ThienNhien.Net – Đó là nhận định mới nhất của ông Nguyễn Ngọc Truyền – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn tỉnh Quảng Nam. Bởi trận lũ lịch sử vừa qua đã gây ngập nặng ở hạ du và người dân cho rằng, nguyên nhân chính là do thủy điện xả lũ, thế nhưng các cơ quan chuyên môn thì lại bảo, thủy điện xả lũ đúng quy trình.
Ngập nặng hạ du có tên thủy điện
Chiều ngày 2-12, tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên là thủy điện xả lũ trong trận lũ vừa qua có gây nên ngập nặng cho hạ du hay không? Ông Nguyễn Ngọc Truyền – Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn tỉnh Quảng Nam đã thẳng thắn: “UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có ý kiến trận lũ vừa qua gây thiệt hại cho vùng hạ du, trong đó quy trình xả lũ có vấn đề. Thực tế, việc gây ngập ở hạ du, nước lũ lên nhanh là có phần thủy điện, nguyên nhân là do quy trình đề ra chưa phù với điều kiện cụ thể của địa phương”. Tuy nhiên, qua kiểm tra của cơ quan chức năng, quy trình xả lũ của thủy điện lại đúng.
Như vậy, chính quyền địa phương đã chính thức có ý kiến về vấn đề này, nhấn mạnh đến quy trình xả lũ của thủy điện có vấn đề. Thế nhưng các chủ dự án thủy điện đều cho rằng, thủy điện xả lũ đúng quy trình, thậm chí các cơ quan chức năng đi kiểm tra cũng đánh giá, hầu hết các hồ ở khu vực Quảng Nam đều thực hiện được chức năng cắt lũ, không làm nặng thêm tình trạng lũ cho vùng hạ du trong thời gian mưa lũ vừa qua và không vi phạm quy trình vận hành hồ chứa khiến người dân không khỏi băn khoăn, lo lắng.
Bức xúc trước vấn đề này, ông Nguyễn Quang Anh ở xã Đại An, huyện Đại Lộc cho biết: “Tui năm nay đã 73 tuổi rồi, từ hồi chưa có thủy điện thì không mắc chi trời nắng phải chạy lũ. Còn mùa mưa lũ, mấy ổng xả lũ cộng với trời mưa to chỉ có nước bỏ của chạy lấy người!” Đó cũng là nỗi niềm của rất nhiều người dân vùng hạ du. Thực tế cho thấy, trận lũ mới đây nhất, Quảng Nam đã có đến 5 người chết và 1 người mất tích. Về tài sản có 79.910 ngôi nhà bị ảnh hưởng, 152,4ha lúa bị thiệt hại, 1.039ha hoa màu bị ngập úng và hư hại, 155 tấn lương thực bị ngập và hư hỏng.
Chỉ tính riêng xã Đại Cường, theo bà Võ Thị Thúy Nguyệt, Chủ tịch UBND xã: “Mưa lớn cùng với các hồ thủy điện xả lũ gây ngập nặng, chia cắt và cô lập toàn bộ địa bàn xã. Có đến 1.910 ngôi nhà dân bị ngập nước sâu và gây thiệt hại khoảng 3,7 tỷ đồng”. Còn theo UBND huyện Phước Sơn: “Trong trận lũ ngày 15-11, để đảm bảo an toàn cho hồ, đập, Ban quản lý dự án Nhà máy Thủy điện Đắk Mi 4 đã xả tràn về vùng hạ lưu xã Phước Hiệp có lúc lên đến 714 m3/giây và cộng với lượng mưa trên diện rộng đã gây sạt lở nghiêm trọng vùng hạ lưu”.
Dân có thể kiện thủy điện
Ông Truyền cũng khẳng định: Xét về nguyên tắc ai gây ra thiệt hại người đó phải bồi thường, thủy điện gây ra thì phải có trách nhiệm bồi thường. Còn người dân khiếu nại tố cáo là quyền của công dân miễn sao làm đúng quy định của Luật Khiếu nại, Tố cáo. Làm sai mà không bồi thường thì phải kiện”.
Về vấn đề này, trước đó, ngày 25-11, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn gửi Tổng Công ty đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp (IDICO) – chủ đầu tư nhà máy thủy điện Đăk Mi 4, yêu cầu đơn vị này hỗ trợ kinh phí khắc phục việc xả lũ gây thiệt hại cho người dân ở một số xã trên địa bàn huyện Phước Sơn. Theo đó, hỗ trợ kinh phí làm đường và hỗ trợ cho 25 hộ dân tại khu tái định cư thủy điện Đắk Mi 4. Ngoài ra, đối với 13 hộ dân ở xã Phước Hiệp đề nghị thủy điện Đắk Mi 4 xem xét xây dựng khoảng 150m kè hoặc giải quyết kinh phí để di dời đến nơi ở mới cho 13 hộ bị sạt lở ngày 15-11.
Thế nhưng các chủ đầu tư lại từ chối thẳng thừng các yêu cầu này. Cụ thể, khi UBND huyện Phước Sơn tổ chức họp với đại diện của Ban quản lý Thủy điện Đắk Mi 4 để giải quyết việc thủy điện xả lũ làm nhà dân bị sạt lở xuống sông, đại diện Thủy điện Đắk Mi 4 lại cho rằng nguyên nhân là do mưa lũ tự nhiên, không liên quan đến thủy điện.
Nếu nói vậy, người dân vẫn phải gánh chịu mọi hậu quả?