ThienNhien.Net – Công ty CP Thủy điện Trung Nam, chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 2, hiện vẫn nợ người dân 2 huyện Lâm Hà và Di Linh, tỉnh Lâm Đồng khoảng 80 tỉ đồng nhưng đã lên kế hoạch tích nước giai đoạn 2
Thủy điện Đồng Nai 2 (ĐN2) đã tích nước giai đoạn 1, cao trình 665 m. Trong văn bản gửi UBND huyện Lâm Hà mới đây, Công ty CP Thủy điện Trung Nam (Công ty Trung Nam) cho biết đã có kế hoạch tích nước giai đoạn 2 lên 680 m. Dẫu vậy, vẫn còn rất nhiều hộ dân chưa nhận được tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Liên tục thất hứa
Ông Lê Ngọc Chánh – Chủ tịch UBND xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh – cho biết chủ đầu tư cam kết đền bù dứt điểm vào tháng 10-2012 nhưng liên tục thất hứa. Gần đây nhất, Trung Nam hứa cuối tháng 10-2013 chi trả hết cho dân nhưng đến nay vẫn chưa chuyển tiền. Khi đóng đập, chủ đầu tư mới bồi thường cho xã Tân Nghĩa 28%. Nhiều người đặt cọc mua đất nhưng chủ đầu tư không chi trả đúng hẹn khiến dân mất khoản tiền này.
Tại huyện Lâm Hà, ông Trần Văn Thân, Bí thư Đảng ủy xã Tân Thanh, cho biết khi thủy điện ĐN2 tích nước, nhiều hộ dân mới được trả 1/6-1/5 tiền bồi thường giải phóng mặt bằng. Theo ông Thân, tiền bồi thường chưa chắc đã mua được miếng đất tốt hơn chỗ cũ, chủ đầu tư lại còn trả nhỏ giọt khiến người dân rất khó khăn.
Ông Đặng Công Chuẩn, Tổng Giám đốc Công ty Trung Nam, giải thích việc bồi thường chậm là do thực hiện quy định mới nên vốn đền bù đội lên rất nhiều so với dự kiến ban đầu, từ 233 tỉ lên 490 tỉ đồng. Vì vậy, công ty gặp khó khăn trong việc bố trí vốn.
Hiện nay, công ty đã chi trả được 410 tỉ đồng cho 2 huyện Lâm Hà và Di Linh, số còn lại cố gắng hoàn tất vào tháng 1-2014. Theo ông Chuẩn, tỉnh Lâm Đồng “đánh giá rất cao” những nỗ lực của chủ đầu tư nên cho phép tích nước khi chưa đền bù xong để đẩy nhanh tiến độ dự án, có lợi cho các bên.
Thủy điện ĐN2 là dự án không bố trí tái định cư mà chủ đầu tư bồi thường bằng tiền, người dân tự lo nơi ở, sản xuất mới.
Không kịp trở tay
Khu vực lòng hồ thủy điện ĐN2 vẫn còn rất nhiều cây cối. Trong khi đó, theo quy định, lòng hồ phải được dọn sạch trước khi tích nước để tránh việc cây cối phân hủy gây hiệu ứng nhà kính. Ngày 21-9, ĐN2 bắt đầu tích nước khiến rẫy sầu riêng của ông Hồ Văn Út ở xã Tân Nghĩa ngập nặng. Rẫy này được Công ty Trung Nam đền bù 1,8 tỉ đồng nhưng mới trả được 500 triệu đồng.
Chính quyền địa phương và người dân rất bức xúc về việc chủ đầu tư chỉ thông báo tích nước trước 2 ngày khiến không ai kịp trở tay. Ông Lê Ngọc Chánh cho biết việc tích nước gây ngập một tuyến đường dân sinh, xã Tân Nghĩa đã đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ khảo sát, thiết kế tuyến đường mới nhưng bị từ chối.
Theo ông Trần Văn Thân, hôm 17-9, Công ty Trung Nam phát công văn đến UBND xã Tân Thanh thì ngày 21-9 đã tích nước làm nhà cửa 6 hộ bị cuốn trôi. “Mình cứ nói thủy điện sẽ giúp đời sống người dân tốt hơn nhưng khi nó tích nước thì nhiều hộ lại sống trong cảnh màn trời chiếu đất, tài sản mất sạch” – ông ưu tư. Ông Trần Văn Tự, Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà, cho biết có 38 hộ bị ảnh hưởng khi thủy điện ĐN2 tích nước, tổng thiệt hại ước tính 720 triệu đồng.
Thế nhưng, ông Đặng Công Chuẩn lại không thừa nhận việc Công ty Trung Nam thông báo tích nước quá khẩn cấp. Theo ông, ngày 4-9, công ty đã làm việc với huyện Lâm Hà về thời gian tích nước, đồng thời thông báo cho trưởng thôn nhưng địa phương lại chủ quan chờ chủ đầu tư thông báo lại.
TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, phân tích: Chủ đầu tư đã cam kết với chính quyền địa phương nếu đến ngày 30-10 trả hết tiền đền bù mới được tích nước thủy điện ĐN2. Vì chủ đầu tư chưa trả hết tiền nên về nguyên tắc, đất vẫn là của người dân, công ty tích nước gây thiệt hại thì phải bồi thường. Người dân có quyền khởi kiện nếu công ty không bồi thường.
Hy sinh lợi ích của dân?
Ông Nguyễn Canh, Chủ tịch UBND huyện Di Linh, nhận xét khi có thủy điện, đời sống người dân sẽ được nâng lên, vừa có tuyến đường đi vừa có điện sử dụng. Cho nên, việc thủy điện chưa đền bù xong nhưng vẫn tích nước là chủ trương chung của tỉnh.
Theo ông Canh, dự án gần như đã cơ bản hoàn thành, dự kiến phát điện tháng 1-2014. Nếu tích nước chậm dẫn đến chậm phát điện, Công ty Trung Nam sẽ lỗ khoảng 500 tỉ đồng/năm.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu xét về tương quan thiệt hại giữa người dân (trăm triệu đồng) với doanh nghiệp (trăm tỉ đồng), việc lựa chọn mức thiệt hại thấp “có vẻ hợp lý”. Tuy nhiên, trong trường hợp này, người dân lại phải chịu thiệt để doanh nghiệp không bị lỗ! Công ty Trung Nam phát điện đúng tiến độ sẽ bán điện thu lời. Người dân mất đất chuyển đi nơi khác liệu có được dùng điện từ ĐN2? Nếu có, họ cũng phải chi tiền mua điện. Vậy tại sao người dân phải hy sinh quyền lợi của mình cho chủ đầu tư?
Trong khi đó, việc không thực hiện đúng cam kết bồi thường dẫn đến chậm tiến độ dự án là lỗi của chủ đầu tư, không phải do dân. Xét ở góc độ pháp lý, như TS Long đã phân tích, khi chưa bồi thường xong, đất vẫn là của người dân, việc chủ đầu tư tích nước gây thiệt hại là vi phạm pháp luật.
“Giọt nước tràn ly”?
Theo ông Huỳnh Thiên Tính, Trưởng Phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng, chưa thể khẳng định sự cố ở xã Tân Nghĩa có liên quan đến thủy điện ĐN2 hay không. “Muốn nghiên cứu phải có phương án riêng, đo địa lý vết đứt gãy… rất tốn kém, trong khi ngân sách không có” – ông Tính lý giải. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lâm Đồng cho biết 2 đoàn chuyên gia từ Viện Vật lý Địa cầu và Trường ĐH Bách khoa TP HCM cũng đã đến khảo sát khu vực sạt lở nhưng chưa có kết luận gì. Đề tài nghiên cứu về tai biến địa chất trên địa bàn tỉnh do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Viện Địa lý Tài nguyên thực hiện, dự kiến tháng 10-2014 hoàn thành, sẽ phần nào đánh giá được nguyên nhân sạt lở đất vừa qua. Tham gia đoàn khảo sát tai biến địa chất khu vực Tây Nguyên do một doanh nghiệp Nhật Bản tổ chức mới đây, TS Bùi Trọng Vinh, Phó trưởng Khoa Kỹ thuật Địa chất và Dầu khí Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết đoàn đã đến khu vực sạt lở gần thủy điện ĐN2. Bước đầu, đoàn xác định địa chất công trình có sự dịch chuyển các khối sạt trượt – hiện tượng cũng đang xảy ra toàn Tây Nguyên. Khu vực sạt trượt nằm trên lớp đất sét đang bị phân hóa, các khối địa chất dịch chuyển đến ngưỡng nếu có tác động sẽ gây sạt lở. Trong khi đó, người dân địa phương cho rằng việc thủy điện ĐN2 tích nước đã gây động đất kích thích nhỏ và là “giọt nước tràn ly” dẫn đến nứt đất, sạt lở. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có số liệu đo đạc về rung chấn trước và sau khi ĐN2 tích nước nên chưa thể kết luận điều gì. Theo TS Vinh, tỉnh Lâm Đồng cần đứng ra thuê đơn vị đo đạc rung chấn. |