ThienNhien.Net – Myanmar đang chuẩn bị những bước cuối cùng để gia nhập Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI), trong một nỗ lực minh bạch hóa ngành khai khoáng và cải cách kinh tế, chính trị.
Trong cuộc hội đàm với Tổng thổng Myanmar Thein Sein hôm 10/12, Chủ tịch Ủy ban EITI Quốc tế Clare Short đã nhiệt liệt biểu dương những bước tiến của Myanmar trong công tác chuẩn bị gia nhập Sáng kiến quốc tế này.
Bà chia sẻ: “Tôi thực sự cảm động trước quyết tâm của Chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự Myanmar trong việc nỗ lực quản lý tốt hơn nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước. Cuộc họp mặt lần đầu tiên giữa các bên này đã đánh dấu mốc son trong tiến trình tham gia EITI của Myanmar và tính chất cởi mở của những thảo luận này chứng tỏ một điều rằng tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar đã tiến thêm một bước dài”.
Đáp lại kỳ vọng của bà Clare Short, ông Thein Sein tiếp tục tái khẳng định thiện chí gia nhập EITI. Phát biểu tại cuộc hội đàm, ông cho biết: “Myanmar muốn sử dụng EITI như một công cụ nhằm bảo đảm các nguồn lực tự nhiên của đất nước được phát triển và quản lý một cách minh bạch vì lợi ích bền vững của cộng đồng. Bản thân các cuộc cải cách kinh tế – chính trị vốn là một phần không thể thiếu trong tiến trình dân chủ hóa. Và việc trở thành thành viên của EITI sẽ là kết quả đáng mong đợi của công cuộc cải cách này”.
Tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố Myanmar sẵn sàng tham gia EITI, đồng thời chỉ định Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Myanmar U Soe Thane chủ trì tiến trình thực thi EITI.
Tại cuộc hội đàm hôm 10/12, Myanmar tiết lộ ý định sẽ đăng ký tham gia EITI trong vòng một đôi tháng tới. Hiện tại vẫn còn hai bước quan trọng chờ Myanmar hoàn thành trước khi đăng ký.
Thứ nhất, Myanmar cần thành lập một hội đồng giám sát với các bên liên quan từ Chính phủ, doanh nghiệp cho tới xã hội dân sự. Để bầu ra các thành viên của hội đồng giám sát, một cuộc hội thảo tư vấn giữa các bên đã được tổ chức tại thủ đô Naypyitaw hôm 09/12.
Bước còn lại là hội đồng giám sát nói trên đề ra được kế hoạch làm việc với đầy đủ các mục tiêu thực thi EITI ở Myanmar, trong đó nêu rõ đối tượng thực thi cũng như nội dung cơ bản của báo cáo đầu tiên mà họ sẽ tiến hành.
Tính đến thời điểm hiện tại, những chủ đề như minh bạch về hợp đồng, quyền hưởng lợi và việc mở rộng phạm vi quan tâm sang các lĩnh vực thủy điện, lâm nghiệp đã được thảo luận xong.
Bà Clare Short kêu gọi các bên cố gắng duy trì một chương trình nghị sự EITI dài hạn, song cũng không quên lưu ý rằng đây là tiến trình không hề dễ dàng và cần phải tiếp cận từng bước một.
Trước chuyến thăm Myanmar, Chủ tịch Ủy ban EITI Quốc tế Clare Short đã tham dự buổi “Đối thoại về Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI)” tại Hà Nội sáng 06/12. Trong buổi đối thoại này, bà bày tỏ hy vọng Việt Nam sẽ sớm tham gia EITI để thúc đẩy hoạt động quản trị tài nguyên bền vững. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có tiềm năng lớn về ngành khai khoáng, tuy nhiên, việc quản lý tài nguyên thiếu bền vững đã dẫn tới hiệu quả kinh tế thấp, tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài nguyên cao và ô nhiễm môi trường nặng nề. Đây là lý do khiến bà Clare Short cho rằng Việt Nam nên tham gia vào những sáng kiến minh bạch như EITI. Hiện tại, Chính phủ Việt Nam vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, thảo luận và cân nhắc về khả năng tham gia Sáng kiến quốc tế này. |