ThienNhien.Net – Mùa bão lũ đi qua, nước dâng bất thường ngập nhà cửa, cuốn trôi hoa màu, mùa khô lại cạn kiện đến tận cùng. Đó là những gì đã và đang diễn ra trong đời sống của người dân vùng hạ lưu thủy điện ở Tây Nguyên.
Sông Ba không chỉ gắn liền với văn hóa ngàn đời của cư dân nơi đại ngàn hùng vĩ, mà còn là nguồn sống của hàng triệu người bản xứ, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho nhiều làng mạc, xóm thôn ở phía đông nam tỉnh Gia Lai và Phú Yên. Sông Ba một thời trong xanh, ban phát sản lượng cá dồi dào bậc nhất núi rừng Tây Nguyên.
Tuy nhiên, từ khi công trình thủy điện An Khê – Ka Nak chặn dòng, tích nước lòng hồ (tháng 9-2010), việc sinh hoạt, sản xuất của người dân năm huyện, thị xã vùng đông Gia Lai và khu vực hạ lưu sông Ba bị đảo lộn hoàn toàn. Mực nước sông Ba phía hạ lưu xuống thấp vào mùa khô, dòng chảy ứ đọng, nước không đủ để đẩy trôi các chất cặn bã, làm cho ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Mùa khô, nước cạn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cả thị xã An Khê như vùng đất chết… Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt, nước tưới hoa màu các loại phía hạ lưu cũng không đáp ứng được cho nên người dân chỉ biết ngửa mặt kêu trời mà trời không thấu…
Lẽ ra thủy điện An Khê – Ka Nak chặn dòng đưa nước vào nhà máy rồi cho chảy về hạ lưu sông Ba theo dịch chuyển tự nhiên của dòng sông như bao đời nay vẫn chảy. Đằng này các nhà làm thủy điện đã đặt mục đích lợi nhuận lên hàng đầu, hạ giá thành đầu tư cho nên ngăn dòng sông Ba lại và cho chảy xuôi về phía tỉnh Bình Định chứ không xuôi theo dòng chảy về hạ lưu, đổ về tỉnh Phú Yên như quy luật tự nhiên của dòng sông. Hiểm họa từ việc này đã được cảnh báo từ trước cho nên lãnh đạo hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên liên tục phản đối việc nắn dòng chảy của sông Ba trái quy luật. Tuy nhiên, bao ý kiến, bút mực cũng đành bất lực trước một thực tế đau lòng…
Điều đáng nói nữa là chính trên dòng sông này, cơ quan chức năng đã phê duyệt quy hoạch xây dựng sáu công trình thủy điện với tổng công suất 659 MW, gồm: thủy điện An Khê – Ka Nak (173 MW), thủy điện sông Ba Hạ (250 MW), thủy điện sông Hinh (70 MW), thủy điện Đăk Srông (60 MW), Ea Krong Hnang (66 MW) và thủy điện sông Ba Thượng (40 MW). Về lý thuyết, những dự án thủy điện đều được vẽ ra bài bản và thuyết phục để được phê duyệt, nhưng thực tế thì không ai lường trước hết hậu họa của nó.
Ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhiều lần bày tỏ sự lo lắng và bức xúc trước vấn đề ô nhiễm sông Ba. Tỉnh đã khẩn thiết đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm công bố dòng chảy tối thiểu trên sông Ba để làm căn cứ quản lý tài nguyên nước trên lưu vực và chỉ đạo thành lập Ủy ban lưu vực sông Ba để tham mưu, tư vấn công tác quản lý tài nguyên nước trên lưu vực. Lãnh đạo Gia Lai cũng chỉ đạo mạnh mẽ các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp với chính quyền các cấp có liên quan thực hiện việc kiểm tra công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy trên địa bàn, xử lý theo thẩm quyền trong lĩnh vực môi trường theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, thực tế thì sông Ba vẫn đang chết dần vì có quá nhiều bất cập mà con người, bất chấp hậu họa đã gây ra.
Theo Ban Quản lý dự án thủy điện 7 (thuộc EVN), lưu lượng nước xả ra sau đập An Khê đạt tối thiểu 4m 3 /s theo đúng nội dung cam kết tại báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Nhưng thực tế mùa khô, lượng nước xả này không đủ ngấm vào đâu và đặc biệt không xua được nước thải từ các nhà máy trên khu vực xả ra dòng sông Ba. Nên dưới dòng sông Ba đầy những vũng nước ứ đọng đen ngòm và bốc mùi hôi thối quanh năm. Hàng nghìn người dân ở thị xã An Khê, Gia Lai bức xúc: “Người dân đã gắn bó ở đây hàng nghìn năm rồi, không lẽ bây giờ phải bỏ nhà cửa đến nơi khác?”.
Hàng nghìn câu hỏi được đặt ra nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời. Phía chính quyền địa phương đang đưa ra giải pháp tình thế là đề nghị Ban Quản lý thủy điện 7, chủ đầu tư thủy điện An Khê – Ka Nak, tăng lưu lượng xả nước ra sông Ba vào mùa khô để cuốn trôi các chất thải. Tuy nhiên, phía Ban Quản lý dự án thủy điện 7 cho rằng, thủy điện An Khê – Ka Nak hiện đã xả ra sông Ba với lưu lượng 4m 3 /giây, muốn tăng lưu lượng xả nước ra sông phải xin ý kiến Tập đoàn Điện lực Việt Nam… Trong khi đó, vào thời điểm mưa lũ thì nhà máy lại xả nước một cách bất thường để chống vỡ đập.
Đợt lũ kinh hoàng, nước dâng cao bất thường gần 2 m tại cầu sông Ba, An Khê vừa qua cho thấy hiểm họa này đã đến mức báo động đỏ.
Trong khi bài học đau xót về thủy điện An Khê – Ka Nak (Gia Lai) chưa được rút kinh nghiệm thì các nhà đầu tư thủy điện lại tiếp tục thiết kế và cho xây dựng thủy điện Thượng Kon Tum, đầu nguồn sông Đắk Snghé và tiếp tục nắn dòng chảy trái quy luật tự nhiên theo phương án chuyển nước sang lưu vực sông Trà Khúc. Và hạ lưu sông Đắk Snghé sẽ khô cạn không còn nước cung cấp cho sông Đắk Bla, một trong ba chi lưu lớn của sông Sê San. Nước cho chảy về sông Trà Khúc (Quảng Ngãi) sẽ làm vùng hạ lưu sông Đắk Snghé (khoảng 40km) và sông Đắk Bla bị khô cạn, hàng nghìn người dân của 25 xã, phường ở huyện Kon Plông, Kon Rẫy và TP Kon Tum sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và sản xuất…
Theo hồ sơ, nhà máy thủy điện này có công suất 220MW, do Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (Bình Định) làm chủ đầu tư. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 27-9-2009 với tổng vốn đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Tổng diện tích đất đai chiếm dụng khoảng 782 ha, trong đó có 414 đất rừng tự nhiên và 135 ha đất sản xuất nông nghiệp thu hồi của 154 hộ dân trong vùng. Thế nhưng, đáng nói là đến nay, hơn 350 ha rừng phòng hộ của huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum chưa được Chính phủ cho phép chuyển đổi rừng đặc dụng, nhưng chủ đầu tư thủy điện Thượng Kon Tum đã thi công xây dựng từ lâu. Trong khi đó nhiều làng tái định cư cho dân vùng ảnh hưởng thủy điện chưa có, cuộc sống nhân dân mùa mưa bão bị ảnh hưởng, buộc chính quyền địa phương phải di dời đến nơi ở tạm thời…
Các nhà làm kinh tế chỉ biết kinh doanh và lợi nhuận mà quên đi trách nhiệm bảo vệ môi trường và bất chấp pháp luật là điều đáng lên án. Chuyện không chỉ ở con sông Ba, sông Đắk Snghé Tây Nguyên bị giết chết mà còn nhiều con sông, dòng nước khác cũng đã và đang chết vì cơ chế, cách làm hám tiền trước mắt mà quên đi quy luật tự nhiên, lẽ sống của con người và đạo lý nhân nghĩa ở đời. Phát triển thủy điện là cần thiết, song không phải vì thế mà thực hiện bằng mọi giá, bất chấp các quy định về môi trường tự nhiên, nhất là vấn đề bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
* Mùa khô, nước cạn, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc, cả thị xã An Khê như vùng đất chết… Bên cạnh đó, nguồn nước sinh hoạt, nước tưới hoa màu các loại phía hạ lưu cũng không đáp ứng được cho nên người dân chỉ biết ngửa mặt kêu trời mà trời không thấu…
* Sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng (theo tiếng Chăm cổ tức là con sông lau sậy), được bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh, phía tây bắc tỉnh Kon Tum, từ độ cao hơn 2.000 m chảy qua ba tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Phú Yên. Sông Ba dài 374 km, là một trong chín hệ thống sông chính ở nước ta và là con sông lớn nhất ở khu vực Nam Trung Bộ. Đây cũng là một trong hai con sông lớn nhất Tây Nguyên có lưu vực rộng tới 13.900 km², trong đó 8.656 km² nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lưu vực sông Ba nằm trong vùng trũng, chung quanh có núi cao bao bọc. Đây cũng là con sông duy nhất chảy cắt ngang dãy Trường Sơn chia cao nguyên miền nam thành hai cao nguyên: Plây Cu và Đác Lắc. Từ thượng nguồn sông Ba chảy theo hướng bắc nam dài 300 km đổ ra Biển Đông tại cửa biển Đà Diễn thuộc thành phố Tuy Hòa, Phú Yên, tạo thành một vùng châu thổ rộng lớn với diện tích hơn 20.000 ha. Cánh đồng bằng Tuy Hòa rộng nhất Nam Trung Bộ, được hệ thống thủy nông Đồng Cam cung cấp nước ngọt quanh năm, đây cũng là vựa lúa lớn nhất miền trung… Thế nhưng sông Ba đang bị chết dần, chết mòn do tác động của các công trình thủy điện. |