ThienNhien.Net – Cho đến nay, tranh cãi việc thủy điện xả lũ gây ngập lụt vẫn chưa được ngã ngũ. Tuy nhiên, cần phải xem lại quy trình xả lũ của các hồ thủy điện, nếu chưa qua kiểm nghiệm thực tế thì chưa thể khẳng định là đúng.
Thủy điện xã lũ: Thác nhân tạo
Theo ông Đỗ Đức Quân, Vụ trưởng Vụ Thủy điện, Tổng cục năng lượng cho biết, tất cả các công trình thủy điện về nguyên tắc không làm gia tăng lưu lượng đỉnh lũ. Trong mọi trường hợp vận hành bình thường, từ thời điểm lũ vào hồ đến khi đạt đỉnh, việc mở các cửa van các đập tràn phải làm lần lượt, để lưu lượng xả qua các tổ máy và đập tràn không được lớn hơn lưu lượng về hồ.
Ông Quân khẳng định, các quy trình vận hành tại các hồ bước đầu phát huy hiệu quả, sử dụng nước và giảm nhẹ lũ cho hạ du. Theo báo cáo của các địa phương, các quy trình về cơ bản là hợp lý, việc phối hợp giữa các chủ hồ với các địa phương trong thời gian 2009 – 2010 còn không ít bất cập nhưng thời gian gần đây đã chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho rằng: “Các hồ cũng xả đúng quy trình, không làm sai nhưng có điều, mặc dù mỗi một lần xả lũ coi như một thác nhân tạo. Vì nước hồ xả từ trên cao mấy chục mét, sẽ góp phần làm cho dòng chảy ở phía dưới nhanh hơn, mạnh hơn so với tự nhiên. Mặc dù có thể nước vào bao nhiêu, hồ xả bấy nhiêu nhưng nước tập trung dưới hạ du vẫn cứ mạnh hơn.
“Tất cả quy trình đó có thể vận hành đúng, nhưng mọi quy trình thảo ra chỉ là lý thuyết, nó phải trải qua kiểm nghiệm thực tế vài ba trận lũ để kiểm nghiệm xem có đúng không. Tất cả mọi lý thuyết muốn đúng, phải qua thực tế mới khẳng định. Nếu chưa qua kiểm nghiệm thực tế thì lý thuyết đó chưa thể nói là đúng được”, ông Tăng nói.
Xả nước theo… dự báo: Dễ sai sót
Theo quy định hiện nay, hầu hết, các hồ chứa thủy điện đều vận hành xả lũ căn cứ theo các dự báo thời tiết. Trong khi đó, dự báo thời tiết thì không thể chính xác tuyệt đối.
Đại diện tỉnh Đà Nẵng than phiền, quy trình vận hành dựa vào dữ liệu như vậy rất có vấn đề và làm cho chính người trong cuộc cũng thấy lúng túng.
Giả thiết như vừa qua, khi cơ quan khí tượng dự báo trong 24h tới lũ sẽ về hồ chứa ở thủy điện Đắc Mi4 là 550 m3/s, A Vương là 450 m3/s, thì các chủ hồ thủy điện này sẽ vận hành theo hướng xả nước ra để đưa mực nước hồ về mức cao trình đón lũ. Tiếp theo, khi dự báo đưa ra là trong 6h đến 12h tới, lũ về đạt đỉnh thì lúc này, các chủ hồ thủy điện sẽ đóng lại và nhốt đỉnh lũ vào. Quy trình nghe có vẻ rất là đúng.
“Nhưng vấn đề là dự báo được chính xác như vậy?. Có ai dự báo được 24h tới lượng nước về hồ là 550m3/sm 450s?. Không ai dự báo nổi chuẩn đến thế?” vị đại diện tỉnh này nói.
Vị đại diện này so sánh: “Hiện nay, tại các lưu vực lớn thì có thể dự báo trước lưu lượng nước được như Hà Nội dự báo được 48 tiếng, sông Cửu Long ở Châu Đốc có thể dự báo được 5 ngày. Nhưng tại khu vực hồ Đắc Mi 4 và A Vương là các hồ nhỏ, địa hình lại có độ dốc cực kỳ lớn, mưa xuống là dòng chảy rất mạnh, lũ có thể về nhanh hơn rất nhiều so với cách dự báo.
Vừa qua, có mưa lớn ở Khâm Đức dự báo 7 tiếng đồng hồ xảy ra lũ chảy về cho thủy điện Đắc Mi 4 thì thực tế, chỉ sau 3 tiếng đồng hồ thôi, đã xuất hiện đỉnh lũ vào hồ Đắc Mi 4 rồi. Lưu vực nhỏ không có trạm quan trắc mà nước về quá nhanh không thể nào dự báo được.
Một điều đáng ngạc nhiên, theo vị đại diện tỉnh Đà Nẵng cho biết, các hồ chứa thủy điện không cần theo quy trình, thiết kế cửa xả tự do thì tỷ lệ cắt lũ rất lớn, rất tốt, trong khi, các hồ thủy điện phải xả theo quy trình thì tỷ lệ cắt lũ lại rất nhỏ, thậm chí bằng 0.
Điều này thể hiện rõ ở báo cáo của Tổng Cục năng lượng. Ví dụ hồ Vĩnh Sơn A ở Bình Định có tỷ lệ cắt lũ về hạ du tới 70%, hồ Sông Tranh 2 có tỷ lệ cắt lũ lên tới 59,1%, hay như hồ Đắc Đrinh thì tỷ lệ cắt lũ tới 29,24%. Cả ba hồ này đều là xả tràn tự do. Các hồ khác phải theo quy trình mở cửa van thì tỷ lệ cắt lưu lượng đỉnh lũ không đáng kể, thậm chí bằng 0 như hồ Bình Điền, hồ Za Hung, hoặc tỷ lệ cực thấp dưới 2% như Sông Bung 4, sông Bung 5.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng cho biết, có những trường hợp, hồ giữ mực nước lớn, khi có lũ về thì trong vòng 2-3 tiếng, có xả ra cũng không kịp.
Ông Quang kiến nghị: “Việc xả hồ thủy điện nên theo mốc thời gian chứ không nên theo dự báo. Chẳng hạn, cứ đến ngày 1/9 (ngày bắt đầu lũ chính vụ), chủ hồ giảm xuống một mức nước tối thiểu nào đó. Sau đó, nước về bao nhiêu thêm thì phát điện bấy nhiêu. Nếu Bộ Công Thương và EVN thống nhất theo hướng đó thì tất cả Đắk Mi, sông Tranh, A Vương, cứ nước bao nhiêu về thì cho phát điện hết đi, mức nước ở các hồ sẽ luôn luôn giữ như ở mức 1/9”.
Trước kiến nghị này, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và môi trường cho hay: “Chúng tôi đã chủ động tính toán phương án quy định các hồ cần có mức nước trước lũ. Điều này có nghĩa, sẽ không có việc vận hành hồ chứa theo từng cơn lũ nữa mà là vận hành cả mùa lũ. Như vậy, thế chủ động sẽ rất rõ, dễ và đỡ đổ cho nhau”.