ThienNhien.Net – Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn “tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng”. Những khu rừng của Việt Nam ngày càng bị tàn phá nặng nề và thu hẹp, đẩy nhiều loài thú quý hiếm tới bờ vực tận diệt.
Ký ức của những thợ săn nổi tiếng
Nhiều khu rừng của Yên Bái vài chục năm trước đây khi chưa bị tàn phá người ta còn nghe thấy tiếng hót và nhìn thấy từng đàn vượn đen. Tiếng hót của chúng rộn ràng và náo nhiệt mỗi sớm trở dậy, như đánh thức đại ngàn sau một đêm ngủ dài mê mệt.
Người vùng cao sống nhiều năm trong rừng, nghe tiếng hót của vượn biết hôm đó trời nắng hay mưa, chúng chỉ hót khi trời quang mây tạnh, còn những ngày ẩm ướt họ chỉ nghe được tiếng hú thưa thớt gọi bầy buồn thảm.
Ông Bàn Phúc Châu (thôn Bó Mi xã Tân Phượng, huyện Lục Yên) năm nay hơn 60 tuổi vốn là thợ săn nổi tiếng của đất Tân Phượng, khi tôi hỏi ông về những loài thú rừng mà ông đã săn được, ông Châu chợt như bừng tỉnh quá khứ huy hoàng.
“Tôi biết đi săn từ năm 20 tuổi, săn được nhiều nhất từ năm 25 đến 30 tuổi, trên 30 tuổi thì bắn được ít dần. Tôi bắn được khoảng 10 con lợn rừng, con to nhất nặng hơn một tạ, răng nanh dài gần gang tay. Cuộc đời đi săn của tôi ám ảnh nhất là bắn những con vượn đen. Tiếng Dao gọi là “tuồi đao”, con to khoảng hai chục cân, chúng đi thành bầy trong những khu rừng rậm. Người thợ săn bám theo tiếng hót của nó nên tìm ra nơi chúng ở.
Tôi nhớ lần ấy, buổi chiều tôi nấp sau gốc cây trên đường chúng kiếm ăn trở về, khi tôi bắn một con từ trên cây cao rụng xuống, mắt nó cứ mở trừng trừng nhìn tôi như oán trách. Tôi phải lấy cái mũ vải đội đầu úp vào đôi mắt của nó mới dám bỏ vào gùi địu về nhà…”, ông Bàn Phúc Châu nhớ lại.
Người dân xã Lâm Giang gọi ông Triệu Nguyên Tư là “Tư gấu”. Ông kể: Tôi giết quá nhiều thú rừng rồi anh ạ, rất ít con thoát khỏi tay tôi. Số tôi sát gấu, lợn rừng, hươu nai… còn hổ thì chưa đụng lần nào, căng, khỉ, vượn đen chỉ bắn được vài con.
Không chỉ tôi, mà nhiều người dân sống quanh núi Voi đều săn bắt thú rừng nên số lượng thú rừng giảm đi nhanh lắm. Vì thế chúng sợ con người lắm. Lũ vượn đen chỉ còn ít thôi, chúng ở tít trong những khu rừng già, không mấy khi dám mon men ra ngoài. Đám con non lúc đầu lông vàng, khi lớn lên lông chuyển dần sang mầu đen. Rừng trên núi Voi trước đây nhiều căng, khỉ, vượn đen vì bị săn bắn quá nhiều nên chúng sợ hãi bỏ chạy gần hết…
Yên Bái chỉ còn một khu rừng có vượn đen
Trong những năm qua Quỹ Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc tế (FFI) đã tổ chức nhiều chuyến khảo sát lên các khu rừng nguyên sinh của Yên Bái, vượn đen chỉ còn có trong rừng Chế Tạo có tổng diện tích trên 28.000 ha. Toàn bộ khu rừng nguyên sinh của xã Chế Tạo loài vượn đen sinh sống nằm gần trọn trong dãy núi Háng Đề Chà Hâu và Háng Gàng một phần nằm ở hai xã Mường Chiến, Nậm Păn (Sơn La).
Theo đánh giá của FFI hiện nay trên thế giới chỉ các quốc gia: Trung Quốc, Lào và Việt Nam có loài vượn đen tuyền quí hiếm được ghi trong sách đỏ cấm săn bắn, buôn bán, nhưng chúng phân bố trong phạm vi rất hẹp và đang có nguy cơ tuyệt diệt. Vượn đen có vị trí đặc biệt quan trọng, nó được coi là “loài chỉ thị” của rừng nguyên sinh, một phần quan trọng của rừng và văn hoá Việt Nam.
Ông Vàng A Lử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, cho biết: Tổ chức FFI thực hiện các cuộc điều tra từ năm 1999 – 2001 thì số lượng vượn đen ở Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có khoảng 39 đàn với hơn 100 cá thể. Năm 2010 các cuộc điều tra, khảo sát của FFI chỉ thấy còn hơn 80 cá thể.
Trong đó khu vực giáp hai xã Khoen On, Ta Gia huyện Than Uyên, tỉnh Lai châu là các điểm: Đề Rua, Hấu Đề Tênh, Kháu Đề Trà, Háu Lồng, Kháu Đề Rếnh Máo còn khoảng 20 cá thể. Khu vực trung tâm của rừng Khu bảo tồn là các điểm: Mí Làng, Háng Tung Chung, Háng Chảo Chử, Chua La, Háu Cừ Đề, Háng Tông Không, Đề Sơ Tâu còn hơn 60 cá thể.
Năm 2012, tổ chức FFI tiếp tục khảo sát, thời gian 40 ngày, số lượng vượn đen ghi âm được tiếng hót của chúng chỉ còn khoảng 20 cá thể khu vực giáp huyện Than Uyên, vùng rừng trung tâm của Khu bảo tồn còn nghe được tiếng hót, nhưng không đủ khả năng đánh giá số lượng đàn và các cá thể vượn đen còn lại là bao nhiêu. Rất có thể số vượn đen ở đây di chuyển sang khu vực rừng Ngọc Chiến của Sơn La, ông Lử suy đoán.
Năm 2013, tổ chức FFI có chuyến khảo sát ngắn từ ngày 22/6 đến 28/6 có 16 người tham gia, được chia thành 4 tổ. Chuyến khảo sát này chỉ ghi âm được tiếng hót của vượn đen ở khu rừng giáp huyện Than Uyên với khoảng 20 cá thể, còn khu vực Hấu Đề Tra, Hấu Đề Tinh, Hấu Đề Rếnh Máo ghi âm được tiếng vượt hót rất ít, khu vực Kháu Lồng người dân còn nhìn thấy vượn, còn khu Hấu Đề Rua thì không nhìn thấy và không nghe thấy tiếng hót của vượn.
Nếu căn cứ vào tiếng hót của vượn đen mà FFI đã ghi được, thì từ năm 2001 đến 2013 số lượng vượn đen ở đây đã suy giảm quá nhiều. Điều đó muốn nói chốn nương thân cuối cùng của loài vượn đen ở Yên Bái trước nguy cơ tuyệt diệt khi nạn săn bắn không thể kiểm soát được.
Canh giữ linh hồn rừng
Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải nằm ở xã Chế Tạo, nhưng do giáp ranh với các tỉnh Sơn La và Lai Châu nên việc bảo vệ loài vượn đen vô cùng khó khăn. Ông Vàng A Lử cho biết: Từ nhiều năm nay Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải thực hiện việc giao rừng cho cộng đồng dân cư, chỉ nhân dân mới là người bảo vệ rừng tốt nhất.
Theo khảo sát mới đây nhất của FFI, khu vực cư trú của loài vượn đen trong Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải luôn biến động, chúng di chuyển liên tục từ khu vực rừng Chế Tạo sang khu vực rừng Ngọc Chiến và khu vực giáp gianh tỉnh Lai Châu. Quá trình di chuyển của chúng luôn đối mặt với những thợ săn, vì thế Hạt Kiểm lâm Mù Cang Chải cử những cán bộ kiểm lâm bám rừng, canh giữ “linh hồn” của rừng.
Trao đổi với Giàng A Mang, cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn, anh đã tham gia nhiều cuộc khảo sát rừng Chế Tạo đối với loài vượn đen, anh đã trình chiếu một đoạn phim quay rừng Chế Tạo, ghi âm được tiếng hót của loài vượn đen.
Lần đầu tiên tôi được nghe tiếng hót của loài vượn đen trong buổi bình minh mặt trời vừa ló rạng. Thật quá đỗi kinh ngạc, đúng là tiếng hót của loài loài vượn đen chính là linh hồn của rừng.
“Chúng tôi đã thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng gồm 16 người là người dân địa phương, được chia thành 4 nhóm, các nhóm này mỗi tháng có 20 ngày thay nhau tuần tra các khu vực rừng mình được phân công.
Ngoài ra, hai cán bộ kiểm lâm là người địa phương được phân công phụ trách địa bàn, hằng tháng cùng tổ tuần tra vào rừng kiểm tra, đặt các thiết bị thu âm, chụp hình theo dõi các hoạt động của loài vượn đen”, ông Vàng A Lử. |