ThienNhien.Net – Dòng Mê Kông huyền thoại bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia rồi đổ về biển Đông qua Việt Nam nay đã khác nhiều so với hình dạng nguyên sơ của nó. Dòng sông đang hằn lên dấu vết của con người với những tham vọng khai phá thiên nhiên, phục vụ phát triển kinh tế và công nghiệp hóa. Dưới đây là bản lược dịch bài bình luận Hydropower Dams on the Mekong: Old Dreams, New Dangers (Tạm dịch: Đập thủy điện trên sông Mê Kông: Giấc mộng cũ, Nguy cơ mới) của ông Richard P. Cronin – Giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Dự án Chính sách Mê Kông thuộc Trung tâm Stimson, hy vọng sẽ giúp độc giả thấy rõ hơn tình trạng hiện tại của Mê Kông dưới tác động của phát triển.
Dòng sông quá tải…
Sông Mê Kông hiện đang đứng bên bờ vực của một thảm họa kép do chính con người tạo ra. Với giấc mộng khai phá nguồn tài nguyên giá trị trong rừng, từ các mỏ khoáng sản và dưới lòng sông… vì mục đích kinh tế, con người đã từng bước làm thay đổi hình thái, dòng chảy và tính đa dạng của các hệ sinh thái lưu vực sông. Thậm chí, những hoạt động như phá rừng, sử dụng nước ngầm thiếu bền vững và nhất là việc xây nhiều đập lớn… còn gây tác động nhanh hơn so với các hiện tượng như nóng lên toàn cầu, nước biển dâng hay hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.
Liên quan đến việc khai thác nguồn lợi từ dòng sông Mê Kông, có thể thấy một tham vọng lớn từ Trung Quốc – quốc gia có mục tiêu khai thác triệt để tiềm năng thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông, bất kể quyền lợi và sự quan ngại của các quốc gia phía hạ nguồn. Họ coi Mê Kông là dòng sông quốc gia và nghiễm nhiên coi các thông tin về kế hoạch phát triển liên quan đến Mê Kông, hoạt động vận hành đập và thậm chí là cả mực nước hồ chứa là bí mật quốc gia. Và chính điều này đang khiến các nước hạ nguồn phải trả giá.
Sinh kế và cuộc sống của hàng chục triệu người dân, chủ yếu ở Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, vốn sống phụ thuộc vào những nguồn lợi từ sông Mê Kông đang bị chuỗi đập mà Trung Quốc xây tại tỉnh Vân Nam đe dọa. Hệ thống hồ chứa của chuỗi đập được biết có thể chứa ít nhất một nửa lưu lượng nước trung bình hàng năm của vùng thượng nguồn. Như vậy là ngoài việc làm thay đổi đáng kể mô hình thủy văn của sông Mê Kông thông qua việc giữ lại khoảng 80% dòng chảy phù sa giàu dinh dưỡng bắt nguồn từ Trung Quốc, chuỗi đập này còn làm giảm độ màu mỡ của đất ở vùng hạ lưu vực, đồng thời tạo điều kiện cho nước biển xâm nhập vào khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Không chỉ Trung Quốc mà trong vài thập niên trở lại đây, Việt Nam, Campuchia và Lào cũng đã xây dựng đập trên cả dòng nhánh và dòng chính sông Mê Kông. Do đó, những lời cảnh báo đối với Trung Quốc cũng chẳng giúp gì trong việc ngăn cản Trung Quốc tiếp tục theo đuổi mục tiêu của mình. Thậm chí gần đây, mũi nhọn chỉ trích có vẻ đang nghiêng sang Lào khi nước này đề xuất xây 12 con đập trên dòng chính phía hạ nguồn Mê Kông và thực tế đang tiến hành xây con đập đầu tiên là Xayaburi và khả năng tiếp theo sẽ là Don Sahong.
… do thiếu sự quản lý bền vững
Dòng Mê Kông rõ ràng đang mắc kẹt giữa những tham vọng của con người. Vẫn biết nếu muốn phát triển thì phải chấp nhận đánh đổi, song cái giá của sự đánh đổi có thể sẽ thấp hơn nhiều nếu các bên cùng hợp tác và thỏa hiệp để quản lý bền vững nguồn tài nguyên nước lưu vực sông.
Hoạt động thúc đẩy và phối hợp quản lý nguồn nước phía hạ nguồn lâu nay đều do Ủy hội Sông Mê Kông (MRC) đứng ra làm đầu mối. Thế nhưng những khác biệt về chính trị và quan điểm cùng với những khó khăn trong việc sẻ chia và phát triển nguồn tài nguyên chung đã khiến vai trò của MRC trở nên mờ nhạt.
Đập Xayaburi ở phía bắc Lào là thử nghiệm đầu tiên chứng minh Quy trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA) của MRC hoàn toàn thất bại.
Hơn hai năm trước, tại một cuộc họp của MRC, Việt Nam và Campuchia đã bày tỏ thái độ không tán thành việc triển khai dự án đập Xayaburi vì lo ngại những tác động nghiêm trọng tới nghề cá, phù sa và sinh kế được nêu trong bản Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) công bố hồi tháng 10/2010.
Mặc dù một tháng sau đó, Chính phủ Lào đã đồng ý tạm hoãn xây Xayaburi để nghiên cứu sâu hơn nhưng không vì thế mà các công đoạn chuẩn bị xây con đập này bị gián đoạn. Bỏ qua mọi mũi dùi công kích từ các nước bạn, xã hội dân sự và cộng đồng địa phương cư trú dọc sông Mê Kông, tháng 11/2012, Lào tuyên bố dự án sẽ tiếp tục khởi công. Động thái của Lào đã chứng minh sự thất bại của PNPCA, từ đó khiến dư luận phải đặt dấu hỏi về vai trò của MRC trong việc thúc đẩy và phối hợp các nước thành viên quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước ở phía hạ nguồn.
Ngoài MRC còn có một cơ chế hợp tác khác do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) khởi xướng năm 1992 mang tên Tiểu vùng Sông Mê Kông Mở rộng (GMS). Đáng tiếc là cơ chế này lại chỉ thiên về các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế, không tham gia điều chỉnh việc hợp tác quản lý lưu vực sông.
Chia sẻ dòng sông vì tương lai chung
Những bất đồng ngày càng tăng liên quan tới vấn đề xây đập trên dòng chính hạ nguồn sông Mê Kông đang tạo ra những mối chia rẽ mới trong khu vực, đồng thời đe dọa sáng kiến chia sẻ dòng sông vì tương lai chung. Trong tình hình hiện tại, nếu MRC không thể điều phối quy trình đánh giá PNPCA có ý nghĩa hơn đối với hai dự án đập của Lào là Don Sahong và Pak Beng, và nếu Lào không thể cho các nước hạ nguồn khác thấy được trách nhiệm của mình thì căng thẳng sẽ còn tiếp tục gia tăng.
Một giải pháp được đề xuất để xóa bỏ tình trạng chia rẽ giữa các quốc gia trong lưu vực là thiết lập một bộ tiêu chuẩn có thể gọi tên là “Tiêu chuẩn Mê Kông” quy định rõ mức độ tác động xuyên biên giới cao nhất có thể chấp nhận từ các đập dòng chính.
Bộ Tiêu chuẩn này được xây dựng trên cơ sở sẵn có trong Hiệp định Mê Kông 1995, theo đó thì mọi thay đổi trên dòng chính của sông không được gây ảnh hưởng tới dòng chảy tự nhiên nhỏ nhất trong mùa khô cũng như không chuyển dòng chảy vào Biển hồ Tonle Sap trong mùa mưa. Mục tiêu chủ yếu của bộ Tiêu chuẩn trên là nhằm đảm bảo quá trình phát triển thủy điện hạ nguồn Mê Kông diễn ra thuận lợi và có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bên liên quan, vừa tối đa hóa được lợi ích, vừa giảm thiểu được rủi ro.
Cũng cần lưu ý rằng điều kiện tiên quyết để quá trình phát triển thủy điện trở nên khả thi, liên kết và bền vững hơn là phải xây dựng được lưới điện cho vùng hạ lưu vực Mê Kông. Bởi lẽ, khi hình thành lưới điện xuyên quốc gia, các nước bị ảnh hưởng bởi câu chuyện xây đập ở Lào hay Campuchia sẽ có tiếng nói thực sự trong việc đồng ý hay phản đối xây đập và khi xảy ra tình trạng thiếu điện cục bộ hay trên toàn khu vực, các nước sẽ có thể phối hợp giải quyết để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhau.
Và trên hết, muốn quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước lưu vực sông bất kể thông qua MRC, GMS hay bộ Tiêu chuẩn Mê Kông, các quốc gia thành viên cần phải thể hiện ý chí chính trị và quyết tâm mạnh mẽ, đồng thời sẵn sàng hợp tác, thỏa hiệp trong việc chia sẻ dòng sông vì tương lai chung.