ThienNhien.Net – Trong những năm qua Quảng Nam đã dành hàng nghìn tỉ đồng để xây dựng gần 50 tuyến kè bảo vệ bờ sông, bờ biển với tổng cộng chiều dài trên 45km. Nhưng trước sự diễn biến bất thường của khí hậu, liên tiếp miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng phải gánh chịu những cơn bão, lũ dữ dội, cùng với đó là những đợt triều cường tấn công đã khiến hàng loạt cửa biển, đê, kè chắn sóng bị sạt lở, hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân và khiến bà con sống trong vùng sạt lở càng thêm lo sợ.
Khi bão dữ và triều cường tấn công
Như cơn bão số 9 vừa qua đã khiến xã ven biển Tam Tiến của huyện Núi Thành có 2 người chết, 2 người bị thương, 19 căn nhà bị sập hoàn toàn, gần 800 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng, hàng chục điểm giao thông, công trình hạ tầng công cộng, trường học bị sạt lở, hư hỏng. Các xã ven biển khác cũng chịu chung số phận. Ngư dân Huỳnh Kim Nhựt cho biết: “Tàu thuyền, ngư lưới cụ, nhà cửa đối với bà con ngư dân là hết sức quan trọng. Biết đó nhưng làm sao bảo vệ nổi với bão dữ và triều cường”. Như nhà anh Lê Văn Dậu, (ở huyện Núi Thành) 3 lần làm nhà xây thì cả 3 lần đều bị sóng gió san bằng. Anh đã thốt lên rằng: “Muốn an cư để lạc nghiệp mà đến 3 lần làm nhà cũng bị bão dữ san bằng, nỗi đau này trời đất có thấu chăng!”.
Còn cơn lũ mới đây nhất đã khiến hơn 10.000 hộ dân ven biển ở TP Hội An bị đe dọa, bởi tuyến kè biển Cửa Đại dài 300 m vừa hoàn thiện với kinh phí gần 100 tỉ đồng đã bị sạt lở nghiêm trọng có nguy cơ hình thành cửa biển mới. Ngay cả Khu Du lịch Fusion ALYA khá bề thế cũng bị sóng biển tàn phá. Hàng chục căn nhà ở khu vực này bị nước biển xâm thực, làm lộ rõ chân móng.
Cần sự quan tâm đầu tư bền vững
Không chỉ bị sạt lở mà các cửa biển này còn bị bồi lấp. Cụ thể như tại Cửa Đại đã bị cát bồi lấp đến 600m. Cửa biển hướng bắc ra Cù lao Chàm cũng bị bồi lấp dài hơn 2.000m. Việc bồi lấp nặng này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân trong khu vực. Họ lo sợ tàu thuyền không ra khơi được. Thậm chí các dự án khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang xây dựng và hoạt động tại đây bị uy hiếp, một số dự án xây dựng dang dở phải bỏ hoang.
Thực tế cho thấy, do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai ngày càng khốc liệt hơn, cuộc sống của người dân ven biển đang bị đe dọa bởi hiểm họa này. Cho dù Quảng Nam đã có dự án quy mô tầm cỡ lớn nhất miền Trung về sắp xếp dân cư ven biển thế nhưng không biết đến bao giờ dự án này mới hoàn thành sứ mệnh của mình. Bởi hiện tại tiến độ dự án này còn rất ì ạch. Trong khi đó, thực trạng hiện tại cho thấy triều cường, bão dữ đã uy hiếp nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân.
Xin lấy ý kiến của ngư dân Huỳnh Kim Nhựt mà đó cũng là nguyện vọng của người dân ven biển miền Trung: “Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm hơn nữa, chú trọng đầu tư cho các vùng ven biển. Cần phải xây dựng các bờ đê chắn sóng để bảo vệ nhà cửa người dân an toàn, các cửa biển không bị sạt lở, bồi lấp cho ngư dân ra khơi. Cần có những âu thuyền vững chãi để cho hàng chục nghìn tàu thuyền trú bão. Có như vậy bà con ngư dân mới yên tâm khi mỗi mùa mưa bão về”.
Đón đợt triều cường vượt báo động 3 Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, từ ngày 1 đến 5-12 hạ lưu sông Sài Gòn bắt đầu đón đợt triều cường mới, với đỉnh triều có khả năng vượt báo động 3 và đạt mức 1,63m vào ngày 5-12 tới. Trước diễn biến mới của đợt triều cường, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã yêu cầu các quận/huyện, đặc biệt là các khu vực vùng trũng của TP khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng chống, ứng phó. Trong đó, các lực lượng đã được yêu cầu kiểm tra, rà soát bao, cống; chuẩn bị vật tư tại các khu vực thiết yếu như quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh,…Bên cạnh việc ứng phó với triều cường, TP.HCM và khu vực Nam Bộ còn chịu ảnh hưởng của đợt mưa và dông đầu tháng 12. Do đó, mưa kết hợp triều cường có khả năng gây ngập nặng trên nhiều khu vực. Lê Anh |