ThienNhien.Net – Trung tâm khí tượng Trung Quốc cho biết ô nhiễm đã gần như lan ra cả quốc gia này, trong đó các tỉnh miền Đông và Nam Trung Quốc như Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Vân Nam, Phúc Kiến, Giang Tây và Hồ Nam đang chịu thiệt hại nặng nề nhất.
Trung tâm Khí tượng quốc gia Trung Quốc đã phải ban bố báo động vàng khi bầu không khí dày đặc sương mù và khói bụi vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Mức báo động vàng là mức báo động cao thứ ba trong bốn mức báo động về không khí của Trung Quốc.
Thủ đô Bắc Kinh thường xuyên chìm trong khói mù độc hại, đặc biệt vào mùa hè và mùa đông. Nguyên nhân được cho là do khí thải từ nhà máy, xe hơi và các công trình xây dựng. Theo Tân Hoa xã, chính quyền thành phố vừa công bố một hệ thống cảnh báo ô nhiễm không khí mới với 4 mức báo động. Trong giai đoạn báo động cao nhất, nhà chức trách sẽ thực thi các biện pháp như đóng cửa công trình xây dựng, hạn chế xe cá nhân theo quy định chẵn lẻ (những xe có số cuối trên biển số là số chẵn thì chỉ được ra đường vào ngày chẵn, tương tự với số lẻ)…
Hãng tin Tân Hoa cho biết, chỉ số chất lượng không khí ở các vùng này đang cao hơn mức an toàn của thế giới từ 10- 30 lần. Thành phố Thượng Hải cũng đang chìm trong màn khói bụi dày đặc, chỉ số chất lượng không khí ở trung tâm tài chính này đang ở mức tồi tệ nhất. Tại các quận Phố Đông và Phổ Đà, bụi cực nhỏ bay trong không khí vượt qua mức 700 microgram/m3 không khí, trong khi theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì mức giới hạn cho phép chỉ là 25 microgam.
Hàng loạt nhà máy đã bị buộc ngưng sản xuất, các công trình xây dựng cũng dừng hoạt động, hàng trăm chuyến bay tại sân bay Phố Đông đã tạm hoãn hoặc hủy chuyến. Chính quyền Thượng Hải cảnh báo khả năng xuất hiện các bệnh hô hấp nếu chất lượng không khí tiếp tục xấu. Người già và trẻ em được khuyến cáo ở trong nhà trong khi các nhóm đối tượng khác được kêu gọi giảm bớt những hoạt động ngoài trời.
Tại thành phố Nam Kinh, thủ phủ tỉnh Giang Tô, chính quyền địa phương đã phải ra báo động đỏ về tình trạng ô nhiễm không khí. Người dân địa phương mô tả bầu trời nơi đây biến thành một màu vàng và mùi khét xông lên nồng nặc. Nhà chức trách Nam Kinh cho biết chỉ số ô nhiễm không khí PM2,5 ở đây tăng lên tới 354. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số PM2,5 ở mức 300 đã là rất độc hại, nguy hiểm tới sức khỏe con người.
Thành phố Thanh Đảo ở tỉnh Sơn Đông cũng thông báo chỉ số PM2,5 tại đây vượt quá ngưỡng 300. Chính quyền Nam Kinh đã đóng cửa các trường tiểu học và trung học, trong khi Thanh Đảo cấm hoàn toàn mọi hoạt động ngoài trời.
Tình trạng khói bụi ô nhiễm tại Bắc Kinh và Thượng Hải khiến các hãng hàng không phải trì hoãn hoặc hủy bỏ hàng trăm chuyến bay, gây ra tình trạng hỗn loạn tại sân bay. Mới đây, báo chí Trung Quốc đưa tin tình trạng ô nhiễm không khí ở nước này trầm trọng đến mức ngành hàng không sẽ buộc các phi công thường xuyên bay tới sân bay Bắc Kinh phải làm chủ hoàn toàn kỹ thuật bay trong điều kiện tầm nhìn thấp.
Tai nạn liên hoàn đã xảy ra trên các tuyến đường cao tốc do khói bụi hạn chế tầm nhìn. Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc cho biết nhiều tuyến đường cao tốc ở tỉnh Giang Tây đã phải đóng cửa do tầm nhìn hạn chế. Hàng ngàn xe cộ đang mắc kẹt ở các tuyến đường này. Nhiều trường học ở tỉnh Giang Tô đã buộc phải đóng cửa trước tình hình không khí ô nhiễm nghiêm trọng. “Hàng trăm nghìn người Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi các bệnh liên quan đến hô hấp và chết sớm so chất lượng không khí quá kém”, ông Achim Steiner, giám đốc điều hành Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết.
Các chuyên gia Trung Quốc vừa lên tiếng cảnh báo về tình trạng sương mù dày đặc do ô nhiễm không khí đã trở thành một mối đe dọa đến an ninh quốc gia vì các camera giám sát những địa điểm nhạy cảm không thể ghi hình được. Các giới chức Trung Quốc đang lo ngại các thành phần khủng bố có thể lợi dụng các ngày có sương mù dày đặc để tiến hành các cuộc tấn công.
Một nghiên cứu mới đây do chính phủ Trung Quốc thực hiện cho thấy, 10% đất nông nghiệp ở nước này chứa kim loại nặng như thủy ngân, chì và cadmium với nồng độ vượt tiêu chuẩn an toàn. Các kim loại đó có thể gây tổn thương ở hệ thần kinh, hệ sinh sản, thận cũng như gây ra những biến chứng sức khỏe khác, đặc biệt ở trẻ em.
Trước thực trạng trên, chính phủ Trung Quốc đang đề ra những chính sách để đất nước sạch hơn, xanh hơn. Đầu năm nay, truyền thông quốc gia thông báo chính phủ sẽ đầu tư khoảng 279 tỷ USD để chiến đấu với vấn đề khói bụi và sương mù. Hồi tháng 10, Trung Quốc cũng thông báo sẽ thưởng cho các vùng có khoản đầu tư tương tự nhằm chống lại ô nhiễm không khí. Năm ngoái, Trung Quốc đã đầu tư 49 tỷ USD cho “kinh tế xanh”. Đây là mức đầu tư lớn nhất thế giới hiện nay và nó có thể tăng trong năm tới.