Lâm tặc đại náo rừng thông

ThienNhien.Net – Rừng thông tại tiểu khu 96 do Lâm trường Đắk Pô Cô, huyện Đắk Glei (thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đắk Glei) có diện tích khoảng 27ha được trồng từ năm 1978 – 1980, thuộc rừng sản xuất cấm khai thác. Khu rừng này cách trung tâm xã Đắk Pét chỉ vài trăm mét và cách trung tâm huyện Đắk Glei chỉ khoảng 3km. Tuy nhiên, hàng chục ha của cánh rừng này đang bị chặt hạ không thương tiếc trước sự bất lực của đơn vị quản lý và lực lượng chức năng.

051213_rungthong
Cánh rừng thông bị chặt hạ chỉ còn trơ gốc

Rừng kêu cứu

Chúng tôi nhận được đơn thư của một người dân ở huyện Đắk Glei (Kon Tum) xót xa, bức xúc trước cảnh cánh rừng thông 35 năm tuổi đang bị lâm tặc tàn phá. Đây là khu rừng nằm giáp ranh giữa thị trấn Đắk GLei và xã Đắk Pét.

Men theo con đường mòn sau trường THPT Dân tộc nội trú huyện Đắk Glei, chúng tôi có mặt tại tiểu khu 96, thuộc khu vực thôn Đông Thượng xã Đắk Pét và thôn Đông Sông thị trấn Đắk Glei (huyện Đắk Glei).

Tại hiện trường, từng cây thông lớn bị san phẳng, những gốc cây thông đường kính từ 30 -50cm mới bị chặt hạ đang còn rỉ nhựa còn trơ lại gốc, ngọn nằm la liệt chắn cả đường đi.

Nhiều khúc gỗ thông lớn đã được cắt hai đầu, cắt thành từng khúc 3 – 4m đang chờ được chuyển đi. Tại khoảng rừng thuộc địa phận thôn Đông Thượng, xã Đắk Pét, các khoảng đồi rừng thông chỏ còn lèo tèo vài cây nhỏ.

Ngoài những gốc cây thông lớn mới chặt, bên cạnh là hàng loạt những gốc thông to đã bị chặt hạ từ lâu đã bắt đầu mục, cỏ tranh đang mọc xanh um.

Chúng tôi tiếp tục đi sâu vào khu rừng còn nhiều cây, phát hiện một số cây nằm ngay sát mép đường bị một số người dùng phương thức ken cây, cắt vỏ ở gốc chờ cây thông chết dần để khai thác.

Lối mòn nhỏ giữa rừng (cách đường mòn khoảng 15 – 20m) nhưng cây thông to đã bị chặt hạ, cưa thành từng khúc chờ vận chuyển. Ven đường lên đồi, một số cây thông lớn cũng bị một lâm tặc chặt hạ lá thông còn tươi, gốc vẫn rỉ nhựa nhưng chưa kịp vận chuyển nằm ngang bìa rừng.

Trước cảnh những cây thông 35 năm tuổi bị chặt hạ không thương tiếc chúng tôi cảm thấy thật xót xa.

Chúng tôi tìm đến một số hộ dân để tìm hiểu thực tế tình trạng phá rừng tại khu vực này. Theo nhiều người dân thì lâm tặc thường khai thác vào chiều và đêm các ngày, đặc biệt những ngày mưa to thì lâm tặc lại vào rừng thông chọn những cây to đẹp để đốn hạ.

Mỗi lần như vậy chúng đều cắt cử người ở đầu đường canh gác, nếu thấy bóng dáng cán bộ lâm trường, kiểm lâm thì gọi điện thông báo cho đồng bọn lẩn trốn.

Một số người dân cho biết: Chúng tôi sống ở khu vực này đã lâu, thời gian gần đây gần như ngày nào chúng tôi cũng nghe thấy tiếng cưa vang vọng bên tai sau đó tiếng ầm ầm của cây đổ. Những tiếng đó thường xuất hiện đêm khuya, rạng sáng.

Thậm chí có hôm trời mưa thì những tiếng này càng nhộn nhịp hơn. Thấy những cánh rừng thông bị chặt hạ chúng tôi cũng xót lắm nhưng không dám ngăn chặn vì bọn lâm tặc liều lắm…

Đơn vị quản lý bó tay

Những cây thông to đường kính 30 - 40cm mới bị chặt hạ vẫn còn ngổn ngang
Những cây thông to đường kính 30 – 40cm mới bị chặt hạ vẫn còn ngổn ngang

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc Lâm trường Đắk Pô Kô, đơn vị chủ rừng tại tiểu khu 96 thừa nhận rất khó ngăn chặn và đã dùng “hết cách”. Ông Thành cho biết: Lâm tặc thường lợi dụng đêm tối, trời mưa để khai thác, vận chuyển.

Mỗi lần khai thác nhỏ lẻ, chỉ một vài cây, nên khi phát phát hiện và bắt giữ chỉ 2 -3 khúc nên “chẳng làm được gì”. Chúng tôi đã làm nhiều cách để ngăn chặn, thậm chí còn dùng cả cách “đóng đinh vào thân cây” để khi về xẻ sẽ làm hư hỏng cưa nhưng vẫn không ăn thua”! Tuy nhiên, tình trạng khai thác nhỏ lẻ vẫn xảy ra.

Cũng theo ông Thành, các đối tượng lâm tặc rất manh động, khi bị bắt sẵn sàng chống trả, đe dọa để cướp lại gỗ. Ông Thành đưa ra bằng chứng là đã có 2 vụ cán bộ của lâm trường bị lâm tặc đánh trọng thương.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei: Khoảng hơn 1 năm trở lại đây rừng thông bị một số người khai thác ken cây, lấn chiếm đất làm nương rẫy trái phép.

Mới đây lợi dụng mưa bão số 10 – 2013, lâm tặc khai thác hơn 21m3 gỗ thông, hiện đã bị kiểm lâm huyện Đắk Glei bắt giữ, đang hoàn tất thủ tục chuẩn bị khởi tố, tuy nhiên không bắt được đối tượng khai thác.

Được biết, UBND huyện Đắk Glei cũng thường xuyên chỉ đạo đơn vị chức năng, đơn vị quản lý cần có biện pháp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương nhưng tình trạng khai thác rừng thông khá phức tạp mà đơn vị chức năng chưa có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

“Chẳng lẽ lại “bó tay” để cánh rừng thông 35 năm tuổi sẽ trở thành cánh rừng “trọc”!?.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glei, từ đầu năm đến nay đơn vị đã phát hiện xử lý 133 vụ phá, lấn chiếm rừng trái phép, trong đó có 15 vụ khởi tố hình sự. Diện tích rừng bị mất 48,1 ha thuộc chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất, xử phạt hơn 1,9 tỷ đồng. Tuy nhiên việc thu tiền xử phạt là rất khó bởi các đối tượng chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo.