tháng 6-2013, ông Hải đã sang nhượng khu đất này cho cha ông là Lâm Văn Cà thực hiện dự án, còn phương tiện máy móc đang khai thác tại hiện trường của ông Nguyễn Hồng Hải(?).
Ông Nguyễn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Năng, cho biết: “Sau khi phát hiện những điểm khai thác đá trái phép ở xã Cư Klông, UBND huyện đã chỉ đạo công an chốt trong khu vực khai thác để ngăn chặn, giải tỏa các khu vực đang khai thác trái phép. Huyện cũng đã đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan kiểm tra việc sử dụng đất lâm nghiệp của HTX Trường Sơn”. Tại cuộc họp ngày 16-10 tại huyện Krông Năng, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, đã giao Sở TN-MT tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi 303ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu 300 của HTX Trường Sơn vì HTX này sử dụng đất sai mục đích và để người dân vào đây khai thác trái phép. Nhưng đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn chưa thu hồi dự án trồng rừng này.