ThienNhien.Net – Chủ trương xã hội hóa đầu tư đối với các dự án xử lý rác đã được thành phố Hà Nội thực hiện (đối với cả nước ngoài và trong nước), nhưng do có nhiều khó khăn cả chủ quan và khách quan nên rất ít nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Theo UBND thành phố Hà Nội, đến nay, Hà Nội chưa có dự án xử lý rác nào được triển khai thông qua hình thức đấu thầu, do những vướng mắc liên quan đến công nghệ, giá thành xử lý, quy hoạch ngành, đặc biệt là ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân nên khó thu hồi đất, trong khi đó dự án xử lý rác sinh lời ít, khó thu hồi vốn…
Các dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải hiện đang được xây dựng đều do nhà đầu tư tự đề xuất, phù hợp với quy hoạch hoặc do nhà đầu tư chủ động lập quy hoạch chi tiết và đề nghị UBND thành phố chấp thuận cho nhà đầu tư triển khai thực hiện. Đơn cử như: Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt được xây dựng tại Khu xử lý chất thải Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây; Nhà máy xử lý rác do Công ty Môi trường Thăng Long liên danh với Nhà máy Saraphin đầu tư, cải tạo lò đốt theo công nghệ lò đốt công nghiệp với công suất 300 tấn/ngày, đã đưa vào sử dụng từ 01/01/2012; Nhà máy đốt rác của Hợp tác xã Thành Công đầu tư, vận hành chính thức vào 8/2013; Dự án xử lý rác tại huyện Đan Phượng và Đông Anh; Dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt 2.000 tấn/ngày do Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC đầu tư tại khu xử lý rác thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn…
UBND thành phố Hà Nội cho biết: trong thời gian tới, nếu Quy hoạch xử lý chất thải rắn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt (đang báo cáo Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt) việc triển khai đầu tư các dự án xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội (trong đó có hình thức đấu thầu) sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang làm chủ đầu tư dự án xây dựng khu xử lý chất thải Đồng Ké, huyện Chương Mỹ. Dự án đang trong giai đoạn lập, trình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500. Sau khi quy hoạch chi tiết được phê duyệt và hoàn thành công tác chuẩn bị mặt bằng, sẽ thực hiện đấu thầu lựa chọn các nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác theo công nghệ hiện đại. Hiện đã có 13 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia.
Đề cập đến thông tin phản ánh về việc thành phố Hà Nội chậm định hướng công nghệ, chậm xác định tiêu chuẩn xử lý rác bằng phương pháp công nghiệp, chưa xây dựng được đơn giá trung bình của từng loại công nghệ xử lý rác, các chính sách khuyến khích xã hội hóa không đồng bộ đã gây khó khăn cho thực hiện chủ trương xã hội hóa xử lý, chế biến rác, UBND thành phố Hà Nội cho biết, h iện nay, việc xử lý rác bằng phương pháp không chôn lấp bao gồm nhiều công nghệ khác nhau, công tác xây dựng định mức, đơn giá phải dựa trên công nghệ cụ thể của từng nhà máy với cách tính các chi phí về vật liệu, nhân công, xe máy và thiết bị sử dụng theo quy định. Do đó, Hà Nội chưa thể xây dựng cùng một đơn giá cho các công nghệ xử lý khác nhau.
Tuy nhiên, từ thực tế hoạt động tại các dự án xử lý rác đang vận hành trên địa bàn, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát các quy định để xây dựng đơn giá chung (trung bình) cho từng loại công nghệ gắn với tiêu chuẩn đầu ra, theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực vệ sinh môi trường, tiết kiệm chi ngân sách, tránh thất thoát, lãng phí và dự kiến thực hiện trong năm 2014.