ThienNhien.Net – Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 – 2020.
Cụ thể, chưa cân đối trước năm 2020 các dự án nguồn điện đối với các dự án nhập khẩu điện và các dự án nhà máy nhiệt điện đốt than chưa khẳng định được tiến độ thực hiện.
Các dự án nhà máy nhiệt điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn được đưa vào đồng bộ với dự án đưa khí từ Lô B vào bờ.
Bổ sung vào Quy hoạch điện VII các dự án: Điều chỉnh công suất của dự án Nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả 3 từ quy mô công suất 2×135 MW lên quy mô công suất 2×220 MW, đưa vào vận hành trong năm 2019; trạm cắt 500 kV Pleiku 2.
Các dự án nhà máy thủy điện, dự án nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo không thuộc phạm vi điều chỉnh tiến độ và danh mục tại quyết định này.
Các dự án điện cấp bách thực hiện đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2013 – 2020 được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù tại Quyết định này, bao gồm các dự án: Các dự án nhà máy nhiệt điện: Long Phú 1, Vĩnh Tân 4, Duyên Hải 3 mở rộng và trạm cắt 500 kV Pleiku 2; các công trình nguồn điện và lưới điện cấp bách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đề nghị của Bộ Công Thương.
Cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách
Các dự án điện cấp bách là các dự án đáp ứng 2 tiêu chí: 1- Dự án nguồn và lưới điện cần phải đưa vào vận hành gấp để chống quá tải cho một khu vực nào đó của lưới điện hoặc để bù đắp lượng công suất nguồn điện thiếu hụt do chậm tiến độ của các dự án điện khác; 2- Các dự án lưới điện cần đầu tư gấp để đảm bảo đồng bộ với các dự án nguồn điện hoặc có vai trò quan trọng trong việc điều hòa công suất nguồn điện giữa các khu vực.
Về công tác chuẩn bị đầu tư dự án, chủ đầu tư được phép áp dụng hình thức chỉ định thầu tư vấn trong nước cho các công việc sau: Các gói thầu dịch vụ tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn thẩm tra, thẩm định; các gói thầu liên quan đến công tác bồi thường, tái định cư; các gói thầu lập, thẩm tra, thẩm định thiết kế kỹ thuật; các gói thầu tư vấn lập báo cáo môi trường xã hội và tư vấn giám sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án.
Đối với các dự án nguồn điện cấp bách, song song với quá trình thẩm định phê duyệt dự án đầu tư, cho phép chủ đầu tư chủ động tổ chức việc lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật và triển khai thi công trước các hạng mục phụ trợ của dự án, gồm: Công trình hạ tầng giao thông nối đến mặt bằng dự án; công tác san gạt mặt bằng nhà máy; hệ thống cấp điện nước thi công; hệ thống thông tin liên lạc; cơ sở phụ trợ; khu nhà ở và làm việc ban đầu; bồi thường giải phóng mặt bằng và bồi thường, di dân tái định cư; hệ thống quan trắc, đo đạc và rà phá bom mìn. Dự toán các hạng mục công trình được duyệt, cho phép chủ đầu tư tổng hợp và đưa vào Tổng mức đầu tư và Tổng dự toán của Dự án.
Đối với các dự án lưới điện truyền tải cấp bách, cho phép chủ đầu tư triển khai một phần công tác khảo sát và tư vấn lập thiết kế kỹ thuật song song với quá trình thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, với điều kiện những phần công việc thực hiện trước phải phù hợp với phạm vi của phương án tuyến kiến nghị thực hiện theo văn bản thỏa thuận thỏa tuyến của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có dự án.
Về giá hợp đồng của các dự án nguồn điện cấp bách, giá Hợp đồng EPC của các dự án nhà máy điện cấp bách được thực hiện theo phương thức: Giá và chi phí cho thiết bị và dịch vụ nhập khẩu là giá trọn gói; giá cho phần xây dựng, lắp đặt và gia công chế tạo trong nước là giá điều chỉnh khi có biến động về tỷ giá, đơn giá nhân công và giá nguyên vật liệu đầu vào khác, đảm bảo đủ chi phí hợp lý cho thực hiện dự án.