ThienNhien.Net – Nằm ở khu vực xa xôi của vùng duyên hải Sóc Trăng, cuộc sống người dân tại ấp Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề) vốn dĩ đã khó khăn lại thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi ngập úng.
Nhờ có sự đồng lòng, người dân nơi đây đã cùng nhau xây dựng mô hình bờ bao tự quản để yên tâm sản xuất.
Đến Mỏ Ó mùa này, hình ảnh hiện lên trước mắt là công trình bờ bao ngăn lũ chạy dọc theo bờ biển dài hơn 3.000m. Công trình ngăn cách bờ biển với vùng đất sản xuất của người dân, có nhiệm vụ ngăn lũ, bảo vệ đất sản xuất cho 370 hộ dân trong khu vực. Đây là thành quả của những hộ dân tại đây cùng góp sức xây dựng lên, tạo thành mô hình bờ bao tự quản độc đáo ở vùng duyên hải này.
Dựa vào sức dân
Đoạn bờ bao có chiều cao hơn 2m, rộng 5m mới nhìn không khác gì các đoạn bờ bao khác, nhưng dựa vào cách thiết kế thì đây là mô hình độc đáo do người dân địa phương tự thiết kế lên cho phù hợp với đặc điểm trong khu vực. Bờ bao được đắp bằng đất và quây bạt lại để giữ đất, lớp bên ngoài có đóng cừ tràm ép lại để bảo vệ bờ bao khỏi bị xói lở. Ở bên trên và chân bờ bao được người dân trồng loại có có bộ rễ chùm bám đất tốt, và trồng hoa muống biển để giữ đất. Riêng bờ bao bên trong nội đồng được trồng các loại cây xanh với mật độ khá dày để tạo cho chân đê thêm phần chắc chắn.
Ông Đặng Văn Khởi- Ấp trưởng ấp Mỏ Ó cho biết đây là một trong những công trình do Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN) hỗ trợ thực hiện để người dân ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu. IUCN hỗ trợ người dân về bạt và cừ tràm và một phần kinh phí xây dựng. Còn lại người dân địa phương hiến đất để làm bờ bao, ngày công lao động cũng như nhiều kinh phí để xây dựng bờ bao. “Khi thực hiện công trình này, người dân tại đây rất nhiệt tình tham gia. Bởi họ thấy rằng việc xây dựng bờ bao là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ cuộc sống, mùa màng của chính họ” – ông Khởi nói.
Còn ông Phạm Việt Phương – Phó Chủ tịch UBND xã Trung Bình cho rằng đây là công trình phát huy hiệu quả sức dân. Do được tuyên truyền tốt nên người dân thấy được lợi ích khi có bờ bao. Từ đó họ không ngại tham gia xây dựng bờ bao vì lợi ích chung của cộng đồng. Cũng theo ông, bên cạnh tham gia xây dựng bờ bao, hơn 370 hộ dân tại đây còn tổ chức thành lập hàng chục tổ tự quản bờ bao. Các tổ này có nhiệm vụ thay phiên nhau thường xuyên kiểm tra các đoạn bờ bao để phát hiện và khắc phục kịp thời các sự cố, nhất là vào các ngày nước lớn. Cũng nhờ đó mà công trình đã phát huy hiệu quả tốt dù mới được đưa vào sử dụng hơn 2 tháng nay.
Yên tâm sản xuất
“Khi thực hiện công trình này, người dân tại đây rất nhiệt tình tham gia. Bởi họ thấy rằng việc xây dựng bờ bao là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ cuộc sống, mùa màng của chính họ”.
Ông Đặng Văn Khởi |
Theo người dân trong khu vực, những năm qua tại ấp Mỏ Ó thường xuyên xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng. Cứ mỗi lần có nước lớn, người dân tại đây đều đứng ngồi không yên.
“Vào giữa tháng 10 năm trước, nước ngập hết cả khu vực. Những ruộng dưa, đậu tại đây đều bị ngập trong nước, người dân mất trắng cả vụ. Trước đây tại khu vực này cũng có bờ bao nhưng có chỗ cao chỗ thấp và thường xuyên bị nước quyết qua. Người dân chưa bao giờ yên tâm sản xuất cho đến khi hoàn thành đoạn bờ bao dài hơn 3.000m cách đây hơn 2 tháng”- anh Triệu Văn Út, ngụ ấp Mỏ Ó cho biết.
Anh Lương Văn Chí (ngụ ấp Mỏ Ó) nói ngập úng đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây. Nông dân tại đây chủ yếu sống nhờ các loại cây như dưa hấu, đậu phộng, và các cây hoa màu khác. Cuộc sống vốn đã nghèo khó nhưng lại bị ngập úng làm cho khốn khó thêm. Tuy nhiên trong đợt nước lớn vừa qua, không xảy ra tình trạng tràn bờ, bể bờ nên người dân đã yên tâm hơn để sản xuất nông nghiệp.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân trong khu vực cho biết dù đoạn bờ bao chưa hoàn thiện nhưng đã phát huy hiệu quả. Do đó người dân đã yên tâm hơn để phát triển sản xuất, không còn sợ ngập như những năm trước đây.