ThienNhien.Net – Tham gia Sáng kiến minh bạch trong ngành công nghiệp khai thác (EITI) từ những ngày đầu cùng với Ghana và Nigeria, đến nay, trải qua 10 năm, Azerbaijan đang là một trong số ít quốc gia được xác nhận tuân thủ đầy đủ chuẩn mực của bộ tiêu chuẩn này. Chưa kể, đây còn là nước công bố nhiều báo cáo EITI nhất trong số 40 nước tham gia. Tuy nhiên, những thành tích của Azerbaijan đang được đánh giá là mới chỉ dừng ở bề nổi vì chưa tạo nên những thay đổi thực sự.
Những ai lần đầu đặt chân đến thủ đô Baku của Azerbaijan có thể sẽ bị choáng ngợp bởi những dãy nhà với vẻ ngoài mới mẻ, hào nhoáng. Đây chính là kết quả của chiến dịch “làm đẹp” đầy tham vọng mà Chính phủ nước này khởi xướng, bắt đầu từ Baku. Thế nhưng khi đi vào trong, ta sẽ dễ dàng nhận ra mọi thứ vẫn thế, vẫn vẹn nguyên hơi thở, kiến trúc thời kỳ còn là một nước cộng hòa thuộc Liên Xô (cũ).
Cũng có thể thấy một cách “làm đẹp” tương tự khi nhìn vào kết quả thực hiện EITI – bộ tiêu chuẩn tự nguyện có tính toàn cầu nhằm thúc đẩy tính minh bạch nguồn thu và trách nhiệm giải trình trong ngành khai thác khoáng sản ở các quốc gia giàu tài nguyên – của đất nước này.
Azerbaijan là nước tham gia EITI đầu tiên, đạt trạng thái tuân thủ đầu tiên và cũng là nước đầu tiên sở hữu lượng báo cáo EITI nhiều nhất (17 báo cáo trong vòng 10 năm). Cách đây chừng 2 tháng, Azerbaijan cũng đã được ghi nhận là quốc gia đầu tiên tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm tham gia EITI.
Nếu cứ theo bề ngoài mà xét thì trong suốt 10 năm ấy, Azerbaijan đã gây dựng được một hình ảnh đẹp, một bảng thành tích sáng sủa về quá trình tham gia EITI trong mắt bạn bè quốc tế. Song, theo Liên minh Công bố các khoản chi trả (PWYP) do Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu (GW) khởi xướng, những hoạt động bề nổi của Azerbaijan thực chất chưa đem lại thay đổi đáng kể cho ngành khai khoáng, xã hội dân sự hay cho người dân nước họ. Nếu có chăng thì chỉ là tạo ra được cái danh khi tham gia một bộ tiêu chuẩn minh bạch quốc tế, giới thiệu được sáng kiến mới, xây dựng được khung cơ bản để Chính phủ, xã hội dân sự và các công ty cùng nhau hợp tác thực thi sáng kiến, công khai được một số thông tin về nguồn thu và góp phần mở đường cho sự ra đời của những sáng kiến minh bạch khác.
Số lượng báo cáo EITI mà Azerbaijan công bố đúng là nhiều nhất trong số 40 nước tham gia sáng kiến nhưng so với phần lớn các nước còn lại, họ là nước chỉ thực thi những yêu cầu tối thiểu của bộ tiêu chuẩn EITI – PWYP khẳng định.
Báo cáo của họ có công khai nguồn thu nói chung của ngành khai khoáng nhưng lại không cung cấp các dữ liệu chi tiết về các khoản tài chính mà từng công ty phải nộp cho ngân sách. Đặc biệt, báo cáo không đề cập tới nguồn thu từ hoạt động khai thác dầu mỏ của Tập đoàn Dầu mỏ Quốc gia SOCAR trong khi rõ ràng ¾ ngân sách quốc gia của Azerbaijan đều từ dầu mỏ.
Ngay cả việc nguồn tài chính mà Chính phủ thu được từ ngành công nghiệp khai thác được sử dụng như thế nào cũng không được đề cập trong các báo cáo. Đây là một trong những lý do khiến họ đạt số điểm rất thấp so với các quốc gia giàu tài nguyên khác trong bảng xếp hạng Chỉ số Quản trị Tài nguyên mới của Viện Giám sát Nguồn thu (RWI) – bà Lucy Wallwork, Trợ lý nghiên cứu của Open Oil, chia sẻ.
Nhớ lại 3 năm trước, khi RWI vẫn sử dụng bộ Chỉ số Quản trị Tài nguyên cũ, điểm số về tính minh bạch của Azerbaijan đạt mức khá cao. Tuy nhiên, sự ra đời của bộ Chỉ số mới, trong đó có bổ sung chỉ số đánh giá về bối cảnh quản trị chung, đã đẩy xếp hạng minh bạch của nước này xuống vị trí thứ 40 trên tổng số 58 quốc gia được xếp hạng.
Ngoài ra, chất lượng thực thi EITI của Azerbaijan còn bị thêm một điểm trừ vì sự tham gia của xã hội dân sự vào quá trình này còn hạn chế. Sự hạn chế này được lý giải bởi ba lý do: thứ nhất – quy trình đăng ký ngày càng khó khăn, thứ hai – tài chính ít ỏi, chủ yếu của nội bộ tổ chức và thứ ba – Chính phủ gây sức ép, thậm chí còn dùng pháp luật răn đe, trừng phạt.
Điều này có thể nhìn thấy thông qua trường hợp của PWYP – tổ chức xã hội dân sự hoạt động tích cực ở Azerbaijan với hơn 150 thành viên. Tổ chức này tham gia EITI, tuy nhiên, vì quy trình đăng ký khó khăn nên chỉ có 35% trên tổng số thành viên của họ đăng ký. Bên cạnh đó, sự eo hẹp về tài chính cũng gây cản trở không ít cho hoạt động của PWYP. Cho đến 8 tháng đầu năm nay, PWYP vẫn chỉ duy trì hoạt động bằng nguồn tài chính tự thân, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Xét về lâu dài, đây có lẽ là một thách thức không nhỏ.
Đáng nói hơn là Azerbaijan mới đây có vẻ như đang tự làm méo mó hình ảnh của mình khi tiếp tục ghi thêm kỷ lục là nước tống giam nhiều nhà báo và nhà hoạt động xã hội nhất trong năm 2012. Bất chấp họ có liên quan trực tiếp tới việc thực thi sáng kiến EITI hay không, những hành vi cản trở này cũng khiến dư luận đặt dấu hỏi về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ Azerbaijan.
May mắn là đúng thời điểm niềm tin vào quản trị tài nguyên cũng như vai trò của EITI tại đây bị lung lay, tiêu chuẩn báo cáo EITI mới đã ra đời – chặt chẽ và toàn diện hơn. Theo đó, các nước không chỉ dừng lại ở việc giải trình nguồn thu từ các ngành công nghiệp khai thác mà sẽ phải công khai nhiều thông tin hơn, bao gồm các thông tin liên quan tới giấy phép đăng ký hoạt động và chủ sở hữu giấy phép, sản lượng, phân bổ nguồn thu dầu mỏ, khí đốt và khoáng sản từ trung ương đến địa phương, giao dịch giữa các công ty nhà nước và chính phủ cùng các khoản chi cho an sinh xã hội thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp.
Không nghi ngờ gì, Azerbaijan một lần nữa lại cam kết trở thành quốc gia đầu tiên thực thi bộ tiêu chuẩn mới này. Liệu Azebaijan sẽ tiếp tục sa vào tô vẽ cái vỏ rỗng hay chú trọng vun trồng giá trị cốt lõi bên trong – thời gian rồi sẽ trả lời.