ThienNhien.Net – Mạng lưới thẩm phán châu Á về môi trường vừa ra mắt cộng đồng quốc tế tại thủ đô Manila, Philippines, đánh dấu bước chuyển mới trong hợp tác giữa các cơ quan tư pháp chịu trách nhiệm thực thi luật bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Hội nghị chuyên đề lần thứ hai giữa các thẩm phán châu Á về môi trường tổ chức tuần trước với sự tham dự của nhiều thẩm phán nổi tiếng và đại diện của các tòa án, các bộ quản lý môi trường, các văn phòng công tố, các luật gia từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) phối hợp Tòa án tối cao Philippines tổ chức Hội nghị chuyên đề trên với sự hỗ trợ của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), WWF, USAID và Freeland.
Chủ tịch ADB, Takehiko Nakao, phát biểu: “ADB tích cực hỗ trợ Mạng lưới do chúng tôi hiểu rõ vai trò quan trọng của các chánh án và thẩm phán trong việc tăng cường các nỗ lực thực thi bảo vệ môi trường. Vai trò này bao gồm việc xây dựng các chính sách môi trường, thành lập các tòa án về môi trường và đi kèm là sự tham gia của các luật gia, cộng đồng thực thi luật và các cơ quan truyền thông, hướng tới sự phát triển của hệ thống luật pháp với sự tham gia của các tòa án về môi trường”.
Nakao cũng cho biết ông nhận được sự ủng hộ của các cơ quan thực thi luật môi trường khắp châu Á: “Chánh án Indonesia cho biết đã ban hành Nghị định chứng nhận vai trò của các thẩm phán chuyên về môi trường và bảo đảm vai trò xét xử trong các vụ án về môi trường. Chánh án Pakistan và Malaysia cũng đã quyết định thành lập tòa án về môi trường và tổ chức tập huấn nâng cao năng lực”. Ông cũng bổ sung: “Chánh án Việt Nam và Sri Lanka cũng cam kết ưu tiên thực thi trong tầm nhìn khu vực và cam kết quốc gia trong năm 2014”.
Đáp ứng các yêu cầu của khu vực, ADB đã xây dựng một giao diện trực tuyến cho tất cả các thẩm phán châu Á nhằm trao đổi thông tin xét xử về môi trường. Trang mạng này bao gồm các luật môi trường trong khu vực và Nakao cho rằng nó sẽ giúp bảo đảm ý thức cộng đồng thông qua việc đối thoại thường xuyên. Ngoài ra, theo khẳng định của Nakao, ADB sẽ hỗ trợ các thẩm phán châu Á tham dự các sự kiện quan trọng về môi trường như Hội nghị Rio về biến đổi khí hậu, Hội nghị CITES và đa dạng sinh học.
Tội phạm các loài hoang dã thường buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp các loài hoang dã từ châu Phi và Đông – Nam Á tới các khu vực khác ở châu Á và gỗ các loại từ Đông – Nam Á tới các quốc gia EU và các khu vực khác ở châu Á. Hoạt động buôn bán bất hợp pháp các loài gỗ từ Đông – Nam Á tới các quốc gia EU và các khu vực khác ở châu Á hàng năm đạt mức 3,5 tỷ USD. Theo Cơ quan Liên Hợp quốc về Tội phạm và Ma túy, buôn bán ngà voi, sừng tê giác và các bộ phận của hổ ở châu Á năm 2010 đạt 75 triệu USD nhưng thiệt hại về môi trường mà toàn cầu phải hứng chịu còn cao gấp nhiều lần những con số trên.
Mạng lưới các thẩm phán ra đời thể hiện nỗ lực của Hội nghị chuyên đề của các thẩm phán tổ chức lần đầu vào năm 2010. Tại đây, 110 thẩm phán đã kêu gọi thành lập Mạng lưới thẩm phán châu Á về môi trường.