ThienNhien.Net – Liên tục từ năm 2010 trở lại đây, hầu như năm nào cũng xảy ra những vụ cháy rừng rất dữ dội ở rừng quốc gia Hoàng Liên Sơn thuộc địa bàn 2 tỉnh Lào Cai – Lai Châu. Và còn bàng hoàng hơn khi đi sâu vào tận vùng lõi của vườn quốc gia để tận mắt chứng kiến cảnh rừng Hoàng Liên bây giờ gần như chẳng còn gì nữa…
Chỉ còn “rừng cháy”
Hoàng Liên Sơn là rừng đại ngàn nổi tiếng nhất ở Việt Nam hiện nay – với đỉnh Fansipan được coi là “nóc nhà Đông Dương”. Cứ mỗi dịp cuối tuần, hàng trăm du khách trong và ngoài nước, nhiều nhất là giới trẻ, lại đổ xô về Khu du lịch Sa Pa – Lào Cai để thực hiện những cuộc chinh phục ngoạn mục: “Trekking Fan” – leo lên đỉnh Fansipan ở độ cao 3.143m để được đứng trên đỉnh ngọn núi cao nhất nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui khó tả thành lời lại có những nỗi buồn khi nói về dãy Hoàng Liên Sơn.
Trước khi đặt chân vào cửa rừng, chúng tôi cứ hình dung Hoàng Liên là một đại ngàn với những thân cây cổ thụ rậm rạp, chằng chịt – nơi quần tụ của hàng chục loài gỗ quý… Nhưng hình ảnh đó chỉ bắt gặp ở những vạt rừng mỏng với những loài cây không có nhiều giá trị nằm ngay bên dưới, gần thị trấn Sa Pa, quốc lộ 4D, khu vực Trạm Tôn… Còn từ độ cao 1.900 – 2.200m trở lên đến đỉnh thì một cảnh tượng khác hẳn: những thân cây cổ thụ với 2 – 3 vòng tay người ôm đã dần vắng bóng, đổ chỏng trơ, bật gốc hoặc cháy nham nhở…
Từ khu vực 2.200m lên tới 2.800m chỉ bắt gặp những vạt đồi trúc đang tái sinh, mọc thấp khoảng 1 – 1,2m. Nhưng từ khu vực 2.800m lên tới đỉnh Fansipan cao 3.143m thì chỉ gặp những vạt núi toàn là trúc. Những thân gỗ lớn thì đã bị đốn hạ tự bao giờ. Nhưng đến rừng trúc hiện nay cũng đang chết khô queo, trơ trụi lá, chỉ cần một mồi lửa là bốc cháy dữ dội.
Rõ ràng, khu vực bao quanh các cung đường dẫn lên đỉnh Fansipan là “vùng lõi” của rừng Hoàng Liên, vậy mà cảnh tượng hiện ra trước mắt thật hoang tàn, xơ xác với những thân cây cháy đen, đổ chỏng trơ gốc rễ, rồi những vạt đồi trơ trọi, chỉ còn sót lại rừng trúc mỏng…
Khẩn thiết cứu rừng
Theo Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Hoàng Liên Sơn, từ năm 2010 đến nay, ở đây đã xảy ra 3 vụ cháy rất lớn. Còn theo người dân sở tại còn nhiều vụ cháy nhỏ đã kịp thời dập tắt được. Như vậy, gần như năm nào cũng xảy ra cháy rừng. Trong đó, vụ cháy vào đúng dịp tết cổ truyền 2010 đã kéo dài tới 15 ngày, tổng diện tích rừng già và rừng bị thiêu rụi lên tới 3.000ha.
Đến tháng 3-2012, lại thêm một vụ cháy nữa thiêu rụi hơn 100ha rừng ở vùng lõi của Hoàng Liên Sơn, chính quyền địa phương phải huy động gần 1.500 người tham gia dập lửa. Bài học vừa được rút ra thì ngay đầu năm 2013, lại một vụ cháy rừng Hoàng Liên Sơn nữa cũng rất dữ dội…
Một sự thật mà ít người nhắc tới đó là nạn phá rừng Hoàng Liên để khai thác gỗ quý (chủ yếu là gỗ pơ mu) đã diễn ra âm ỉ, nóng bỏng từ nhiều năm qua. Đây mới chính là nguyên nhân gây ra nạn cháy rừng dữ dội. Rừng cháy, càng “lòi” ra cảnh chặt phá rừng, cưa xẻ gỗ của “lâm tặc”…
Nhiều người dân ở Sa Pa – Lào Cai cho biết, sau khi “lâm tặc” vào VQG chặt phá, mở nhiều lối mòn để vận chuyển gỗ ra ngoài, đến lượt những người Mông ở Sa Pa và Than Uyên (Lai Châu) cũng ùa vào rừng để tận thu gỗ, mở lò đốt than ngay trong rừng. Gỗ rừng được đưa vào lò đốt làm than hoa để chở ra thị trấn Sa Pa bán cho các ông chủ đem về xuôi. Do mở lò đốt than bừa bãi nên từ lâu cơ quan chức năng đã cảnh báo nguy cơ cháy rừng Hoàng Liên.
Rừng đã cháy, gỗ quý đã bị cưa chặt trộm… nhưng hậu quả vẫn chưa dừng lại. Do thảm thực vật có tán dày đột ngột biến mất, trong khi độ dốc cao nên hiện tại, nguồn nước ngầm ở khu vực quanh đỉnh Fansipan đang sụt giảm nghiêm trọng. Hậu quả là cả một thảm trúc khổng lồ ở vùng lõi rừng Hoàng Liên đang chết khô queo từ khoảng 2 – 3 năm qua. Đứng ở độ cao 2.800m (nơi khách du lịch dừng chân dựng lều lán ngủ qua đêm trước khi lên tới đỉnh 3.143m) nhìn ra bốn bề đều là những vạt núi trúc chết mà lòng xót xa.
Không chỉ rừng trúc trên đỉnh Fansipan, mà theo thống kê mới nhất của Ban Quản lý VQG Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), ở khu vực vùng đệm của VQG cũng đang có gần 400ha rừng trúc, nứa bị chết khô hàng loạt tại các xã San Sả Hồ, Tả Van, Bản Hồ…
Nỗi lo lớn nhất hiện nay là diện tích rừng trúc, nứa khổng lồ trên sẽ trở thành mồi lửa, có thể phát nguồn gây cháy rừng bất cứ lúc nào. Vì vậy, theo ông Ninh Anh Vũ, Phó Giám đốc VQG Hoàng Liên Sơn, hiện lực lượng kiểm lâm ở đây đang bố trí các lực lượng tuần tra, canh gác dọc khu vực rừng bị chết để phòng chống và cảnh báo cháy, đặc biệt từ cao độ 2.800m trở lên thuộc địa phận xã San Sả Hồ. VQG Hoàng Liên cũng đề nghị UBND tỉnh Lào Cai cần có giải pháp đầu tư để khoanh nuôi, tái sinh và phục hồi diện tích rừng bị chết.
Rừng Hoàng Liên không chỉ là di sản mà còn là niềm tự hào của Việt Nam với đỉnh núi được coi là “nóc nhà Đông Dương”. Hiện nay, UBND tỉnh Lào Cai đang chuẩn bị khởi công một dự án cáp treo lên đỉnh Fansipan để thúc đẩy phát triển du lịch. Tuy nhiên, thu hút du lịch để phát triển kinh tế mà không gắn liền với bảo vệ rừng và giữ cảnh quan thì cũng chẳng còn giá trị và sức hấp dẫn nữa. Và việc cứu giữ rừng Hoàng Liên rõ ràng là thuộc trách nhiệm của lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương.