ThienNhien.Net – Sự mở rộng của các hệ thống canh tác thiếu bền vững gây tổn hại môi trường và sức khỏe con người đang đe dọa các hoạt động sản xuất – kinh doanh bền vững. Trong bối cảnh nhu cầu về lương thực không ngừng gia tăng, trong khi mọi nguồn lực tự nhiên phục vụ sản xuất đang đi dần tới điểm giới hạn sinh thái, ông Patrick Holden, người điều hành tổ chức Sustainable Food Trust (SFT), cho rằng đã đến lúc cần tính toán đúng chi phí lương thực để thúc đẩy cả hai nhóm sản xuất và tiêu dùng điều chỉnh hành vi của mình theo hướng bền vững.
Tính toán chi phí thực được hiểu là một hệ thống trách nhiệm giải trình về mặt tài chính nhằm đảm bảo các chi phí cũng như lợi ích thực của các hệ thống sản xuất khác nhau được tính toán một cách hợp lý.
Trên thực tế, chi phí đền bù tổn thất do hoạt động sản xuất gây ra đối với môi trường và sức khỏe con người hầu như chưa được các nhà sản xuất lương thực tính đến. Điều đó đồng nghĩa với việc bên gây ô nhiễm không bị trừng phạt, còn bên sản xuất bền vững cũng chẳng được biểu dương.
Ông Patrick Holden cho rằng hệ thống kinh tế hiện nay đã vô tình giúp cho các nhà sản xuất thiếu bền vững tránh được một khoản chi phí không nhỏ nhờ tái phân bổ các chi phí môi trường và sức khỏe từ khu vực tư nhân sang khu vực công. Chẳng hạn, chúng ta theo định kỳ vẫn phải trả khoản chi phí tẩy sạch phân bón và loại bỏ thuốc trừ sâu trong nước, theo đó nghiễm nhiên chi phí ấy sẽ nằm trong hóa đơn nước hàng tháng của chúng ta, trong khi lẽ ra chúng phải do những bên gây ô nhiễm chi trả.
Ngược lại, các nhà sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường thường phải bỏ tiền ra trang trải thêm nhiều khoản phí như chi phí cho những loại hình công nghệ mới như công nghệ sản xuất, đóng gói hiện đại hay công nghệ xử lý chất thải, phí bảo vệ môi trường… Do vậy, sản phẩm của họ sẽ có mức giá cao hơn so với các mặt hàng được sản xuất theo các dây chuyền thiếu bền vững. Chính điều này sẽ tạo trở ngại lớn cho họ khi xâm nhập vào thị trường bán lẻ, nhất là ở các khu vực nghèo như nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
Để nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng không vì vấn đề chi phí hay giá cả mà từ bỏ các mô hình sản xuất hay các sản phẩm bền vững, cách duy nhất theo ông Patrick Holden là chúng ta phải tính toán đúng chi phí lương thực. Chi phí thực của một sản phẩm nhất thiết phải bao gồm cả chi phí ngoại tác – có thể tích cực hoặc tiêu cực – bên cạnh một loạt chi phí cơ bản như phí nhà xưởng, nguyên – vật liệu, nhân công, khấu hao…
Các chi phí ngoại tác ở đây có thể mang tính tích cực như chi phí cho công nghệ xanh, phí chi trả dịch vụ hệ sinh thái, phí bảo vệ môi trường…, cũng có thể tiêu cực như phí đền bù cho những tác động của việc phát thải khí nhà kính từ những cánh rừng mà các nhà sản xuất phát quang để trồng ngô, đỗ tương hay dầu cọ; chi phí loại trừ ni-trát, phân bón hay thuốc trừ sâu ra khỏi các mặt hàng nông sản; hay phí điều trị nhiễm độc, thậm chí là bồi thường tính mạng cho những nông dân mắc bệnh hoặc tử vong trong quá trình sản xuất…
Theo lẽ thường, các chi phí ngoại tác ban đầu sẽ do nhà sản xuất đứng ra chi trả, sau đó được tính vào giá trị hàng hóa mà người tiêu dùng mua, song điều này hiện nay chỉ đúng với các doanh nghiệp sản xuất bền vững, còn với các doanh nghiệp sản xuất thiếu bền vững, các chi phí trên thường bị lờ đi để giảm bớt giá thành sản phẩm, từ đó kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên, một khi đã tính toán được chi phí thực của sản phẩm, các cơ quan chức năng sẽ biết được mình đang bỏ sót những khoản phí nào và cần tập trung hỗ trợ cho mô hình sản xuất – kinh doanh nào; các nhà sản xuất thiếu bền vững sẽ biết khó mà lui, nhường chỗ cho các nhà sản xuất theo hướng bền vững; đồng thời người tiêu dùng thông thái cũng sẽ biết được mình nên lựa chọn mặt hàng nào để vừa bảo vệ sức khỏe gia đình, vừa tốt cho môi trường xung quanh.