ThienNhien.Net – Trong số 15 quốc gia* này, có hai nước Đông Nam Á là Việt Nam và Philippin được kỳ vọng sẽ sớm phê chuẩn Lệnh cấm xuất khẩu chất thải theo Công ước Basel (Basel Ban Amendment) để nó nhanh chóng có hiệu lực trong thực tế.
Mặc dù đã được thông qua từ năm 1989, song do một số nước phát triển, đặc biệt là Hoa Kỳ, kịch liệt phản đối nên Công ước Basel về kiểm soát vận chuyển qua biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu hủy chúng mới chỉ dừng lại ở mức độ giám sát các hoạt động vận chuyển chứ chưa thể đạt tới mục tiêu giảm thiểu hoặc ngăn chặn các hoạt động vận chuyển ấy.
Lý do các quốc gia trên gạt bỏ Công ước năm 1989 cũng như Lệnh cấm xuất khẩu theo Công ước Basel sau này không chỉ vì nó gây cản trở tự do thương mại mà còn vì lợi ích to lớn do chi phí xuất khẩu chất thải độc hại thường thấp hơn nhiều so với việc xử lý chúng, bởi “về mặt kinh tế thì việc chôn lấp rác thải độc hại ở quốc gia có thu nhập thấp nhất là tốt nhất” như ông Lawrences Summers – nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng Thế giới (WB) từng chia sẻ.
Cho đến tháng 10/2011, Hội nghị các bên lần thứ 10 (COP 10) mới ghi nhận bước đột phá mới với Quyết định X/3, xác nhận rằng chỉ cần có thêm 17 quốc gia thuộc COP 3 phê chuẩn là Lệnh cấm xuất khẩu các chất thải độc hại xuyên biên giới theo Công ước Basel sẽ có hiệu lực. Tính tới thời điểm hiện tại, con số 17 nước đã rút xuống còn 15 nước theo Báo cáo của COP 10.
Điểm đáng nói ở Lệnh cấm xuất khẩu này là nó giúp Công ước Basel hoàn thiện mục tiêu giảm thiểu, ngăn chặn hoạt động xuất khẩu các chất thải nguy hại thông qua việc cấm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xuất khẩu các chất thải nguy hại sang các nước không thuộc OECD. Đây có thể coi là một công cụ pháp lý quan trọng góp phần ngăn chặn cuộc khủng hoảng chất thải độc hải trên quy mô toàn cầu, mà trong đó, các nước nghèo có thể vô tình bị nguyên lý hoàn hảo của thị trường tự do biến thành các thuộc địa độc hại của các quốc gia giàu có.
Nghiên cứu trường hợp của Philippin, Luật sư Arvin Jo, Trường quản lý Nhà nước thuộc Đại học Ateneo De Manila cho biết, lượng rác thải của chính quốc gia hơn 90 triệu dân này đã đủ nguồn cung cho ngành công nghiệp tái chế của cả quốc đảo. Do đó, việc Philippin phê chuẩn Công ước Basel và Lệnh cấm bổ sung sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là thách thức khi vừa giải quyết được vấn đề rác thải trong nước, vừa tránh được việc trở thành “bãi rác” cho các nước phát triển. Ông Arvin cũng nhận xét Việt Nam tương tự như Philippin, cũng có nhiều lợi ích khi tham gia Lệnh cấm bổ sung này.
Đặc biệt, theo Luật sư Golda Benjamin thuộc Mạng lưới Hành động Basel (Ban Toxics Châu Á – Thái Bình Dương), Lệnh cấm không vi phạm nguyên tắc Tối huệ quốc MFN theo Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) vì đây là trường hợp loại trừ được quy định tại Điều XX(b) của GATT nhằm bảo vệ đời sống và sức khỏe của con người. Bà Golda cũng nhấn mạnh Việt Nam đang ở “vị trí hoàn hảo” để phê chuẩn Lệnh cấm xuất khẩu theo Công ước Basel.
Sự cần thiết phải bổ sung Lệnh cấm xuất khẩu Công ước Basel nhằm phát huy đầy đủ vai trò của Công ước cũng là một trong những nội dung chính được bàn luận tại Hội thảo “Bổ sung Lệnh cấm xuất khẩu các chất thải độc hại xuyên biên giới theo Công ước Basel – Kinh nghiệm của một số nước” do Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong phát triển (CGFED) chủ trì vào sáng ngày 03/12/2013 tại Hà Nội .
Hội thảo bên cạnh việc cung cấp bối cảnh nền xung quanh việc bổ sung Lệnh cấm xuất khẩu theo Công ước Basel cùng kinh nghiệm của một số nước đã phê chuẩn Lệnh cấm như Indonesia, Malaysia, còn thảo luận về lợi ích và thách thức của các nước, trong đó có Việt Nam, khi phê chuẩn Lệnh cấm bổ sung này.
Liên quan đến trường hợp Việt Nam, ông Hoàng Danh Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Môi trường cho rằng Việt Nam muốn tham gia Lệnh cấm xuất khẩu cần phải căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh của mình để xây dựng một lộ trình hội nhập cụ thể hài hòa được lợi ích của tất cả các bên. Và hơn hết, nếu muốn triển khai Lệnh cấm một cách hiệu quả nhất thiết phải có sự bắt tay chặt chẽ của nhiều bên, từ các nhóm lập pháp, hành pháp đến các tổ chức xã hội, cộng đồng địa phương.
Bà Nguyễn Hoàng Phượng, Điều phối viên Chương trình Chính sách thuộc Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) cũng gợi ý về những nghiên cứu sâu hơn để trả lời cho câu hỏi liệu rác thải nội địa của Việt Nam, một quốc gia có 90 triệu dân, có đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong nước như trường hợp của Philippin hay không trước khi bàn đến chuyện có nên cho phép nhập khẩu phế liệu về tái chế như hiện nay. Mặt khác cũng cần có cái nhìn toàn diện hơn câu chuyện lợi ích tái chế rác thải/phế liệu, bởi về mặt kinh tế, chúng ta cần tính đến những chi phí môi trường và sức khỏe phải trả do việc xử lý các loại rác thải này gây ra.
Việt Nam sẽ là quốc gia tiếp theo phê chuẩn Lệnh cấm xuất khẩu Công ước Basel? Việt Nam tham gia Công ước Basel ngày 13/3/1995 và Công ước bắt đầu có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 11/6/1995. Từ thời gian đó đến nay, Việt Nam đã có những nỗ lực nhất định trong việc thực thi nghĩa vụ của mình đối với Công ước Basel, bao gồm: ban hành một loạt công cụ pháp lý liên quan đến vấn đề quản lý chất thải, gần đây nhất là Luật Bảo vệ Môi trường năm 2005 (đang được sửa đổi), Quyết định số 23/2006/QĐ-BTNMT ngày 26/12/2006 về việc ban hành Danh mục chất thải nguy hại, Thông tư số 12/2011/TT-BTNMT quy định về Quản lý chất thải nguy hại, Thông tư số 01/2013/TT-BTNMT quy định về phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất…; giao Cục Quản lý Chất thải và Cải thiện Môi trường – Tổng cục Môi trường làm đầu mối quốc gia thực hiện Công ước Basel; và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phục vụ công tác quản lý chất thải… Tuy nhiên cần phải thừa nhận rằng thực trạng vận chuyển trái phép các chất thải nguy hại xuyên biên giới, nhất là ở hai địa bàn trọng điểm Móng Cái và An Giang vẫn hết sức nhức nhối, bất chấp những quy định được cho là chặt chẽ của pháp luật Việt Nam. Do đó, CGFED khuyến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam nên cân nhắc việc phê chuẩn Lệnh cấm xuất khẩu Công ước Basel càng sớm càng tốt để đạt được một lệnh cấm trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn những cơn sóng triều độc chất đang ồ ạt đổ về từ bên ngoài. |
(*) Ít nhất 15 quốc gia trong số này đang được kêu gọi phê chuẩn Lệnh cấm xuất khẩu Công ước Basel: Antigua Barbuda, Úc, Bahamas, Bangladesh, Brazil, Canada, Comoros, Costa Rica, Cote d’lvoire, Croatia, Cu Ba, Cộng hòa Dân chủ Congo, El Salvador, Guatemala, Guinea, Ấn Độ, Iran, Israel, Nhật Bản, Lebanon, Malawi, Maldives, Mexico, Namibia, New Zealand, Pakistan, Peru, Philippin, Hàn Quốc, Nga, St. Kitts và Nevis, Senegal, Seychelles, Nam Phi, Các tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam.