ThienNhien.Net – Sản xuất nông nghiệp ở miền núi chưa phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc vẫn còn dựa nhiều vào rừng, do đó, rừng và các lâm sản khác luôn bị khai thác, tàn phá. Vì vậy, để bảo vệ rừng, cách tốt nhất là phải dựa vào dân.
Quảng Trị có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp. Những năm qua, mặc dù lực lượng kiểm lâm đã tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng song hiệu quả vẫn không đạt như mong muốn. Nguyên nhân là do lực lượng kiểm lâm mỏng không kiểm soát hết diện tích rừng và cũng không thể có mặt tại rừng 24/24h để bảo vệ rừng. Hơn nữa, do sản xuất nông nghiệp ở miền núi chưa phát triển, đời sống của đồng bào dân tộc vẫn còn dựa nhiều vào rừng, do đó, rừng và các lâm sản khác luôn bị khai thác, tàn phá. Vì vậy, để bảo vệ rừng, cách tốt nhất là phải dựa vào dân.
Từ năm 2006, Quảng Trị là một trong 10 tỉnh của cả nước được chọn thực hiện thí điểm dự án lâm nghiệp cộng đồng, giao rừng cho cộng đồng dân cư bảo vệ và người dân cũng được sống dựa vào rừng một cách bền vững. Theo đó, 8 thôn thuộc 4 xã là Đakrông, Tà Long, A Vao và Ba Nang của huyện Đakrông được hưởng lợi từ dự án này. Rừng cộng đồng là rừng nhà nước giao cho cộng đồng dân cư thôn để sử dụng rừng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp.
Dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng được triển khai thực hiện các bước khá chặt chẽ. Trình tự các công việc như xây dựng quy hoạch phát triển lâm nghiệp cấp xã, hương ước bảo vệ rừng cấp thôn, kế hoạch khai thác tiêu thụ lâm sản, mô hình kinh doanh rừng ổn định… Ban quản lý dự án đã triển khai thực hiện từ thôn, bản. Tất cả các công việc này đều do dân tự làm dưới sự hướng dẫn của cán bộ dự án. Các kế hoạch, đánh giá chất lượng rừng, hương ước… của thôn, bản đều qua sự phê chuẩn của chính quyền cấp xã, huyện trước khi triển khai thực hiện. Công việc này được hoàn tất trước khi giao rừng cho dân.
Đồng thời, khi nhận rừng cộng đồng dân cư thôn, bản phải có cam kết với chính quyền địa phương xã, huyện về trách nhiệm bảo vệ rừng. Các nghĩa vụ và quyền lợi cũng được quy định rõ khi người dân nhận rừng. Người dân có trách nhiệm bảo vệ tốt diện tích rừng đã nhận.
Về quyền lợi, cộng đồng thôn, bản được hưởng phần giá trị rừng phát triển thêm sau một vài năm thực hiện bảo vệ như lâm sản ngoài gỗ, gỗ cây rừng trồng phụ trợ… Các xã tham gia dự án cũng được hỗ trợ kinh phí để thành lập quỹ phát triển lâm nghiệp. Với nguồn quỹ này, các xã có thể triển khai phát triển lâm nghiệp trên địa bàn như xây dựng mô hình lâm sản ngoài gỗ, trồng rừng… để làm sinh lợi nguồn quỹ từ đầu tư lâm nghiệp và thay đổi thói quen của cộng đồng trong kế hoạch quản lý rừng cộng đồng nhằm đạt được tính bền vững khi dự án kết thúc.
Thành công lớn nhất dự án đạt được là nhận thức về công tác chăm sóc và bảo vệ rừng của người dân được nâng lên. Những buổi tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng đã không còn xa lạ đối với người dân thôn, bản ở Đakrông. Nói đi đôi với làm, từ việc tuyên truyền, đồng bào được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn qua mô hình trực tiếp cầm tay chỉ việc trên từng thân cây, tấc đất nên đồng bào dễ nhớ, dễ thuộc. Qua tuyên truyền, đồng bào đã nhận thức được rừng rất quý và thực sự có ích trong đời sống của họ. Người dân đã thực sự thấu hiểu và làm theo những quy ước giữ rừng, bảo vệ và phát triển rừng.
Anh Hồ Văn Miên, thôn Tà Lao, xã Tà Long, huyện Đakrông cho biết: “Đồng bào bây giờ không chặt phá rừng nữa mà thích trồng rừng lắm. Nghe cán bộ nói, chúng tôi biết bảo vệ rừng, trồng rừng. Hiện chúng tôi đã thu gỗ từ rừng trồng mấy năm trước và đang tiến hành trồng lại rừng”.
Tuy nhiên, điều người dân mong mỏi nhất, không phải họ chỉ hưởng lợi khi thực hiện dự án mà là sự phát triển bền vững gắn với xóa đói giảm nghèo trong tương lai. Để giao rừng cho cộng đồng quản lý một cách an toàn và bền vững thì điều quan trọng nhất là công tác bảo vệ và phát triển rừng phải được gắn với tạo sinh kế cho người dân.
Ông Hoàng Đức Doanh – Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, Trưởng Ban quản lý dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng Quảng Trị – cho biết: “Rừng phải để cho dân quản lý, hưởng lợi từ những thành quả sinh lợi từ việc quản lý, bảo vệ, phát triển đó. Điều quan trọng mà chúng tôi mong muốn và dự án hướng tới là cần làm cho dân, đặc biệt là cho đồng bào nhận thức rõ hơn về trách nhiệm và quyền lợi bảo vệ rừng của họ. Từ những giá trị mang lại từ hoạt động giao rừng cộng đồng để nhân rộng nâng cao hiệu quả và triển khai các hoạt động hỗ trợ cần thiết trong thời gian tới”.
Cả nước có hơn 15,3 triệu ha rừng. Mặc dù giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ và phát triển rừng, nhưng cộng đồng dân cư thôn mới được giao gần 280.000 ha đất lâm nghiệm và giao để quản lý hơn 513.000 ha. Tương lai, diện tích rừng cộng đồng sẽ tăng lên do thực hiện chủ trương tiếp tục giao đất, giao rừng. Để phát triển rừng bền vững, rất cần có những có chế chính sách đặc thù tạo thuận lợi cho rừng cộng đồng phát triển và có hiệu quả.
Tuy nhiên, từ thực tế, các địa phương cho rằng, hiện nay địa vị pháp lý của cộng đồng còn chưa rõ ràng, chính sách hỗ trợ còn hạn chế.
TS Nguyễn Nghĩa Biên (Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng) – Giám đốc Dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam – phân tích: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng đã quy định cộng đồng dân cư là đối tượng được Nhà nước giao đất, rừng để quản lý, sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Các văn bản hướng dẫn luật cũng đã có nhưng vẫn còn nhiều hạn chế hoặc còn thiếu các quy định cần thiết, như đối tượng rừng giao cho cộng đồng, điều kiện được giao rừng; thời hạn, hạn mức giao rừng, khai thác gỗ với mục đích thương mại, cơ chế hưởng lợi, tiêu thụ sản phẩm; cơ chế nâng cao năng lực cho cộng đồng, hỗ trợ đầu tư để tạo thuận lợi cho các cộng đồng quản lý, bảo vệ rừng được giao.
Là cơ quan chủ trì thực hiện dự án “Tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam”, Viện trưởng Viện Điều tra quy hoạch rừng đề xuất, cần thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa nghề rừng; huy động nguồn lực của xã hội vào việc bảo vệ và phát triển rừng, gắn với xóa đói giảm nghèo, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo miền núi. Đồng thời, bảo đảm thống nhất về mặt pháp lý giữa những quy định về cơ chế chính sách quản lý và sử dụng rừng cộng đồng dân cư thôn với các quy định khác về bảo vệ, phát triển rừng, Luật Đất đai, pháp luật về đầu tư, tài chính…
Cụ thể, theo TS Nguyễn Nghĩa Biên, nên mở rộng khái niệm về quản lý rừng cộng đồng theo hướng: Quản lý rừng của cộng đồng; quản lý rừng dựa vào cộng đồng; đồng quản lý rừng; quản lý rừng theo nhóm hộ. Khái niệm về sử dụng rừng cũng cần được mở rộng, như: Khai thác lâm sản, các giá trị dịch vụ môi trường rừng (điều tiết nước, bảo vệ đất, kinh doanh du lịch sinh thái, dịch vụ hấp thụ và lưu giữ khí thải carbon REDD+…), bảo tồn đa dạng sinh học. Cộng đồng dân cư có rừng cộng đồng cũng phải được hướng dẫn về kỹ thuật, hỗ trợ về vốn theo chính sách của Nhà nước; được chuyển đổi rừng, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để liên doanh trồng rừng; thếp chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng với các tổ chức, cá nhân để kinh doanh và dịch vụ lâm nghiệp.
Dự án tăng cường lâm nghiệp cộng đồng ở Việt Nam cũng đang tham mưu giúp các cơ quan chức năng xây dựng dự thảo quyết định của Thủ tướng về một số cơ chế, chính sách quản lý và sử dụng rừng cộng đồng dân cư thôn. Dự thảo dự kiến đưa ra nhiều chính sách mang tính đột phá. Chẳng hạn, rừng phòng hộ nằm trong phạm vi một xã, thôn hoặc nhiều xã, có diện tích dưới 1.000 ha; rừng sản xuất phân tán gần cộng đồng dân cư thuộc ban quản lý rừng, lâm trường quốc doanh…, sẽ được giao cộng đồng dân cư quản lý. Trong đó, sẽ giao cả rừng tự nhiên giàu và trung bình cho cộng đồng dân cư thôn quản lý chứ không chỉ là giao đất trống, rừng nghèo kiệt như hiện nay.