ThienNhien.Net – Ngày 24-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản chỉ đạo tìm giải pháp để hạn chế xung đột giữa đàn voi rừng với người, nhất là vùng rừng Ia Rvê, Ya Tmốt, Cư Kbang (huyện Ea Súp, tỉnh Đác Lắc); Ea Pô, Dak Win (huyện Cư Jút, tỉnh Đác Nông). Cơ quan này yêu cầu chính quyền các địa phương sớm xóa bỏ những vùng canh tác trái phép nằm trong vùng di chuyển, sinh sống của đàn voi; quy hoạch rõ ràng ranh giới các khu vực sinh sống của đàn voi, trong đó chú trọng đến việc tái tạo lại rừng để đảm bảo điều kiện sống cho đàn voi.
Trong thời gian qua, tại hai tỉnh Đác Lắc và Đác Nông, đã xảy ra bảy vụ xung đột giữa đàn voi rừng và người, khiến đời sống sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân bị đảo lộn.
Theo Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc Huỳnh Trung Luân, sau nhiều đêm tổ chức xua đuổi đàn voi ở huyện Ea Súp (Đác Lắc) hiện đã rời khỏi khu vực rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Cư M’lanh. Song cũng theo ông Luân, đàn voi rừng hơn 20 con đã vào khu vực nói trên để tìm kiếm thức ăn, dù bị xua đuổi voi về lại rừng nhưng đàn voi rất lì lợm, chỉ mới tạm thời “trở lại” với rừng. “Khu vực nói trên trồng nhiều loại cây mà voi ưa thích nên rất có thể trong vài ngày tới, chúng sẽ tiếp tục quay lại” – ông Luân cho biết thêm như vậy.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ea Súp (Đác Lắc) cho biết, tổng cộng trong hai đợt xuất hiện, voi rừng đã phá nát gần 20 ha cây trồng của người dân. Ông Nguyễn Minh Khôi, ở thị trấn Ea Súp nói thêm: chúng tôi ở đây gần 20 năm nhưng chưa bao giờ thấy voi rừng về phá như năm nay. Voi đã phá nát hơn hai sào lúa của tôi; còn lại một ít, đợt này chúng lại phá tiếp.
Nông dân Lê Thị Thêm ở thị trấn Ea Súp có 10 ha đất trồng sắn và cao-su. Khi nghe tin đàn voi đến phá hoại cây trồng, bà Thêm thăm rẫy thì thấy vườn sắn, vườn cao-su gần ba năm tuổi đã bị đàn voi phá tan hoang. Bà Thêm cho biết: Voi rừng về lần này là lần thứ hai. Lần này voi phá hết cao-su, nhổ hết sắn. Chỉ mong chính quyền có cách nào mang voi về khu bảo tồn để vừa lợi cho nước, vừa lợi cho dân.
Đàn voi rừng nói trên tiếp tục phá hại cây trồng của người dân xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (tỉnh Đác Nông).Theo người dân địa phương, hơn một tháng nay, đêm nào voi rừng cũng vào khu vực canh tác của người dân để tìm kiếm thức ăn. Chủ tịch UBND xã Đắk Drông Trần Văn Thành bộc bạch: Voi rừng đã phá có hai căn nhà, bảy chòi rẫy và hàng chục ha cây trồng của người dân. Chính quyền địa phương tổ chức lực lượng phối hợp với người dân xua đuổi nhưng không hiệu quả.
Trưởng phòng Bảo tồn voi hoang dã, Trung tâm bảo tồn voi Đác Lắc Đỗ Viết Thụ đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng voi rừng về phá hại hoa màu là do môi trường sống của voi rừng ngày càng bị thu hẹp. Rừng bị tàn phá khốc liệt đã khiến nguồn thức ăn của voi cạn kiệt. Không có thức ăn, voi rừng kéo về rẫy để kiếm ăn ngày càng tăng. Theo các chuyên gia bảo tồn voi ở Tây Nguyên cảnh báo, người dân rất bức xúc khi bị voi rừng làm xáo trộn cuộc sống và sản xuất nên người dân sẽ làm tổn hại đến đàn voi. Và đàn voi sẽ hung dữ thêm, người đi rừng sẽ gặp nguy hiểm khi gặp voi rừng. Có trường hợp, một hộ dân ở xã Đắk Drông, huyện Cư Jút đã làm sáu tấm chông rồi phủ lên một lớp lá đặt tại vị trí voi rừng thường đi lại. Rất may, voi đã phát hiện dùng vòi bới, vứt những tấm chông nên không sa bẫy, nếu không hậu quả sẽ khó lường.
Hiện Trung tâm Bảo tồn voi Đác Lắc đang phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và không xâm hại đến đàn voi rừng, voi rừng có thể tiếp tục phá hoại cây trồng, người dân cũng chỉ dùng các biện pháp để xua đuổi.
Để giải quyết vấn đề này, các địa phương cần có những quy hoạch cụ thể khu vực sinh cảnh của voi. Việc giao hàng chục ngàn ha rừng để trồng cao-su đã làm cho vùng sinh sống của voi rừng thu hẹp buộc voi rừng phải mở rộng khu vực để tìm kiếm thức ăn. Cho nên sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cần thiết và cấp bách.