ThienNhien.Net – Dựa trên kết quả nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện ở miền Trung đối với xã hội và môi trường, Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam vừa có khuyến nghị chính sách đến các nhà đầu tư và chính quyền địa phương, nhất là những người ra quyết định chính sách về tầm quan trọng của cộng đồng trong sự tham gia quy hoạch, triển khai và thực hiện các dự án thủy điện.
Khuyến nghị nêu rõ: Việc xây dựng các đập thủy điện đã làm gia tăng nhiều mối quan tâm, thực tế chỉ ra rằng đã có nhiều dự án thủy điện gây ảnh hưởng xấu đến môi trường và xã hội. Một số nghiên cứu thực địa tại tỉnh Quảng Nam và khu vực miền Trung đã cung cấp thêm cái nhìn đa chiều về các tác động xã hội và thiệt hại về môi trường do phát triển thủy điện gây nên.
Diện tích đất người dân được cấp sau khi xây dựng thủy điện rất ít và kém màu mỡ. Còn cộng đồng vùng hạ lưu cũng bị tác động nặng nề do phát triển thủy điện có thể gây ra lũ lụt và hạn hán làm thiệt hại về nhiều mặt cho người dân. Trong nhiều trường hợp, sự tham gia của cộng đồng người dân trong quy hoạch và trong quá trình ra quyết định là hạn chế, các cam kết bảo vệ môi trường đã không được tuân thủ.
Các dự án thủy điện cũng lấy đi một diện tích rừng lớn, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học ở đây. Thiệt hại về đời sống của người dân, các loài cá trên sông, rừng và các loài động vật hoang dã đã không được xem xét đầy đủ trong đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện.
Tổ chức Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam khuyến nghị, trong quy trình phê duyệt dự án thủy điện bắt buộc phải thực hiện và giám sát đánh giá tác động xã hội. Các ngành chức năng như Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Sở Tài nguyên và Môi trường cần quyết tâm hơn trong kiểm tra giám sát việc tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường của các nhà đầu tư, lôi cuốn người dân tham gia vào quá trình này.
Mặt khác, thúc đẩy một cách tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng địa phương trong suốt quá trình quy hoạch, triển khai và thực hiện các dự án thủy điện. Tiếng nói của cộng đồng địa phương phải được lắng nghe và xem xét thấu đáo. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch để tạo một quy trình ra quyết định được rõ ràng, minh bạch cho các bên.
Tính minh bạch sẽ bảo vệ cho cộng đồng bị ảnh hưởng và thúc đẩy sự công bằng, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân bị tái định cư và bị ảnh hưởng ở vùng hạ lưu. Chính quyền địa phương cũng cần theo dõi chặt chẽ từ quá trình quy hoạch, tiến hành xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện. Vì điều này sẽ giúp nhìn nhận các tác động một cách thấu đáo hơn, qua đó đưa ra các điều chỉnh kịp thời phòng tránh và giảm nguy cơ rủi ro cho môi trường và xã hội.