Chồng chéo thanh tra môi trường

ThienNhien.Net – Hiện đang tồn tại một nghịch lý là mỗi năm có tới hàng chục đoàn thanh tra được thành lập, nhưng lại ít phát hiện được những vi phạm trong lĩnh vực này.

Một năm 12 đoàn kiểm tra

Ông Hoàng Văn Vy, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết: “Khi chúng tôi đến thanh tra một doanh nghiệp, thì được báo cáo là từ đầu năm tới giờ, có tới 12 đoàn, cả thanh tra, kiểm tra, từ thanh tra Bộ tới thanh tra Sở, Ban quản lý khu công nghiệp, cảnh sát môi trường… với cùng một nội dung thanh tra, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Tình trạng này khiến doanh nghiệp khổ, mà bản thân chúng tôi là cơ quan quản lý nhà nước nhiều khi cũng phải thấy áy náy”.

Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát tình trạng nước thải tại KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Đoàn công tác của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội khảo sát tình trạng nước thải tại KCN Biên Hòa 1, Đồng Nai (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN) 

Tình trạng chồng chéo thanh tra môi trường diễn ra ở hầu hết các địa phương. Theo báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại của Bộ TN&MT từ năm 2012 đến tháng 10/2013, riêng trong lĩnh vực môi trường, Bộ đã tiến hành 31 cuộc thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đối với 669 tổ chức và xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 22 tỷ đồng.

Thanh tra nhiều nhưng hiệu quả thanh tra chưa cao – là nhận định của không ít Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp vừa rồi khi góp ý cho Dự thảo sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường 2005. Phần lớn các vụ việc nghiêm trọng như công ty Vedan xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải trong nhiều năm, Công ty Hào Dương 10 lần vi phạm, xả chất độc hại ra sông Đồng Điền, hay vụ chôn lấp trái phép thuốc bảo vệ thực vật của nhà máy Nicotex Thanh Thái, đều do cảnh sát môi trường và người dân phát giác, mà chưa thấy vai trò của lực lượng thanh tra môi trường.

Theo nhiều chuyên gia, để xảy ra tình trạng trên còn có trách nhiệm của người thi hành công vụ, nhiều cán bộ thanh tra thiếu trách nhiệm có dấu hiệu vụ lợi, tiếp tay cho doanh nghiệp hoặc không giải quyết tận gốc vấn đề vi phạm. Song, cũng không thể phủ nhận, công tác thanh tra môi trường đang vấp phải không ít khó khăn từ cơ chế chính sách tới nguồn nhân lực và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị.

Lý giải về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: “Hiện nay, thanh tra, kiểm tra chỉ mang tính chất phòng ngừa, răn đe là chính, chứ công tác thanh tra không phải là giải pháp chủ chốt. Điều quan trọng là ý thức chấp hành pháp luật của người dân, tổ chức, doanh nghiệp”.

Nhiều cái “vướng”

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chính sự thiếu chặt chẽ trong quy định của pháp luật là nguyên nhân dẫn tới tình trạng có doanh nghiệp một năm phải tiếp tới hàng chục đơn vị tới thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 126 Luật Bảo vệ môi trường 2005 quy định về số lần kiểm tra, thanh tra, thì thanh tra chỉ được làm việc “trong giờ hành chính” và buộc phải thông báo trước cho đối tượng thanh tra ít nhất 3 ngày, hay phải có thủ tục công bố quyết định thanh tra, đã tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp lách luật.

Chính vì thế mà đề xuất sửa đổi quy định thanh tra, ít nhất một lần thanh tra đột xuất góp phần nâng cao hiệu quả, giúp cơ quan thanh tra dễ dàng phát hiện vi phạm đã từng được đưa ra. Tuy nhiên, cũng “cần phải phù hợp với quy định của Luật Thanh tra, tức là công khai, minh bạch và hạn chế số lần thanh tra, kiểm tra tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp” – Thứ trưởng Bộ TN&MT Chu Phạm Ngọc Hiển nhấn mạnh.

Việc chưa có sự tách biệt giữa thanh tra và kiểm tra về bảo vệ môi trường trong Điều 126 Luật BVMT 2005 cũng là điểm hạn chế khá lớn của văn bản này. Bởi lẽ tính chất của những hoạt động này hoàn toàn không đồng nhất và chủ thể thực hiện trách nhiệm cũng không trùng nhau. Pháp luật cũng còn khoảng trống lớn khi chưa đề cập tới trách nhiệm của bộ, các ngành trong việc phối hợp thanh tra, kiểm tra, nhất là sự phối hợp giữa thanh tra môi trường với lực lượng cảnh sát môi trường.

“Nếu như không có sự phối hợp tốt với thanh tra địa phương thì sẽ lặp đi lặp lại tình trạng thanh tra nhiều nhưng không đạt hiệu quả” – một chuyên gia môi trường nhấn mạnh.

Những khó khăn, vướng mắc trên đòi hỏi phải hoàn thiện hơn nữa chính sách pháp luật cũng như cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ban ngành, bảo đảm cho công tác thanh tra được tiến hành hiệu quả mà không gây phiền hà cho doanh nghiệp.