ThienNhien.Net – Quản lý, khai thác và sử dung hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản đang trở thành định hướng và chiến lược cho công nghiệp khai khoáng trong những năm sắp tới. Tuy nhiên, hiện nay ngành khai khoáng Việt Nam vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong tổng số 957 giấy phép về thăm dò và khai thác khoáng sản được cấp từ năm 2011 đến năm 2012 có tới hơn nửa số giấy phép cấp không đúng quy định. Ngoài ra, theo đánh giá của Viện Giám sát nguồn thu Mỹ, chỉ số quản trị tài nguyên khoáng sản Việt Nam hiện chỉ đứng thứ 43 trong tổng số 58 quốc gia được khảo sát và là quốc gia thấp nhất trong nhóm yếu kém.
Từ thực tế nêu trên, sáng 3/12, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến: “Khai thác tài nguyên khoáng sản: minh bạch và hiệu quả,” nhằm mang đến cho người dân cái nhìn tổng quan nhất về thực trạng cũng như những chính sách và giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập của ngành công nghiệp khai khoáng Việt Nam.
Lỗ hổng trong khâu quản lý
Theo ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), chỉ số quản trị tài nguyên của Việt Nam hiện nay còn rất yếu kém. Tuy mỗi năm, nước ta chi 180 tỷ đồng cho việc quản trị tài nguyên, nhưng con số này mới chỉ đáp ứng 40% điều tra cơ bản.
“Ngoài ra, tiến độ lập quy hoạch cũng còn hạn chế. Nguyên nhân là kinh phí hạn chế và phải huy động nguồn vốn của doanh nghiệp; trong khi quy hoạch còn chồng lấn tại các địa phương. Them nữa, vấn đề quy hoạch thăm dò khai thác khoáng sản chưa gắn chặt với quản lý đất với bảo vệ môi trường,” ông Quân nhìn nhận.
Liên quan đến thực trạng thời gian qua có rất nhiều dự án được chuyển tới địa phương, nhưng không ít địa phương đã chia nhỏ mỏ để cấp, trong khi năng lực của địa phương còn yếu, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc, cho biết: Theo Luật khoáng sản năm 205, địa phương được cấp mỏ khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay không được pháp chia nhỏ mỏ để cấp theo luật 2010.
“Thực tế thì đất nước ta còn nghèo, chưa đủ điều kiện để cấp kinh phí quy hoạch. Đối với các mỏ được chuyển về địa phương cấp phép thì cũng phải điều tra, thăm dò. Tuy nhiên, ở đây còn có những hiện tượng khi phát hiện mỏ nhỏ, địa phương báo cáo lên Trung ương để cấp cho doanh nghiệp, nhưng khi điều tra thì doanh nghiệp chỉ bỏ vốn để điều tra ở một phạm vi nhỏ,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhìn nhận.
Về việc thời gian qua đã phát hiện 50% trong số 957 giấy phép được chính quyền địa phương cấp từ năm 2011 đến năm 2012 không đúng quy định, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho biết: Thời điểm chuyển tiếp giữa 2 luật, những hồ sơ tồn đọng đang tiếp tục được giải quyết. Nguyên nhân là do luật không đầy đủ, thứ 2 là do sự nôn nóng của địa phương.
“Trong việc này, trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là công tác tham mưu và tuyên truyền còn yếu kém. Nhận thức được điều này, Bộ đã tăng cường công tác kiểm tra tuyên truyền để nâng cao năng lực quản lý,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nói.
Về việc cấp giấy phép khai thác ồ ạt dẫn đến việc tồn kho lớn, trong khi Chủ trương Nhà nước là hạn chế tối đa xuất thô khoáng sản, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng trình tự quy định thì việc cấp giấy phép khai thác là căn cứ vào quy hoạch. Nếu việc cấp giấy phép khiến cung vượt cầu thì là do quy hoạch. Trong thời gian qua, tiến độ đầu tư dự án rất chậm.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Mạnh Quân, hiện nay một số công nghệ dùng để khai khoáng đã quá cũ, nên quá trình khai thác mỏ cũng còn nhiều hạn chế. Đến nay, Bộ Công thương cũng không cấp phép xuất khẩu khoáng sản thô.
“Tất cả các loại khoáng sản được cấp phép đều phải qua sơ tuyển mới được xuất khẩu. Hiện, chủ trương của ta cũng đang ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước khai thác, để tăng nguồn thu ngân sách cho nhà nước,” ông Quân nhấn mạnh.
Thuế cao là nguyên nhân dẫn tới gian lận thương mại
Liên quan đến việc nhiều doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác chế biến khoáng sản chưa thực hiện nghĩa vụ cam kết thực hiện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương. Một số doanh nghiệp hoạt động nhiều năm vẫn chưa nộp tiền thuê đất, chịu trách nộp tiền quỹ cải tạo phục hồi môi trường.
Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng tình trạng các doanh nghiệp không chịu nộp các khoản thu cho nhà nước là do ý thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, về phía nhà nước cũng có một phần lỗi vì chính sách chưa đủ sức răn đe và hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ.
“Nếu như trước đây, thuế tài nguyên và phí môi trường thấp, thì hiện nay rất lớn; trong khi khoáng sản càng khai thác xuống sâu càng khó khăn, nên nhiều doanh nghiệp họ không còn kinh phí để nộp,” ông Quân nhìn nhận.
Đồng tình quan điểm, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng hiện nay chi phí thăm dò ban đầu rất lớn. Ví dụ thăm dò ra một tấn thiếc bây giờ mất 10.000 đồng, doanh nghiệp làm mỏ không có tài chính, họ chỉ làm theo kiểu “xúc đất ra để ăn”. Tuy nhiên, dù bé hay to thì địa phương cũng phải thăm dò, để từ đó xác định rõ ràng.
Liên quan đến “lỗ hổng” trong hoạt động khai thác khoáng sản đó là Nhà nước chỉ thu thuế của doanh nghiệp dựa trên sản lượng khai thác mà doanh nghiệp khai báo. Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng để doanh nghiệp tự khai báo là việc mà rất văn minh. Ở các nước trên thế giới họ cũng làm vậy.
“Tuy nhiên đó là các nước phát triển, còn Việt Nam không thể được như thế. Hiện chúng tôi cũng đã ra thông tư 02, trên thực tế vẫn để doanh nghiệp khai báo, nhưng vẫn phải kiểm soát,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc lưu ý.
Cùng chung nhận định, ông Nguyễn Mạnh Quân nhìn nhận: Doanh nghiệp tư kê khai sản lượng là một ý tưởng rất hay và ngiêm túc. Tuy nhiên, trong việc khai báo này cần phải rõ ràng và phải rà soát lại theo từng mức khoáng sản cụ thể để đảm bảo hài hào lợi ích giữa nhà nước và doanh nghiệp.
Liên quan đến việc ấn định mức thuế tài nguyên, phí môi trường đối với doanh nghiệp, theo ông Quân, để xác định mức thuế đảm bảo hài hòa thì cũng phải thông cảm cho Bộ tài chính. Bởi, hiện nay chúng ta vẫn tính theo định tính chứ chưa theo định lượng, trong khi điều kiện khai thác mỏ của doanh nghiệp thì ngày càng khó khăn.
Gian lận khoáng sản cần phải xử lý hình sự
Theo phản ánh của nhiều người dân, vấn nạn khai thác cát, vàng trái phép trên các dòng sông, suối đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đời sống người dân và làm thất thu ngân sách Nhà nước; trong khi chính quyền biết, lực lượng chức năng cũng nhiều lần truy quét nhưng vấn nạn này vẫn chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”.
Nhìn nhận thực tế trên, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc cho rằng tài nguyên khoáng sản là tài sản quý giá của quốc gia. Do đó, ăn cắp trái phép khoáng sản là hành vi “tham nhũng” nghiêm trọng, cần phải truy tố để ngăn chặn triệt để.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng tham nhũng khoáng sản có thể hiểu là tham nhũng thương mại. Nó phụ thuộc vào chính sách thuế, quản lý của địa phương còn bất cập, ý thức của doanh nghiệp còn hời hợt; trong khi chế tài còn chưa đủ sức răn đe. Mặt khác, số lượng khoáng sản hiện còn chưa xác định được cụ thể đã tạo nên lỗ hổng dẫn tới gian lận, tham nhũng khoáng sản nghiêm trọng.
“Do đó, hành vi tham nhũng về khoáng sản cần phải đưa vào bộ luật hình sự, để xử lý,” Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng nhấn mạnh.
Về việc có doanh nghiệp ở Hà Tĩnh sau 10 năm hoạt động mới bị phát hiện khai thác nhầm tọa độ, trong khi Sở Tài nguyên và Môi trường vẫn đi kiểm tra hàng năm, Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc khẳng định đây là một “lỗ hổng” cần phải xem xét kỹ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, doanh nghiệp khai thác nhầm tọa độ suốt nhiều năm ở đây có thể khẳng định là việc làm cố tình. Thực tế này cũng đã xảy ra ở một số địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay, ngành tài nguyên và môi trường vẫn chưa có bộ phận thanh tra chuyên ngành.
“Tuy nhiên, qua những lỗ hổng, bất cập nêu trên, chúng tôi cũng đã kiến nghị cần phải có thanh tra chuyên ngành để xử lý dứt điểm những sai phạm,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nhìn nhận.
Một điều đáng quan tâm là Chỉ thị 02 của Bộ Chính trị và Luật khoáng sản quy định việc đầu tư khoa học công nghệ để sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên khoáng sản là việc làm quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế mới chỉ có khoảng 0,01% tổng doanh thu của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản dành do đầu tư đổi mới công nghệ. Điều này phản ánh thực trạng khoáng sản của chúng ta hiện nay chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô, lấy số lượng đề chất lượng.
Nhìn nhận thực tế này, ông Nguyễn Mạnh Quân cho hay: Việc đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp khai khoáng thực sự là khó, bởi nó phụ thuộc vào năng lực của doanh nghiệp lớn, bé; trong khi nguồn tài chính của doanh nghiệp còn hạn chế, họ làm theo theo kiểu “ăn sổi.” Tuy nhiên, về mặt cơ chế nhà nước, vấn đề đổi mới và hiện đại hóa việc đổi mới công nghệ cũng đang rất được Chính phủ quan tâm.
Liên quan đến việc Việt Nam có tham gia sáng kiến Quốc tế về minh bạch công nghiệp khai thác khoáng sản (gọi tắt là EITI), Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc và Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân đều khẳng định đây là một sáng kiến quan trọng. Tuy nhiên, nếu tham gia, chúng ta sẽ phải điều chỉnh một số điều Luật và mất thời gian nghiên cứu, chứ không thể nóng vội được.