ThienNhien.Net – Liên minh Quốc tế về đấu tranh chống tội phạm loài hoang dã (ICCWC) vừa thông báo với sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thuỵ Điển, tổ chức này sẽ thực hiện chương trình “Hành động hổ mang” lần 2 ở châu Á (Thái Lan) và châu Phi (Kenya), dự kiến từ ngày 30.12.2013 – 26.1.2014. Đây là động thái được các nhà bảo vệ động vật hoang dã toàn cầu cho rằng rất cần thiết nhằm ngăn chặn việc xâm hại các loài hoang dã không chỉ ở châu Phi.
Những con số nhức nhối
Theo số liệu của cơ quan bảo vệ các loài hoang dã Tanzania, chỉ trong hai tháng qua, các cơ quan chức năng nước này đã thẩm vấn 952 nghi phạm săn bắt voi, tịch thu 104 chiếc ngà. Nhà thống kê của Công ước quốc tế về buôn bán các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), Kenneth Burman mới đây đã phát biểu trên chương trình truyền hình National Geographic rằng, rất có thể bọn săn trộm đã giết hại ít nhất 25.000 con voi châu Phi trong năm qua. Còn theo quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF), nhu cầu sừng tê đã dẫn đến cái chết của ít nhất 1.300 con tê giác mỗi năm.
Vào đầu những năm 1990, quần thể hổ của thế giới được ước tính là trên 100.000 con. Ngày nay, 97% quần thể này đã bị xoá sổ, chỉ còn dưới 3.200 con. Trong số tám loài hổ ban đầu, ba loài đã tuyệt chủng: hổ Bali, hổ Caspi và hổ Java. Việc giết hổ để lấy da, xương và các bộ phận cơ thể khác cung cấp cho thị trường chợ đen là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sự suy giảm quần thể hổ.
Đe doạ an ninh, gây rủi ro sức khỏe
Nhà sinh vật học và nhà bảo tồn động vật hoang dã Jeff Corwin (Mỹ), từng đoạt giải Emmy, tác giả cuốn Những câu chuyện đứng tim: Cuộc đua để cứu các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên trái đất cho biết, săn bắt trộm, đánh bẫy, giết hại hoặc bắt giữ bất hợp pháp động vật hoang dã có liên quan đến các dạng buôn bán bất hợp pháp khác: “Bất chấp những biện pháp thực thi pháp luật trong phạm vi một nước, nạn buôn bán này vẫn lan tràn như một bệnh dịch toàn cầu, trong đó, một động vật hoang dã bị giết ở rừng rậm châu Phi có thể có đích đến là các nhà hàng và các cửa hiệu ở châu Á”. Theo Jeff Corwin, khi bọn săn trộm giết một động vật hoang dã để lấy một bộ phận nhất định của con vật, như sừng của tê giác, xương của hổ hay ngà của voi, thì thiệt hại vượt xa cá thể con vật đó. Việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã có thể tàn sát cả một quần thể loài, đe doạ an ninh trong vùng, đem theo những rủi ro về sức khoẻ cho các cộng đồng người và khiến toàn bộ hệ sinh thái bị suy thoái.
Theo Jeff Corwin, bảo vệ động vật hoang dã nghe có vẻ xa xỉ ở những vùng mà bản thân con người đang phải vật lộn với chiến tranh, nạn đói hay dịch bệnh, song thực chất nạn buôn lậu động vật hoang dã còn gây ra bạo lực, khi mà tiền thu được từ việc săn trộm thường được sử dụng vào các mạng lưới tội phạm tài chính và vũ khí, gây mất ổn định thêm nữa trong vùng. Nạn buôn lậu động vật hoang dã cũng đe doạ cả an ninh kinh tế. “Nhiều vùng mà ở đó săn bắn trộm thịnh hành lại chính là những vùng phát triển nhờ du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Việc có ít động vật hoang dã hơn để du khách tham quan cùng với bạo lực tăng lên đã làm giảm khả năng phát triển và tồn tại của vùng với tư cách là một điểm du lịch hấp dẫn”, Jeff Corwin nói. Buôn bán bất hợp pháp cũng làm chuyển hướng dòng tiền khỏi các kinh doanh hợp pháp và thay vào đó lại trao tiền mặt vào tay tội phạm, làm chậm sự phát triển kinh tế. Nạn buôn lậu động vật hoang dã cũng gây rủi ro đối với sức khoẻ cộng đồng. Việc tăng số người bị bệnh dịch, chẳng hạn bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), cúm gia cầm và sốt xuất huyết do nhiễm virút Ebola, là do những tác nhân lây nhiễm đã lan truyền từ động vật sang người. Bằng mưu toan trốn tránh sự kiểm soát y tế cộng đồng, buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã còn sống hay những bộ phận cơ thể của chúng đã gây nguy hiểm cho sức khoẻ dân chúng.
Nhóm nhỏ dân chúng tạo ra tác động lớn
Theo Jeff Corwin, ít có cảnh tượng nào buồn thảm hơn hình ảnh còn lại sau hành động buôn lậu động vật hoang dã: một con tê giác chết nằm sóng sượt với lỗ thủng ở trán, nơi trước kia là chiếc sừng; một con hổ máu me đầm đìa vì lớp da lông vằn rực rỡ của nó đã bị lột đi; hoặc một con voi bị xẻ phanh phần mặt và chiếc vòi hùng dũng một thời của nó đã bị lấy mất…
Mặc dù gần đây việc buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã tăng lên, nhưng theo Jeff Corwin vẫn còn lý do để hy vọng. Tê giác trắng đã có lúc gần như tuyệt chủng, nay được cho là loài tê giác có nhiều nhất trên thế giới, nhờ sự cống hiến không mệt mỏi của những nhà bảo tồn động vật hoang dã cùng hợp tác cứu quần thể loài này tại các nơi trú ẩn và các khu bảo tồn ở khắp châu Phi. “Việc cứu các loài hổ, tê giác và voi, và nhiều loài khác đang có nguy cơ tuyệt chủng, đòi hỏi sự hợp tác vượt qua biên giới quốc gia. Bằng cách nâng cao nhận thức, đề ra các giải pháp và giảm thiểu nhu cầu, những nhóm nhỏ dân chúng đang tạo ra các tác động lớn nhằm ngăn chặn làn sóng buôn lậu động vật hoang dã”, Jeff Corwin kêu gọi.
Chương trình “Hành động hổ mang” lần 2 nhận được sự quan tâm tham gia của nhiều quốc gia: châu Phi (Botswana, Burundi, Congo, Ethiopia, Ghana, Kenya, Liberia, Malawi, Mozambique, Nam Phi, Tanzania, Uganda, Zambia); châu Á (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Nepal, Thái Lan, Việt Nam); và Cộng hoà Séc. |