ThienNhien.Net – Israel, Jordan và vùng lãnh thổ Palestine vừa đạt được “Thỏa thuận lịch sử” nhằm “cứu” Biển Chết. Nhưng các nhà môi trường thì lại tin rằng kế hoạch xây dựng tuyến đường ống cung cấp nước cho Biển Chết có hệ quả xấu nhiều hơn tốt.
Dự án phục hồi Biển Chết
Biển Chết là nơi thấp nhất trên bề mặt Trái Đất, nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan trên thung lũng Jordan. Khu vực chứa nước bị hãm kín này có thể coi là một hồ chứa nước có độ mặn cao nhất trên thế giới. Bề mặt Biển Chết nằm 427m dưới mực nước biển, và vì thế nước từ Biển này sẽ chạy xuống Biển Đỏ. Biển Chết – một hồ nước mặn màu xanh lam, vẫn là một điểm đến đầy bí ẩn, có sức lôi cuốn đặc biệt đối với các du khách. Thế nhưng, mức nước ở biển này giảm với tốc độ quá nhanh, khoảng 1m/năm. Biển Chết đang chết! Những vùng trước kia còn có nước, thì nay đã cạn trơ, biến thành dải đất đá, hầu hết là đá xốp, có thể vỡ vụn bất cứ lúc nào. Câu hỏi hiện nay là Biển Chết còn sống được bao lâu?
Hôm 9/12, đại diện của Israel, Jordan và vùng lãnh thổ Palestine đã kí một thỏa thuận xây dựng một đường ống dẫn nước từ Biển Đỏ tới Biển Chết, một phần của dự án sẽ cung cấp hàng triệu m3 nước sạch phục vụ cho các vùng đất bị khô hạn của Israel và Jordan. Dự án tuyến Kênh Biển Đỏ – Biển Chết có tổng chiều dài đường ống là 180km, với mức chi phí vào khoảng 250 – 400 triệu USD, chủ yếu từ các nước tài trợ, cùng với nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). Sau khi hoàn thành vào năm 2017, sẽ có khoảng 200 triệu m3 nước được lấy từ Biển Đỏ. Trạm lọc nước ở thành phố Aqaba/Jordan sẽ được sử dụng để lấy nước ngọt. Israel được hưởng khoảng 30 – 50 triệu m3 nước, con số đó với Jordan là khoảng 30 triệu. Khoảng 100 triệu m3 nước biển mặn còn lại sẽ được đổ vào Biển Chết để bù các nguồn nước bị mất.
Lãng phí và ý đồ thực sự?
Rất nhiều chuyên gia môi trường đã bày tỏ sự phản kháng đối với dự án này. “Chẳng có lợi ích gì”, đó là lời khẳng định của Gidon Bromberg, Giám đốc Tổ chức môi trường Những người bạn của Trung Đông, đồng thời cũng là một luật sư người Israel. Theo ông, đó không phải là một dự án cứu Biển Chết, mà chỉ đơn giản là trao đổi nguồn nước. Israel và Jordan muốn xây dựng mạng lưới cấp nước cho riêng mình, và dự án trên là cách thức “tuyệt vời” để kêu gọi nguồn tiền quốc tế.
Bromberg không phải là người duy nhất có suy nghĩ như vậy, khi mà nguồn nước bổ sung cho Biển Chết theo dự án chỉ đáp ứng được 10% lượng nước mất đi. Nhà khí tượng học người Đức Christian Siebert đến từ Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (Đức) nhìn nhận “lượng nước đổ vào Biển Chết như thế là không đủ. Thêm vào đó là các hệ quả về môi trường”. Điều mà Siebert và các nhà môi trường khác lo ngại là hệ quả xấu sẽ xảy ra khi pha lẫn giữa nước Biển Đỏ và Biển Chết. Các thử nghiệm cho thấy, việc dẫn nước từ Biển Đỏ có thể dẫn đến thảm họa sinh thái đối với Biển Chết: Đó là sự sinh trưởng không kiểm soát được của tảo đỏ và tảo xanh; mối nguy phát tán các loài vi khuẩn; sự biến dạng màu nước từ xanh thành đỏ, cùng với đó là sự hình thành của các lớp tinh thể thạch cao trên bề mặt.
Theo Siebert và Bromberg, những ai muốn cứu Biển Chết thì trước hết phải cứu lấy sông Jordan. Đây từng là nguồn cung cấp nước cho vùng hồ này, nhưng nay thì sông cạn khô. Không thể tin được là 98% nguồn nước từ sông Jordan thì lại chảy sang các nước láng giềng, hơn một nửa trong số đó là tới Israel. 2 năm trước đây, Syria và Jordan chia sẻ phần còn lại. Thế nhưng nay thì Syria trở thành người ngoài cuộc, không còn được tính đến, do nội chiến. Vùng lãnh thổ Palestine chiếm khoảng 5%. Để phục hồi con sông này, Israel và Jordan sẽ phải giảm 1/3 lượng nước lấy từ sông Jordan. Đó là điều mà cả hai nước này không dễ gì đồng ý, khi mà nước ở khu vực này luôn trở thành nguồn “của hiếm”, một vũ khí, một công cụ quyền lực. Có lẽ vậy mà Bromberg cho là cần phải có một cách tiếp cận khác: Các công ty hóa chất nằm bên bờ Biển Chết, đặc biệt là công ty Dead Sea Works/Israel và Arab Potash/Jordan, phải chấm dứt việc lấy hàng triệu m3 nước để chế ra muối và các loại khoáng chất khác mà chẳng phải mất chi phí nào hết, chỉ việc lấy nước và để bốc hơi.