ThienNhien.Net – Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói chung, huyện Đức Cơ nói riêng chuyện “lâm tặc” triệt hạ những cánh rừng đầu nguồn, rừng nguyên sinh ngày một “nóng” lên, mặc dù chính quyền địa phương đã kiểm tra, xử lý một số cán bộ có liên quan, nhưng xem ra chưa đủ sức răn đe. Những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ vẫn tiếp tục bị triệt phá…
Ngang nhiên vận chuyển gỗ về làng
Một ngày cuối tháng 11-2013, chúng tôi có mặt tại làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ (Gia Lai), một trong những địa bàn được coi là “nóng” nhất ở vùng biên giới tiếp giáp với nước bạn Cam-pu-chia về nạn khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Chỉ cách trụ sở Ban quản lý bảo vệ rừng Đức Cơ khoảng 2km (từ Quốc lộ 19 rẽ vào Quốc lộ 14C), chúng tôi gặp rất nhiều thanh niên đi xe máy độ chế (tăng lò xo phuộc nhún, thay yên bằng hai thanh sắt dài và cũng thay luôn hai bánh trước, sau…), chạy ào ào vào những khu rừng trước đó. Lâu lâu lại gặp một xe máy chở từng lóng gỗ (dài hơn 2m, đường kính từ 30 – 35cm) chạy qua làng Bi rồi rẽ về những nơi cất giấu.
Hỏi một người đi xe máy đang chở gỗ đi trên đường: Các anh chở gỗ thế này mà không sợ bị kiểm lâm bắt à? Không một chút đắn đo, anh ta trả lời: “Bắt chi tụi em với mấy khúc gỗ nhỏ này. Ở đây, đêm đến có người còn chở cả xe gỗ lớn đi tiêu thụ mà cũng không thấy ai hỏi, ai bắt gì cả?”. Nói rồi, anh ta lao vội đi cho những chuyến gỗ tiếp theo. Chúng tôi tiếp tục đi theo Quốc lộ 14C. Hai bên đường, hàng trăm héc-ta rừng bị tàn phá nham nhở. Đoạn đầu đỉnh núi “con Gà”, nơi rẽ vào Đội 20 của Công ty 72 (Binh đoàn 15) hàng trăm cây gỗ vừa mới bị triệt hạ, gốc còn tứa đầy nhựa. Số cây to thì lâm tặc dùng cưa xăng xẻ thành hộp, thành khúc chở đi bán, số cây nhỏ thì người dân địa phương tận thu đưa về nhà sử dụng. Chúng tôi được biết, ở đây lâm tặc tàn phá rừng với hai mục đích chính: Lấy gỗ đem bán, lấy đất trồng mì một thời gian, rồi lại đem bán cho người khác để trồng cao su. Nhằm che mắt các cơ quan chức năng, bọn chúng triệt phá cây rừng cách trục Quốc lộ 14C khoảng 50-70m. Đi ngoài đường không nhìn kỹ, nhiều người sẽ không phát hiện ra.
Không giấu nổi bức xúc, anh Nguyễn Văn An, một người dân địa phương cho biết: “Từ đầu năm đến nay diễn ra tình trạng một bộ phận thanh niên trong vùng ngang nhiên vào những cánh rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ triệt hạ những cây gỗ quý, rồi xẻ tận gốc, theo kích cỡ từ 30-35cm, dài hơn 2m; lợi dụng đêm tối, dùng xe máy độ chế để chở gỗ đi tiêu thụ”. Cũng theo anh An, mỗi đêm ít nhất có hàng chục lượt xe chở gỗ lậu đi qua làng Bi. Trong làng, người dân nào cũng biết, chính quyền địa phương cũng biết, nhưng ai nói ra, hoặc có hành động nhằm ngăn chặn thì sẽ bị bọn lâm tặc trả thù bằng nhiều cách. Cũng có lần, thấy lực lượng kiểm lâm về “rình bắt”, bọn chúng ngưng hoạt động. Nhưng khi kiểm lâm rút đi, rừng lại tiếp tục bị tàn phá.
Ý kiến của cơ quan chức năng
Để trao đổi về vấn đề này, chúng tôi đã đăng ký làm việc với ông Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ (Gia Lai), nhưng ông Chủ tịch “bận họp” và hẹn “vào dịp sau”. Ông hạt trưởng kiểm lâm cũng “bận họp” và giao lại cho ông phó hạt trưởng làm việc với chúng tôi. Nói về vấn đề “lâm tặc” ngang nhiên tàn phá rừng, vận chuyển gỗ lậu ngay trước mặt cơ quan quản lý rừng, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Phó hạt trưởng hạt kiểm lâm Đức Cơ cho biết: “Chuyện người dân phản ảnh về hành vi phá rừng và vận chuyển gỗ lậu ở đây là đúng. Do biên chế ở trạm chưa đủ, nên việc tuần tra, theo dõi, ngăn chặn hay bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn. Số lượng xe độ chế ở đây rất nhiều. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã kiểm tra, chỉ đạo công an bắt giữ xe độ chế, nhưng cũng rất khó, chúng hoạt động về đêm, có lúc hơn 100 chiếc. Có thời gian, chúng tôi đã kết hợp với Ban quản lý bảo vệ rừng, công an truy bắt được một số đối tượng cùng hiện vật như, xe máy độ chế đang chở gỗ lậu, nhưng không đủ yếu tố để khởi tố, chỉ đề nghị xử phạt hành chính. Có lúc bắt xe, thu gỗ thì bà con địa phương kéo ra cả trăm người bao vây, đánh cán bộ trạm bị thương. Để bảo vệ tính mạng, chúng tôi đành phải thả phương tiện và số gỗ tang vật thu được…”.
Để cứu những cánh rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn quý hiếm còn lại trên một số địa bàn, đặc biệt là địa bàn các huyện biên giới như Đức Cơ, Ia Grai, Chư Prông, chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng của tỉnh Gia Lai nhanh chóng vào cuộc. Rừng càng mất đi, thì cuộc sống của chúng ta ngày càng bị đe dọa…