ThienNhien.Net – Những rừng thông chắn sóng ven biển Quảng Nam đang đứng trước nguy cơ bị hủy diệt, thậm chí người dân còn sẵn sàng phá vườn, dỡ nhà, dùng xe cơ giới đào múc, lót bạt xây hồ để nuôi tôm trái phép; không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà lá chắn sóng gió, bão lớn cũng không còn. Điều đáng nói là sự vào cuộc của chính quyền quá chậm, không biết đến bao giờ tình trạng này mới chấm dứt.
Bất chấp tất cả!
Không riêng gì ông Tư mà nhiều hộ dân ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành (Quảng Nam) san ủi mặt bằng, xây dựng hồ lót bạt nuôi tôm đều vi phạm. Nhiều hộ dân cho rằng, đất vườn của họ thì họ có quyền làm! Đáng lo ngại, để có các hồ nuôi tôm, nhiều hộ đã chặt cả rừng thông ven biển, phá cả rừng cây vườn nhà và thậm chí tháo dỡ nhà để thuê xe múc, xe ủi vào đào bới, xây dựng ao. |
Tại Quảng Nam, giá tôm thẻ chân trắng vài năm trở lại đây tăng cao, từ 50.000 đồng/kg rồi lên 100.000 đông/kg đến nay đã là 160.000 đồng/kg. Vì thế hàng trăm hộ dân vùng ven biển huyện Núi Thành, Thăng Bình đã bất chấp vi phạm đua nhau chặt phá rừng thông ven biển, xây dựng hồ lót bạt nuôi tôm trái phép.
Đi dọc các địa phương ven biển chúng tôi thật sự ngỡ ngàng khi thấy cảnh những rừng thông lâu năm là lá chắn cho chính sự sống của người dân nơi đây lại bị họ hủy diệt. Ông Ngô Đình Tư, thôn Hà Quang, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành chân tình: “Việc nuôi tôm thẻ chân trắng ven sông Trường Giang diễn ra dịch bệnh liên tiếp khiến chúng tôi bị lỗ nặng và đành gác nghề. Thế nhưng hai năm lại đây thấy người dân địa phương nuôi tôm thẻ chân trắng bằng hồ lót bạt trúng đậm. Mỗi vụ chí ít cũng thu lãi hàng trăm triệu đồng. Nên ba anh em tôi quyết định dùng 10 sào đất vườn nằm ven biển xây dựng 4 hồ để nuôi tôm”.
Khi chúng tôi hỏi, các anh phá rừng thông, đào hồ rồi nuôi tôm không có phép, không sợ chính quyền xử lý hay sao? Ông Tư cho biết: “Khó khăn lắm mới xây được 4 hồ này, chúng tôi phải chạy vạy vay mượn trên 500 triệu đồng thuê xe cày ủi, mua bạt lót hồ, mua tôm giống. Các lực lượng chức năng kiểm tra, lập biên bản, đình chỉ. Nhưng ban ngày họ truy thì mình làm ban đêm, đến khi thành hồ thả tôm không lý họ san bằng của dân hay sao? Đợt tôm vụ đầu tôi mới xuất bán thu hơn 1,6 tỷ đồng, lãi gần 500 triệu. Nuôi tôm kiểu này thua lỗ 3 vụ, trúng 1 vụ cũng có lời, nên anh em tôi cứ thế mà làm”!
Không riêng gì ông Tư mà nhiều hộ dân ở xã này san ủi mặt bằng, làm hồ lót bạt nuôi tôm đều vi phạm. Nhiều hộ dân cho rằng, đất vườn của họ thì họ có quyền làm! Đáng lo ngại, để có các hồ nuôi tôm, nhiều hộ đã chặt cả rừng thông ven biển, phá cả rừng cây vườn nhà và thậm chí tháo dỡ nhà để thuê xe múc, xe ủi vào đào bới, xây dựng ao. Ông Nguyễn Hải và ông Nguyễn Phu, ở thôn Lộc Đồng, xã Tam Tiến cho biết: “Hồ tôm của chúng tôi, ngày trước là một rừng dương liễu, nhưng đành chặt bỏ để lấy đất xây hồ. Hồ này có diện tích 2 sào, hiện đang trong giai đoạn hoàn thành để cho kịp thả nuôi vụ tôm đầu!”.
Khó xử lý triệt để!
Qua tìm hiểu được biết, 1 ha tôm nuôi trong hồ lót bạt, từ 3 đến 4 vụ/năm, năng suất từ 10-20 tấn/ha/vụ thì có tổng doanh thu từ 3-5 tỉ/ha/năm, lợi nhuận từ 1,5 tỉ-2,5 tỉ/ha/năm. Vì thế mà nhiều người dân đã bất chấp tất cả để đào hồ nuôi tôm. Ông Nguyễn Giúp, Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, huyện Núi Thành, cho biết: “Toàn xã có khoảng có khoảng 18,2 ha nuôi tôm lót bạt trái phép của 225 hộ dân”. Còn theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, đến nay, diện tích nuôi khoảng 222ha với hơn 674 hộ, đa số đều nuôi trái phép hoặc vi phạm về môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái phép. Việc nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển đã thật sự gây hậu quả nghiêm trọng như tạo điều kiện cho triều cường tấn công, gió bão tàn phá, biển sẽ xâm thực sâu vào đất liền; hiện tượng mặn hóa nguồn nước ngọt ngầm; gây ô nhiễm môi trường và bệnh trên tôm nuôi khó kiểm soát, quá trình lây lan khó khống chế, làm ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ nuôi tôm vùng triều.
Trước sự việc trên, ông Nguyễn Văn Truyền – Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua kiểm tra của các cơ quan chức năng cho thấy, việc nuôi tôm thẻ chân trắng trái phép ven biển là có thật. UBND tỉnh Quảng Nam đã văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển; các sở, ban ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những hộ chặt rùng thông và các loại cây trồng khác ven biển, chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi, đào ao nuôi tôm trái phép; kiểm tra việc cấp phép, xứ lý tịch thu các loại xe ủi, xe múc đang san ủi làm ao nuôi tôm; kiểm tra, xử lý đình chỉ ngay các hộ nuôi tôm trái phép, không xây dựng hệ thống xử lý nước thải và thải không qua xử lý ra môi trường. Yêu cầu những hộ dân đang nuôi tôm phải cam kết khi hết chu kỳ phải dừng ngay, nếu không chấp hành bị phạt; nghiêm cấm triệt để việc tạo hồ nuôi mới…
Thế nhưng dư luận vẫn đặt ra câu hỏi, với tầm quan trọng của rừng phi lao ven biển và tác động xấu của việc nuôi tôm ven biển về môi trường, tại sao ngay từ đầu chính quyền địa phương đã không triệt để xử lý, đến giờ này sự việc đã tràn lan liệu có xử lý được hay không và đến bao giờ mới có lại được những rừng phi lao ven biển để chắn gió bão?