ThienNhien.Net – Sau 10 năm tái định cư theo dự án thủy điện, những hộ dân tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang không những phải chống chọi với cơn khát nước mà còn âu lo trước bao điều. Từ việc người sống sợ những ngôi nhà đang xiêu vẹo, có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Còn người đã chết vẫn loay hoay đi tìm chốn an nghỉ.
Làng 10 năm sống nhờ… vũng nước trâu đằm
Mặc dù gia đình nghèo khó nhưng anh Bình cũng phải vay mượn họ hàng để mua được một chỗ cho bố mẹ an nghỉ “Mẹ tôi là Bàn Thị Ghến mất tháng 4 năm ngoái, tôi đi tìm chỗ chôn khắp cả xã mà không được. Không ai cho chôn nhờ cả, ở thôn tôi lại không có nghĩa địa. Tính từ lúc mẹ tôi mất đến lúc chôn được cũng mất hơn hai ngày, tôi đào ba cái huyệt ba nơi mà cũng không chôn được. Cuối cùng bà con hàng xóm thương tình cho tôi mượn hơn 1 triệu để mua đất của nhà ông Từ Tình Nguyện an táng cho mẹ”. |
Những ngôi nhà xiêu vẹo
Có mặt tại thôn Ao Họ – Minh Quang, thuộc xã Minh Hương, phóng viên Báo PLVN đã có cuộc tiếp xúc với hai ông Phúc Văn Long, nguyên ở xã Trùng Khánh, huyện Na Hang và ông Nguyễn Ngọc Kính, nguyên ở xã Xuân Tân, huyện Na Hang, là những người đại diện cho người dân tại khu tái định cư tại thôn Ao Họ – Minh Quang.
Ông Nguyễn Ngọc Kính, nguyên là Chủ tịch Cựu chiến binh xã Minh Hương nay đã nghỉ hưu, cho biết: “Những nỗi khổ của người dân tái định cư chúng tôi đề nghị rất nhiều lần có liên quan đến chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước thì chính quyền xã Minh Hương đều đùn đẩy lên huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang. Họ đều có câu trả lời là đi hỏi “Ban di dân” giải quyết. Chương trình 135 và nhất là Chương trình 167 xóa nhà tạm, nhà tranh tre nứa lá cho người nghèo chỉ được vài hộ. Nhà của dân ở đây đều tạm bợ xiêu vẹo, sắp đổ, nhà tranh vách nứa như gia đình các anh Ma Văn Tuyền, Lý Sèng Tình, Lý Văn Thọ… thôn 4 đang rất cần được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới được vững chắc hơn”.
Để kiểm chứng những lời ông Kính nói, chúng tôi đã đến nhà từng hộ dân để xem chất lượng các ngôi nhà. Trong đó có ngôi nhà cuả anh Ma Văn Tuyền đã xuống cấp trầm trọng, cột kèo đã mục, mái nhà lợp bằng lá cọ đã bị tốc một phần . Gia đình anh Tuyền có 7 khẩu với 2.800m2 đất canh tác, mặc dù đã cố gắng lao động sản xuất nhưng không thể đáp ứng được sinh hoạt hàng ngày nên việc sửa lại nhà vẫn là niềm mơ ước bấy lâu mà chưa thực hiện được.
Chị Lâm Thị Sinh vợ anh Tuyền kể trong nước mắt “Không biết kêu vào đâu cho thấu. Hiện thôn còn chưa có nhà văn hóa, bà con phải họp ngoài trời khốn khổ vô cùng, chứ nhà tôi thì đến bao giờ mới được dựng lại. Kể từ ngày di dân đến nay chưa có năm nào cán bộ lãnh đạo xã Minh Hương đến chúc Tết động viên bà con, chứ nói gì đến lãnh đạo cấp huyện Hàm Yên và tỉnh Tuyên Quang, họ ở trên trời cao, có thấu hiểu nỗi khổ của dân”.
Cũng như những người dân tái định cư ở thôn Ao Hạ – Minh Quang, người dân ở thôn 10 Minh Tiến, xã Minh Hương cũng đang rơi vào tình trạng nhà của xập xệ, ở trong nhà mà không khác ngoài trời là bao. Đến nhà bà Hoàng Thị Xuân (66 tuổi, thôn 10 Minh Tiến, xã Minh Hương) chúng tôi mới thấy sự cơ cực của người dân nơi đây. Bà Xuân đang ở một mình trong ngôi nhà tranh, những bức tường được làm bằng tre đan đắp với bùn chấu đã mục nát, những chiếc cột kèo đã bị mối mọt. Thời gian cộng hưởng với gió đã đẩy căn nhà của bà vẹo sang một bên.
Trong cái lạnh thấu da thịt của vùng núi phía Bắc, gia đình anh Tày Vãy Ánh (thôn 10 Minh Tiến, xã Minh Hương) không biết làm thế nào để tránh cái rét. Ngôi nhà của anh được dựng lên bằng những tấm tre đan và lá cọ, gió mùa đông bắc thổi qua các kẽ hở nan tre vào nhà rồi cuộn lên nóc nhà phát ra âm thanh xào xạc của lá cọ khô va đập vào nhau. “Mùa nào cũng khổ cả, đông cũng như hè. Hè thì mưa nhiều, nhà dột khắp nơi, nước mưa chảy thành dòng dưới sàn nhà. Mùa đông thì gió thổi lạnh cắt ra cắt thịt, tôi thì chịu khổ nhiều quen rồi. Chỉ thương mẹ tôi tuổi già và mấy đứa nhỏ, mùa đông trên này lạnh lắm nên cứ đến mùa đông mấy đứa lại ốm. Nghĩ mà chán, chẳng biết đến bao giờ chúng tôi mới được cái nhà ngói mà ở” – anh Ánh nói.
Chết không có chỗ chôn
Ngoài việc nhà cửa kém chất lượng khiến người sống phải chịu nhiều khổ cực thì tại đây những người dân tái định cư đã chết còn chịu cảnh không tìm được nơi an nghỉ.
Khi nhận quyết định tái định cư về xã Minh Hương nhiều hộ dân tại huyện Na Hang đã chuẩn bị mang những vật dụng cần thiết cho cuộc sống mới, trong đó có việc mang theo hài cốt của tổ tiên đến vùng đất mới, để tiện cho việc thờ cúng cha ông. Tuy nhiên khi đã về tái định cư tại xã Minh Hương lại chưa có nghĩa trang nên nhiều hộ dân đã phải tự đi tìm chỗ chôn cất. Có người thì mượn được đất của người dân sở tại, có người thì phải thuê đất, có người lại phải tự chôn ở sân vườn nhà mình đợi có nghĩa trang sẽ di chuyển sau.
Một thập kỷ đã trôi qua nhưng những hộ dân tái định cư vẫn chưa có nghĩa trang để án táng những người đã quá cố. Như trường hợp của anh Phạm Xuân Thao (thôn 2 Minh Quang) khi cải mộ bố từ trên Na Hang về, không tìm được chỗ chôn cất, anh Thao đã phải thuê đất rừng của một hộ dân sở tại. Đến nay đã được gần 10 năm, người cho anh thuê đất do cảm thấy không ổn khi để mồ mã nơi canh tác sản xuất, nên đã đòi anh Thao phải chuyển mộ phần đi. Đến hiện tại anh Thao vẫn chưa tìm được ai cho thuê chỗ chôn, anh đã kiến nghị lên UBND xã Minh Hương nhiều lần nhưng vẫn chưa có kết quả.
Còn trường hợp của anh Bàn Cận Bình (thôn 2 Minh Quang) cũng phải lao đao khi bố vừa mất năm 2011 lại đến mẹ mất năm 2012 . Để có tìm được nơi an nghỉ cho bố mẹ, anh Bình đã phải chạy đôn, chạy đáo mấy nơi mà không được.
Cuộc đời con người đều bước qua bốn cửa (Sinh – Lão – Bệnh – Tử) – đó là quy luật của tạo hoá, không ai có thể tránh được tuổi già và trở về đất. Thế nhưng những người dân tái định cư tại xã Minh Hương lại đang vô cùng lo sợ một mai trở về với đất thì có đất mà về không? Đó là câu hỏi mà đã hơn 10 năm, chính quyền địa phương chưa trả lời cho người dân.
Bao giờ dân hết khổ?
Để tìm rõ nguyên cớ vì sao mà những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống của những người dân tái định cư tại xã Minh Hương, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang. Phóng viên báo PLVN đã tiến hành trao đổi với bà Triệu Thị Bình, chủ tịch UBND xã Minh Hương.
Khi hỏi về vấn đề người dân tái định cư luôn sống trong cảnh thiếu nước trầm trọng thì bà Triệu Thị Bình trả lời là: “Thôn 2 Minh Quang thì đều có các dự án xây dựng quy hoạch nước tập chung rồi đó chứ. Nhưng do quá trình khai thác sử dụng dân không tự quản được nên bây giờ mới không có nước. Với lại do điều kiện tự nhiên nên nguồn nước nó cũng thiếu. Người dân ko tự quản được thì mất nước thôi! Cũng không đóng tiền thì lấy ai để quản lý”.
Phóng viên lại hỏi: Những kiến nghị của dân đã có từ lâu, thế những dự định của xã có từ bao giờ, sao bây giờ vẫn chưa triển khai? Thì bà Bình không nói rõ thời gian mà chỉ trả lời “ thì theo kế hoạch triển khai giai đoạn 2 thôi, đang chờ vốn”
Khi phóng viên hỏi về vấn đề không có nghĩa trang cho người quá cố, trong khi đó người dân đã định cư hơn 10 năm rồi, thì bà Bình lại trả lời là: “trước đây không có nghĩa trang nhưng bây giờ đang phê duyệt rồi, sắp tới sẽ có” .
Phóng viên lại hỏi: “Sắp tới là lúc nào?” “Vừa có trong tháng này, đang chờ quy hoạch đền bù rồi mới thu hồi đất để làm nghĩa trang” bà Bình nói.
Phóng viên tiếp tục hỏi: “Nhưng mà cái tình trạng này có lâu rồi sao bây giờ mới có chính sách như vậy?”. Bà Bình trả lời nhanh gọn: “Chưa có kinh phí, lấy đất của dân thì phải có kinh phí thu hồi chứ. Trước đó, năm 2003 thì huyện cũng định hỗ trợ mỗi thôn 10 triệu để phụ giúp cho những người mất có chỗ chôn cất nhưng không thực hiện được. Nay thì huyện cũng đã chuẩn bị được kinh phí rồi. Hộ dân nào có người mất sẽ được hỗ trợ tiền chôn cất”
Như vậy theo lời bà Triệu Thị Bình, Chủ tịch xã Minh Hương những khó khăn của những người dân tái định cư tại xã Minh Hương đã có những chủ trương và chính sách cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên những chủ trương và và chính sách này đang tiềm ẩn ở dạng kiến nghị hoặc dự định. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân tái định cư sẽ còn phải chờ đợi đến bao giờ? Trong khi đó một thập kỷ đã trôi qua mà người dân vẫn chưa ổn định cuộc sống, người sống thì ưu tư lo lắng cho tương lai nghèo khó, người chết còn phải lận đận đi tìm nơi an nghỉ.
Báo PLVN xin mượn lời của ông Từ Khắc Vương (thôn 2 Minh Quang) gửi đến chính quyền địa phương cũng như các cơ quan ban ngành liên quan: “ Chúng tôi đi là vì lợi ích quốc gia, chúng tôi không cần gì nhiều cả, chỉ mong Nhà nước cho chúng tôi những điều kiện thiết yếu để chúng tôi lao động sản xuất, phát triển kinh tế, nuôi thế hệ con cháu chúng tôi được học hành tử tế, xây dựng quê hương đất nước. Chứ như thế này, chúng tôi thấy khổ quá, không bằng một nửa trên quê hương của chúng tôi. Chúng tôi sống sao nổi, chắc chúng tôi phải trở về quê hương thôi” .