ThienNhien.Net – Gắn liền với quá trình Đánh giá tác động môi trường các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án có yếu tố tài trợ nước ngoài, tuy nhiên, hoạt động đánh giá tác động xã hội vẫn chưa được chú trọng tương xứng với vai trò và chức năng mà nó đảm nhiệm, đặc biệt chưa được luật hóa chính thức trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.
Chưa được chú trọng đúng mức
Hiện có nhiều định nghĩa về Đánh giá tác động xã hội, tuy nhiên, về cơ bản có thể hiểu Đánh giá tác động xã hội không chỉ là mô tả hiện trạng về các mặt văn hóa, xã hội và mà còn dự báo những ảnh hưởng đến xã hội có thể xảy ra trong trường hợp có một chính sách/hành động nào được thực hiện. Đánh giá tác động xã hội sử dụng nhiều phương pháp đánh giá khác nhau, đặc biệt là các phương pháp liên ngành khoa học xã hội nhân văn (dân tộc học, xã hội học, nhân học văn hóa…) nhằm phân tích, đánh giá bối cảnh kinh tế – xã hội trên cơ sở coi trọng sinh thái văn hóa, sinh thái tộc người và tri thức tộc người. Để thực hiện hoạt động đánh giá này, cần có sự tham gia của các bên liên quan nhằm đưa ra các khuyến nghị tác nghiệp cho dự án (được gọi là tham vấn cộng đồng).
Có thể nói, vai trò của Đánh giá tác động xã hội là tạo điều kiện cho các bên được tham gia một cách có hệ thống vào việc thiết kế và/hoặc thực hiện dự án nhằm tăng khả năng tiếp cận bình đẳng cho những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án. Thông qua phương thức đánh giá có sự tham gia, cộng đồng sẽ có cơ hội nêu khuyến nghị, đóng góp ý kiến để dự án vận hành hiệu quả, thiết thực hơn.
Đối với các dự án quốc tế, Đánh giá tác động xã hội (Social Impact Assessment – SIA) và các quá trình đánh giá như: Đánh giá tác động môi trường (Environmental Impact Assessment – EIA), Đánh giá tác động sức khỏe (Health Impact Assessment – HIA) hay Đánh giá tác động kinh tế (Economic Impact Assessment – EcIA) có vai trò tương đương và được phân tách khá độc lập. Tuy nhiên, khi xem xét và quyết định một dự án, Đánh giá tác động môi trường thường đi trước một bước và là thông tin đầu vào cho các quá trình đánh giá còn lại.
Ở Việt Nam, các hoạt động đánh giá được lồng ghép trong cùng quy trình Đánh giá tác động môi trường. Cụ thể, theo Luật Bảo vệ Môi trường và một số văn bản hướng dẫn dưới Luật, yêu cầu của một Báo cáo Đánh giá tác động môi trường ngoài nội dung về đánh giá tác động của việc thực hiện dự án đến các yếu tố về tài nguyên, môi trường còn bao gồm nội dung về đánh giá tác động tới cộng đồng và các yếu tố kinh tế – xã hội. Những nội dung này trên thực tế thuộc phạm vi của các quá trình đánh giá khác, đặc biệt là đánh giá tác động xã hội.
Nhận định về việc lồng ghép các hoạt động đánh giá, một số chuyên gia cho rằng, mặc dù phần đánh giá về kinh tế, văn hóa, xã hội được thực hiện xen ghép trong quá trình Đánh giá tác động môi trường nhưng hiện mới chỉ dừng ở mức tổng quan, tức tổng hợp số liệu đơn thuần chứ chưa phải là những phân tích, đánh giá mang tính dự báo về ảnh hưởng của dự án đối với các vấn đề dân cư, kinh tế, văn hóa, xã hội. Do đó, không ít tác động tiêu cực từ các dự án đã không được đánh giá, dự báo đầy đủ, để lại hậu quả dai dẳng về mặt kinh tế, xã hội cũng như đời sống dân cư. Thủy điện là một trong những câu chuyện điển hình cho thực trạng này.
Theo thống kê chưa đầy đủ, các công trình thủy điện trong nước đã làm ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người dân, thậm chí có dự án đòi hỏi di chuyển cả cộng đồng dân cư, tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế, xã hội, truyền thống văn hóa của cộng đồng. Hệ thống thủy điện phát triển ở khắp nơi, đặc biệt là khu vực miền Trung – nơi vốn có địa hình dốc, ngắn, hệ thống sông ngòi chằng chịt, hậu quả là khu vực này ngày càng phải đối diện với nhiều tai biến thiên nhiên phức tạp, khôn lường. Những hậu quả này xuất phát từ chính hệ quả của những dự án từ 5-10 năm trước hoặc xa hơn do không được thực hiện các quá trình đánh giá một cách đầy đủ và chặt chẽ, đặc biệt là Đánh giá tác động xã hội và Đánh giá tác động môi trường.
Điều đáng lưu ý là khi thực hiện tái định cư các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án thủy điện, nhiều chủ đầu tư không thực sự coi trọng công tác này nên dẫn tới nhiều bất cập trong quá trình thực thi, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Ngoài việc bố trí nhà ở, đất sản xuất thiếu hợp lý khiến bà con gặp nhiều khó khăn về việc duy trì sinh kế, không ít dự án còn “quên” cả không gian vĩnh hằng hoặc vô tình vi phạm vào không gian này bởi sự thiếu hiểu biết về văn hóa tộc người. Đơn cử như với đồng bào Kinh, khi di dời mồ mả, điều kiêng kỵ nhất là việc để thất lạc mộ. Tuy nhiên, với nhiều tộc người có phong tục bỏ mả, việc di dời mồ mả lại là điều tối kỵ trong tín ngưỡng và tâm linh. Vậy nhưng, khi triển khai dự án, không ít người Kinh đã xâm phạm vào rừng ma của tộc người, dẫn tới sự phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng, nhất là khi có nhiều sự việc ngẫu nhiên xảy ra như đau ốm, dịch bệnh, tai nạn, rủi ro…
Có thể thấy, việc tái định cư không chỉ đơn giản là tạo nơi ở mới với sự đền bù bằng cách quy hoạch đất đai để xếp đủ chỗ cho người dân mà còn phải lưu ý tới các yếu tố như: điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước, thậm chí địa hình và độ cao, vật nuôi cây trồng… – những thứ cộng đồng vốn đã quen và thích ứng bao đời. Nói cách khác, việc tạo sinh kế nếu chỉ làm cho đủ thủ tục mà không tính đến trình độ, văn hóa và tri thức bản địa thì sẽ trở thành gánh nặng khiến người dân càng trở nên nghèo khó, bất tiện hơn.
Những bất cập nảy sinh trong quá trình thực thi dự án – theo nhận định của các chuyên gia – xuất phát từ hai nguyên nhân chính là sự thiếu rõ ràng trong cơ chế thực hiện và thiếu sự đánh giá nghiêm túc về mặt xã hội khi triển khai các dự án.
Về vấn đề cơ chế, phần đánh giá tác động xã hội mặc dù được lồng ghép trong quá trình Đánh giá tác động môi trường song chỉ đơn thuần yêu cầu mô tả hiện trạng kinh tế – xã hội nơi thực hiện dự án, trong đó chủ yếu là việc tổng hợp số liệu về các hoạt động kinh tế địa phương, nghề nghiệp, thu nhập các hộ bị ảnh hưởng, đặc điểm các dân tộc, tỷ lệ hộ nghèo… Tuy nhiên, hoạt động đánh giá tác động xã hội trên thực tế không chỉ bao gồm những nội dung như vậy mà còn phải phân tích kỹ hiện trạng nơi tái định cư nhằm gợi mở hướng phát triển sinh kế phù hợp với tập quán canh tác của bà con, đồng thời xem xét thấu đáo vấn đề về văn hóa tộc người (đối với các dự án triển khai tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số) nhằm đảm bảo đời sống văn hóa tinh thần cho bà con, giúp họ yên tâm định cư và phát triển sản xuất.
Ngoài vấn đề về cơ chế, việc đánh giá thiếu đầy đủ và nghiêm túc về khía cạnh kinh tế – xã hội khi triển khai dự án cũng khiến hoạt động đánh giá tác động xã hội không đạt được hiệu quả như mong muốn. Điều này trước tiên nằm ở việc các dự án không thực hiện tham vấn cộng đồng hoặc thực hiện nhưng chỉ làm chiếu lệ, hình thức.
Bên cạnh đó, do các cơ quan tư vấn thường bị lệ thuộc vào nguồn tài chính của chủ dự án nên làm hạn chế phần nào tính độc lập, khách quan, thậm chí tính phản biện khi thực hiện đánh giá tác động xã hội cũng như xây dựng báo cáo Đánh giá tác động môi trường. Báo cáo Đánh giá tác động môi trường với các khía cạnh về môi trường, kinh tế, xã hội… lúc này chủ yếu làm theo đơn đặt hàng của chủ dự án nên mang tính đối phó với thủ tục của cơ quan nhà nước nhiều hơn là thực chất.
Điểm đáng lưu ý hơn là khía cạnh đánh giá tác động xã hội vẫn chưa được chú trọng đúng mức, do đó, hoàn toàn dễ hiểu khi mối liên kết giữa các chuyên gia tự nhiên và xã hội trong việc thực hiện đánh giá tác động xã hội cũng như xây dựng báo cáo Đánh giá tác động môi trường còn khá lỏng lẻo, đặc biệt là sự thiếu vắng của các chuyên gia xã hội trong nhiều hội đồng thẩm định báo cáo Đánh giá tác động môi trường các dự án.
Cần sớm được luật hóa
Trên thực tế, Đánh giá tác động xã hội hoàn toàn có thể được thực hiện độc lập bằng các phương pháp chuyên ngành tương đương với Đánh giá tác động môi trường nhằm xem xét, phân tích đầy đủ các yếu tố tác động của việc thực hiện dự án tới đời sống cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng.
Cụ thể, trong Đánh giá tác động môi trường, các chuyên gia thường phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo về môi trường nền, các môi trường thành phần, đồng thời xem xét sự tác động mà các dự án sẽ gây ra cho môi trường tự nhiên thì trong Đánh giá tác động xã hội, các chuyên gia xã hội cũng phân tích, đánh giá môi trường xã hội với các vấn đề đặc thù như: dân cư – dân tộc, văn hóa tộc người, sinh thái tộc người, sinh thái văn hóa, phong tục tập quán, trình độ nhận thức, tài chính, hoạt động sinh kế của cộng đồng, đền bù, tái định cư, an ninh – an toàn xã hội, dịch vụ xã hội.
Hoặc trong Đánh giá tác động môi trường, các chuyên gia về tự nhiên sử dụng phương pháp thực địa, quan sát và quan trắc để có được bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác để lập báo cáo đánh giá thì trong Đánh giá tác động xã hội, các chuyên gia xã hội cũng dùng phương pháp thực địa, quan sát và phương pháp liên ngành khoa học xã hội để thu thập dữ liệu định lượng, định tính, đồng thời giúp tạo dựng hệ thống phản hồi thông tin từ cấp cơ sở ở cộng đồng với chủ dự án, gắn trách nhiệm của các bên liên quan, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan quản lý.
Nhằm giúp quá trình đánh giá các tác động của việc thực hiện dự án phát triển đảm bảo khách quan, hiệu quả hơn, thiết nghĩ bên cạnh quá trình Đánh giá tác động môi trường như hiện nay cần sớm luật hóa các quá trình đánh giá tác động khác, trong đó có Đánh giá tác động xã hội. Các quá trình đánh giá này cần được quy định riêng biệt, cụ thể, đồng thời sớm đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp thực hiện giữa các quá trình trong khi xem xét, phê duyệt một dự án.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát và thực hiện tốt khâu hậu thẩm định Đánh giá tác động xã hội với cơ chế phản hồi hai chiều: từ trên xuống (cung cấp thông tin đầy đủ, công khai và minh bạch về dự án, kế hoạch hành động của dự án để cộng đồng nắm được) và từ dưới lên (tiếp thu ý kiến của cộng đồng, cụm dân cư, cá nhân… bằng nhiều con đường) nhằm giúp quá trình triển khai, thực hiện dự án đảm bảo hiệu quả.
Ths. Nguyễn Hồng Anh, Viện Khoa học Xã hội vùng Trung Bộ