ThienNhien.Net – Trong số 3 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh miền núi biên giới Lào Cai, Khu công nghiệp Tằng Loỏng thuộc huyện Bảo Thắng được coi là “biểu tượng” của sự nghiệp công nghiệp hóa của địa phương. Tuy vậy, do quy hoạch chắp vá theo kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”, kể từ khi hình thành cho đến nay Tằng Loỏng vẫn đang là điểm “nóng” về gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng.
Song để khắc phục và giảm thiểu ô nhiễm, nhất là chất thải độc hại đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, sản xuất và đời sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng, thì đây vẫn là “bài toán khó” đối với Lào Cai.
Ông Đào Duy Nhất, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Lào Cai cho biết: Để trở thành khu công nghiệp, Tằng Loỏng phải trải qua 2 giai đoạn điều chỉnh quy hoạch. Khởi đầu bằng việc xây dựng Nhà máy Tuyển quặng Apatít từ những năm 1980. Đến năm 2006, UBND tỉnh Lào Cai chính thức quy hoạch khu vực này thành cụm công nghiệp-đô thị. Sau đó bằng Quyết định số 285 ngày 10/2/2011 của UBND tỉnh về quy hoạch mở rộng, Khu công nghiệp Tằng Loỏng mới chính thức ra đời, đánh dấu cột mốc quan trọng của ngành công nghiệp ở tỉnh miền núi Tây Bắc này.
Theo đó, từ quy mô ban đầu 269 ha, hiện Khu công nghiệp Tằng Loỏng có tổng diện tích mặt bằng theo quy hoạch 1.100 ha. Trong đó, đất dành cho công nghiệp 631,6 ha; đất trồng cây xanh 275,59 ha, còn lại là đất giao thông và đất hạ tầng kỹ thuật khác… Hiện có 28 dự án đăng ký đầu tư vào Khu công nghiệp với tổng số vốn gần 19.000 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy đạt 67,45%. Mặc dù mới chính thức đi vào hoạt động có 14 dự án, nhưng trong 9 tháng đầu năm nay tổng doanh thu ước trên 4.550 tỷ đồng.
Tuy vậy, việc giải phóng mặt bằng và đầu tư cơ sở hạ tầng từ trước đến nay đều do các nhà đầu tư thực hiện, nên đến tận bây giờ trong Khu công nghiệp vẫn còn tồn tại 69 hộ dân sống xen kẽ giữa các nhà máy. Chưa kể gần 1.000 hộ dân của thị trấn Tằng Loỏng cũng nằm trong diện di dời tái định cư, đang gây khó khăn cho công tác quản lý môi trường, ảnh hưởng không tốt tới thu hút đầu tư, cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư nơi đây.
Đề cập về nguyên nhân gây ô nhiễm thường xuyên tại Khu công nghiệp, ông Lưu Đức Cường, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai cho rằng: Khu công nghiệp Tằng Loỏng không được quy hoạch, xây dựng từ đầu, mà là khu vực tự phát mang tính chất “chắp vá”. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại đây hầu như chưa được đầu tư đồng bộ, hệ thống xử lý nước thải tập trung “cuối đường ống” cũng chưa đầu tư xây dựng, khoảng cách an toàn về môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Các nhà máy trước khi xây dựng đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường, hoặc bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường đều được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng chất lượng lập và thẩm định các báo cáo đôi khi chưa phù hợp với thực tế. Đặc biệt, công nghệ sản xuất hóa chất, luyện kim tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng hầu hết đều dùng công nghệ của Trung Quốc.
Đây là những công nghệ tương đối lạc hậu, nên nguy cơ xảy ra trục trặc kỹ thuật trong quá trình sản xuất, dẫn đến sự cố môi trường là khó tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc quan tâm thực sự đến đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của một số nhà máy không cao, thậm chí mang tính chất đối phó. Trong khi các loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được tập trung tại nơi này, tất yếu gây cộng hưởng tác động tiêu cực làm quá “sức chịu tải” của môi trường khu vực.
Cụ thể như Nhà máy Tuyển quặng Apatit 900.000 tấn/năm, Nhà máy sản xuất NPK 30.000 tấn, Nhà máy sản xuất phốt pho 2.000 tấn của Công ty cổ phần phốt pho vàng Lào Cai, Nhà máy phân bón Suppe lân và Nhà máy phốt pho Việt Nam với 6.000 tấn, Nhà máy phốt pho vàng số 3 với 8.000 tấn của Công ty Đông Nam Á, Nhà máy phốt pho vàng 4 với 10.000 tấn của Công ty Bột giặt và Hóa chất Đức Giang, Nhà máy luyện đồng công suất 1 vạn tấn/năm thuộc Tổng Công ty Khoáng sản-VINACOMIN… Các nhà máy sản xuất tại đây đều có nguy cơ thải ra các khí thải độc hại như khí SO2 (sản xuất NPK, luyện đồng); hơi phốt pho, Flo (sản xuất phốt pho); bụi được phát sinh trong quá trình sấy nguyên liệu; khí thải của các lò đốt bùn thải trong các nhà máy sản xuất phốt pho đều gây ô nhiễm môi trường.
Điều nguy hiểm nhất là việc quản lý chất thải rắn công nghiệp của các nhà máy chưa được quan tâm đúng mức. Bình quân mỗi ngày đêm cả khu thải ra tới 4.764,2 tấn, cả năm là 1.715.832 tấn rắn, song chỉ được lưu chứa trong khuôn viên nhà máy và khu vực đất trống trong Khu công nghiệp, hoặc được dùng san lấp mặt bằng. Do vậy khi trời mưa các chất thải hòa tan vào nước, thẩm thấu xuống đất hoặc chảy ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm nguồn nước.
Về nước thải, theo lý thuyết các nhà máy sản xuất phốt pho vàng, luyện đồng, tuyển apatit… đều có hệ thống bể xử lý tuần hoàn nước thải, để tái sử dụng lượng nước không được phép chảy ra môi trường bên ngoài. Nhưng trên thực tế, nước thải của các nhà máy ở Tằng Loỏng vẫn thải ra môi trường bên ngoài. Bao gồm nước sinh hoạt, nước rửa, nước mưa, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi trời mưa to kéo dài. Ngoài ra, ô nhiễm về tiếng ồn của quá trình sản xuất, ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải, đặc biệt trong quá trình sản xuất bao bì (mạ điện) cũng cần có giải pháp khắc phục.
Chính vì lẽ đó, từ khi Khu công nghiệp Tằng Loỏng đi vào hoạt động, đã liên tiếp phát sinh hàng chục sự cố gây ô nhiễm môi trường làm dư luận bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, sản xuất của người dân trong vùng. Đơn cử từ tháng 3-8/2011, cộng hưởng ô nhiễm không khí của các nhà máy làm thiệt hại gần 41 ha cây trồng của 3 thôn Khe Khoang, Thái Bình và Khe Chom. Từ tháng 3-4/2012, nhiều ao ở khu vực thôn Thái Bình, Khe Khoang, cá nuôi chết hàng loạt. Gần đây nhất (tháng 8/2013), nước mưa tràn qua bãi thải rắn của Công ty cổ phần hóa chất Phúc Lâm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sản xuất của người dân thôn Phú Hà 2…
Trong 2 năm 2012 – 2013, Ban Quản lý các khu công nghiệp phối hợp với các ngành chức năng trong tỉnh, tiến hành thanh tra đột xuất việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong Khu công nghiệp Tằng Loỏng của một số doanh nghiệp, đã phát hiện, đề nghị xử phạt vi phạm hành chính 1.107,5 triệu đồng. Nhưng theo nhận xét của ông Đào Duy Nhất, để giải quyết tận gốc vấn đề ô nhiễm môi trường ở Khu công nghiệp này, giải pháp lâu dài và bền vững đầu tiên là phải tiến hành ngay việc di dời và tái định cư cho 69 hộ dân đang sống xen kẽ với các nhà máy, đi đôi với đầu tư xây dựng khu xử lý chất thải rắn và chất thải lỏng tập trung. Còn đối với việc xử lý chất thải rắn lò điện của các nhà máy phốt pho gây ô nhiễm không khí, sẽ áp dụng giải pháp chôn lấp hợp vệ sinh, đúng quy cách với quy hoạch bãi chôn lấp có diện tích phù hợp và thuận tiện.
Hiện phương án đền bù với tổng kinh phí khoảng 45 tỷ đồng để di dời tái định cư cho 69 hộ dân, đã được tỉnh Lào Cai “phân bổ” cho 22 doanh nghiệp chịu trách nhiệm. Việc giải quyết bãi chôn lấp chất thải rắn của các nhà máy phốt pho cũng đã khả thi. Song dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn và lỏng cho Khu công nghiệp Tằng Loỏng hiện vẫn nằm trên giấy, bởi tổng mức đầu tư lên tới 433.500 triệu đồng (tương đương 15 triệu Euro). Cho dù Lào Cai được đánh giá có nền kinh tế “khấm khá nhất” so với các tỉnh Tây Bắc, nhưng mức đầu tư này vẫn vượt quá khả năng của địa phương. Phương án mà các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND tỉnh là xin vay vốn ODA của chính phủ Đức? Đó là chưa tính đến việc xây dựng đồng bộ hạ tầng cơ sở trong Khu công nghiệp này, sơ bộ cũng phải mất vào khoảng 1.300 tỷ đồng nữa.
Nếu như những dự án khắc phục ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng đã nêu trên thành hiện thực, thì việc xử lý chất thải độc hại sẽ không còn gây ô nhiễm môi trường. Chất thải độc hại do các nhà máy hóa chất, luyện kim thải ra hàng chục tấn mỗi ngày, buộc phải lưu giữ trong khuôn viên của các nhà máy “đang chờ các nhà khoa học giải cứu” vì chưa có công nghệ xử lý, vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm nặng nề cả trong hiện tại và tương lai.