ThienNhien.Net – Ông Lê Công Lương, Chánh văn phòng Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW “về tiếp tục sắp xếp, đổi mới nông-lâm trường quốc doanh,” tình hình sử dụng đất trong các nông-lâm trường đã dần được nâng lên, góp phần giải quyết được một phần “cơn khát” đất sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, ở một số nơi sau khi rà soát (theo sổ sách), phần lớn diện tích công ty lâm nghiệp giao về cho địa phương quản lý vẫn còn rất nhiều bất cập, khiến tình hình vi phạm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa công ly lâm nghiệp và đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phổ biến.
Dân “đói” vì lâm trường tự “soi gương”
Tại hội thảo “Thực trạng quản lý sử dụng đất lâm nghiệp sau thực hiện Nghị quyết 28NQ-TW của Bộ Chính trị tại Quảng Bình và Hà Tĩnh,” do Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức ngày 23/12, các đại biểu cho rằng rà soát và giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất là việc làm cấp bách, góp phần tăng cường hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, việc rà soát, giao đất trên thực tế còn gặp nhiều khó khăn. Đáng lưu ý là hầu hết các lâm trường đều tự mình đánh giá, rồi giao lại những diện tích không sử dụng được cho địa phương. Bên cạnh đó, công tác rà soát cũng chưa có sự tham gia giữa các bên, khiến mâu thuẫn, tranh chấp đất đai đến nay vẫn chưa được kiểm soát.
Cụ thể, tại Hà Tĩnh, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện tỉnh còn 537 ha đất còn vướng vào tranh chấp; trong đó tranh chấp đất giữa Công ty cao su Hương Khê với các hộ dân xã Tân Hương (huyện Đức Thọ) là 150 ha, tranh chấp giữa Ban quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu với Tổng đội Thanh niên Phúc Trạch tại tiểu khu 251B là 202 ha, tranh chấp tại tiểu khu 226 là 135 ha.
Ngoài ra, tỉnh Hà Tĩnh còn 747 ha đất đang bị lấn chiếm (trong đó Công ty Trách nhiệm hữa hạn Lâm nghiệp và Dịch vụ Chúc A là 200 ha; Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh 449 ha; Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 99 ha). Diện tích đang liên kết là 6.569 ha, trước khi sắp xếp chưa có liên kết.
Tại Quảng Bình – tỉnh miền núi giáp ranh với biên giới nước bạn Lào, tình trạng mâu thuẫn đất đai, “đói” đất sản xuất dẫn đến tranh chấp, xung đột ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang “nóng” lên.
Cụ thể, theo kết quả khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tại 4 huyện miền núi, biên giới, khó khăn (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Bố Trạch) cho thấy: Trên địa bàn hiện có tới 93% người dân đều có nhu cầu được cấp thêm đất sản xuất, bình quân mỗi hộ cần thêm 7,93 ha đất các loại; trong đó nhu cầu về đất rừng là 4,72 ha/hộ…
Trước thực tế trên, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền, người dân và các doanh nghiệp, lâm trường trên địa bàn. Nhờ đó, tình trạng thiếu đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số bước đầu đã dần được giải quyết.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Văn Tân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, thì tiến độ giao đất trên thực địa còn chậm, trong đó có nhiều nguyên nhân như: Diện tích đất được giao sau khi thu hồi chưa phù hợp với đề xuất của Ủy ban nhân dân các xã; phần lớn diện tích đất bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý đa phần là đất nằm ở xa khu dân cư, có diện tích núi đá…
Tìm kế trao “cần câu” cho dân… xóa nghèo
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và sự chỉ đạo của Chính phủ, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp, Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và phát triển, Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh đã thực hiện nghiên cứu đánh giá quỹ đất rà soát được chuyển giao từ các nông-lâm trường quốc doanh, nhằm tháo gỡ những bất cập còn tồn tại trong quản lý và sử dụng đất.
Cùng với đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và các ngành liên quan cũng đã chỉ đạo rà soát đất lâm nghiệp của các nông-lâm trường đồng thời tiếp tục giao cho các nông-lâm trường diện tích mà đơn vị đang quản lý, sử dụng hiệu quả, có khả năng phát triển sản xuất.
Theo ông Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng Ban tộc tỉnh Quảng Bình, việc lấy một phần diện tích của các công ty lâm nghiệp vốn đang “ôm” quá nhiều đất giao cho dân sản xuất là giải pháp quan trong, góp phần giải quyết những bất cập liên quan đến đất đai, cũng như tạo điều kiện cho người dân phát triển sinh kế, thoát nghèo.
Tuy nhiên, “hiện việc sử dụng và quản lý sử dụng đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phức tạp. Tình trạng xâm canh, lấn chiếm vẫn còn xảy ra, điển hình nhất là các huyện: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa…
Từ thực trạng thiếu đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ông Tân đề xuất: Các sở, ngành địa phương có liên quan cần tiếp tục rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông-lâm nghiệp trên địa bàn. Quá trình rà soát, quy hoạch và giao rừng cần có sự tham gia của người dân nhằm tạo sự đồng thuận của cộng đồng.
“Cùng với đó, chúng ta cũng cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động đồng bào khai thác, sử dụng có hiệu quả diện tích đất sản xuất, đất rừng được giao. Tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật chăn sóc rừng trồng cho những hộ được giao đất sản xuất,” ông Tân khuyến nghị.
Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, điều chỉnh đất nông-lâm trường là vấn đề hết sức quan trọng, góp phần tháo gỡ được mâu thuẫn về đất đai cũng như giải được cơn “đói” đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số. Đo đó, công tác rà soát đất nông-lâm trường giao cho dân sản xuất cần phải triển khai kịp thời.
Tuy nhiên, “cũng phải lưu ý là việc lấy hết đất của công ty lâm nghiệp giao cho dân, hay loại bỏ công ty lâm trường là điều không thể. Tuy nhiên, để giải quyết được ‘cơn khát’ về đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, chúng ta phải rà soát cặn kẽ, chứ không thể chỗ nào đất tốt là dân có thể đòi ‘thẻ đỏ,’ đến khi có ‘thẻ đỏ’ dân lại đòi bán đất được,” ông Phương nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia đến từ hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và các tổ chức kinh tế cũng khẳng định giao một phần đất nông-lâm trường cho đồng bào dân tộc thiểu số sản xuất là giải pháp quan trọng, cần được triển khai đồng bộ tại nhiều địa phương. Do vậy, ủy ban nhân dân các tỉnh, các ngành liên quan cần chủ động rà soát, đánh giá đúng nhu cầu thực tế để giao đất và sử dụng đất rừng hiệu quả và bền vững về lâu dài.