ThienNhien.Net – Qua chuyến khảo sát môi trường tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy (Hà Nam, Nam Định) do Tổng cục Môi trường tổ chức mới đây, có thể thấy vấn đề ô nhiễm môi trường được xem là điểm nóng cần được quan tâm đầu tư, xử lý không chỉ ở các khu công nghiệp mà cần được chú ý cả tại các cụm công nghiệp, làng nghề.
Hạ tầng còn thiếu
Ông Vũ Hữu Song – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết: “Toàn tỉnh có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với diện tích hơn 1.700 ha, trong đó có 4 khu đã đi vào hoạt động. Tại 4 khu này, mới chỉ có duy nhất Khu công nghiệp Đồng Văn I có hệ thống thu gom và xử lý nước thải công nghiệp với công suất 1.000m3/ngày đêm đang hoạt động, đảm bảo thu gom, xử lý toàn bộ nước thải phát sinh từ các doanh nghiệp trong khu”.
Khu công nghiệp Đồng Văn II đã hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt thiết bị cho nhà máy xử lý nước thải tập trung với công suất 2.000m3/ngày đêm và đang trong giai đoạn vận hành thử nghiệm. Các Khu công nghiệp Châu Sơn, Hòa Mạc đang tiến hành xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đi vào hoạt động. Trong khi đó, toàn bộ các Cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn tỉnh đều chưa đầu tư được hệ thống xử lý nước thải tập trung, vấn đề ô nhiễm môi trường nước tại các làng nghề là rất đáng lo ngại.
Tại Nam Định, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trưởng của tỉnh cho biết, trên địa bản tỉnh hiện có 4 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích theo quy hoạch là hơn 930ha. Thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, các khu công nghiệp đều đã tiến hành lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (riêng Khu công nghiệp tàu thủy Vinashin chưa thực hiện).
Khu công nghiệp Hòa Xá đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 công suất 4.500m3/ngày đêm. Khu công nghiệp Bảo Minh đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải giai đoạn 1. Khu công nghiệp Mỹ Trung đang làm thủ tục vay vốn đề đầu tư dự án xử lý nước thải tập trung. Trong số 20 cụm công nghiệp, mới có 4 cụm được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.
Toàn tỉnh Nam Định có 90 làng nghề, trong đó 42 làng nghề có phát sinh chất thải thuộc diện ô nhiễm và 11 làng nghề đang gây ô nhiễm ở mức độ cao cần được ưu tiên xử lý. Tại các làng nghề như cơ khí Bình Yên, Vân Chàng, Đồng Côi… các chất thải chưa được xử lý an toàn đã tác động xấu tới môi trường và sức khỏe người dân.
Có những doanh nghiệp làm đối phó
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam, số lượng các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường còn rất hạn chế. Nhiều doanh nghiệp thực hiện với hình thức đối phó hoặc không đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải và bảo vệ môi trường mà xả thải trực tiếp ra ngoài gây ô nhiễm. Cơ sở hạ tầng của một số khu công nghiệp và hầu hết các cụm công nghiệp, làng nghề chưa được xây dựng đồng bộ, đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hà Nam cho biết thêm, hiện nay không riêng Hà Nam mà các tỉnh trên toàn quốc đều đang trong giai đoạn “trải thảm đỏ” thu hút đầu tư, doanh nghiệp vi phạm là dễ xảy ra nếu không kiểm tra chặt chẽ. Chỉ riêng trong đợt phối hợp giữa Chi cục và đoàn thanh tra mới đây đã phát hiện 8 doanh nghiệp vi phạm.
Cũng ở tình trạng tương tự, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nam Định cũng cho biết, nhìn chung các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn đã có ý thức trong công tác bảo vệ môi trường, tuy nhiên việc tự giác chấp hành, áp dụng đầy đủ các biện pháp xử lý chất thải đạt quy chuẩn môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh còn hạn chế. Một số đơn vị còn chưa chấp hành nghiêm túc trong việc đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại. Đặc biệt vẫn còn một số cơ sở vi phạm gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong nhân dân.