ThienNhien.Net – Việc phát triển ồ ạt các dự án thủy điện thời gian qua khiến dư luận hết sức quan tâm, nhất là những dự án thủy điện nhỏ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy (ảnh) đã trao đổi với phóng viên báo Tin Tức về chủ đề này.
Ông có đánh giá gì về quy hoạch các dự án thủy điện nhỏ?
Tôi đánh giá cao sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương trong việc rà soát tổng thể việc phát triển các dự án thủy điện (TĐ) trên cả nước.
Qua giám sát, chúng tôi thấy rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những bất cập của các dự án TĐ chính là những dự án TĐ nhỏ. Cụ thể, việc quy hoạch TĐ nhỏ thường nằm ở vùng sâu, vùng xa, những khu vực này thường thiếu thông tin dữ liệu về điều kiện địa chất, thủy văn, địa hình và việc đầu tư của chúng ta cho các khu vực này còn thiếu. Bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan nữa là năng lực quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy, năng lực chuyên môn, số lượng cán bộ trực tiếp tham gia quản lý nhà nước về vấn đề này vẫn còn có những hạn chế.
Không ít chủ đầu tư các công trình, dự án TĐ nhỏ rất yếu về năng lực chuyên môn và năng lực tài chính. Việc bảo đảm an toàn chất lượng công trình TĐ chúng ta đã để cho các chủ đầu tư quyết định quá nhiều mà thiếu vắng sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì thế, việc quy hoạch và thực thi quy hoạch TĐ nhỏ thời gian qua còn hạn chế. Trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Thưa ông việc tái định cư cho người dân vùng thủy điện được thực hiện ra sao?
Trong quá trình giám sát, thẩm tra báo cáo của Chính phủ về phát triển TĐ, chúng tôi cũng rất quan tâm về chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân, tái định cư. Có thể khẳng định, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chính sách cho đồng bào vùng tái định cư. Nội dung này trong báo cáo của Chính phủ chưa được thể hiện rõ, chưa đánh giá đúng mức và thấu đáo sự hi sinh của đồng bào ở vùng sâu, vùng xa. Bởi đây đều là những vùng kinh tế, xã hội hết sức khó khăn.
Chủ trương chính sách của chúng ta có nhiều. Tuy nhiên, các chính sách, cơ chế chưa kịp thời, hay thay đổi dẫn đến việc thực thi việc bồi thường, hỗ trợ, di dân tái định cư cho đồng bào ở những dự án TĐ thời gian qua còn bất cập, gây bức xúc và quan ngại. Các chủ đầu tư, nhà thầu khi triển khai các dự án TĐ chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm đối với hợp phần di dân, tái định cư, trong triển khai chưa có sự phối hợp với chính quyền địa phương. Việc thực hiện bồi thường, di dân tái định cư cho người dân trong các dự án TĐ chưa bao quát, phản ánh sát thực tế.
Để khắc phục những hạn chế này, thời gian tới cần quan tâm tới vấn đề gì, thưa ông?
Trước hết, cần phải thống nhất cơ chế chính sách, áp dụng thống nhất ở các địa phương và bảo đảm tính ổn định của chính sách, tránh sự thay đổi liên tục, gây khó trong quá trình thực hiện.
Thứ hai, cần phải có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong thực hiện di dân tái định cư. Thời gian vừa qua, khoảng 30% hợp phần di dân, tái định cư do UBND cấp tỉnh thực hiện, 70% là do các chủ đầu tư thực hiện, trong khi đó sự phối hợp của các bên liên quan chưa được thông suốt.
Việc di dân đã tốt rồi, nhưng việc hậu tái định cư cũng cần lưu tâm. Đối với các khu tái định cư mà chúng tôi trực tiếp làm việc, thì đất canh tác có thể cấp đủ nhưng chất lượng đất không tốt, thiếu nước. Thậm chí, một số nơi thiếu lương thực. Ở một số nơi tái định cư TĐ, có hiện tượng người dân quay về nơi ở cũ. Cho nên cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề hậu tái định cư, làm sao để đồng bào có thể ổn định cuộc sống bền vững. Đặc biệt là các giải pháp khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ kỹ thuật canh tác, đầu tư thủy lợi, giống, vật tư cho người dân ổn định sản xuất… Chính sách cần có cái nhìn dài hơi, bảo đảm tính hiệu quả giúp người dân sau tái định cư hoàn toàn yên tâm sản xuất, bảo đảm cuộc sống tại nơi tái định cư. Các cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư cần có chính sách chia sẻ lợi ích giữa chủ đầu tư với người dân trong diện tái định cư… Cần thực hiện đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội là di dân đến nơi mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!