ThienNhien.Net – Ngày càng nhiều ý kiến nhấn mạnh tới cách ứng xử thích hợp với sông Mekong, khối tài sản chung vĩ đại, là sinh kế cho hàng triệu người.
Với tổng chiều dài hơn 4.800km, gồm hơn 30 nhánh sông chính, Mekong là con sông lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ 11 trên thế giới. Sinh kế của hơn 75% dân số trong lưu vực phụ thuộc vào con sông này thông qua việc canh tác nông nghiệp, khai thác thủy sản và rừng.
Nguồn lợi từ dòng Mekong không chỉ mang tính khu vực, mà còn vươn ra phạm vi rộng hơn. Chẳng hạn những biến động tại “vựa lúa” nơi dòng Mekong chảy qua rất có thể tác động đến an ninh lương thực thế giới.
Khẳng định điều này, trong chuyến thăm vùng sông nước Cà Mau để công bố dự án viện trợ cho việc ứng phó biến đổi khí hậu tại khu vực này (trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam từ 14 – 17/12), Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói biến đổi khí hậu và việc xây dựng đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong là mối đe dọa nghiêm trọng với sinh kế của hàng triệu người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng sông Mekong là tài sản chung của toàn cầu và mọi dự án phát triển hạ tầng như xây đập thủy điện cần phải được thực hiện một cách cẩn thận và minh bạch.
Những năm gần đây, đã có nhiều lời cảnh báo được đưa ra về tình trạng khai thác tận thu dẫn đến cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng tới đa dạng sinh học tại lưu vực sông Mekong. Thậm chí, các chuyên gia về môi trường còn gióng lên hồi chuông báo động về khả năng dòng sông bị biến đổi dòng chảy, dẫn tới những thảm họa về môi trường nếu các đập thủy điện được xây dựng tràn lan trong khu vực. Vấn đề của sông Mekong được đánh giá là “xuyên biên giới”, cần có giải pháp “xuyên quốc gia”.
Có thể nói rằng, các nước tiểu vùng sông Mekong gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, cùng với đối tác Nhật Bản, đã không ngừng tích cực tìm lời giải cho vấn đề của sông Mekong; không chỉ đưa ra những cam kết mạnh mẽ, mà còn thiết lập được một cơ chế hợp tác rất tích cực vì sự ổn định, thịnh vượng và phát triển của khu vực sông.
Hội nghị cấp cao các nước tiểu vùng sông Mekong – Nhật Bản lần thứ 5 vừa diễn ra tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 14/12 đã nhấn mạnh tầm quan trọng sống còn của việc quản lý và phát triển bền vững nguồn nước và các tài nguyên liên quan của sông Mekong, khẳng định ủng hộ Ủy hội sông Mekong quốc tế đẩy nhanh các nghiên cứu về quản lý và phát triển bền vững sông Mekong, cũng như các nghiên cứu của các nước có liên quan về tác động đến môi trường và dòng chính sông Mekong.
Hội nghị đã thông qua Tuyên bố kiểm điểm giữa kỳ Chiến lược Tokyo 2012, theo đó khẳng định quyết tâm của các bên cùng thúc đẩy hợp tác Mekong-Nhật Bản vì sự thịnh vượng, ổn định, và phát triển bền vững của khu vực Mekong.
Nếu như Mekong là dòng sông chung và đem lại nguồn lợi chung thì rõ ràng, các nước cần phải tích cực đóng góp vào kế hoạch hành động chung để cùng có cách ứng xử thích hợp với “khối tài sản chung vĩ đại” này và chỉ như vậy, dòng Mekong mới có thể mãi xanh.