ThienNhien.Net – Theo đánh giá của Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung (Trường Đại học Nông Lâm Huế), giao đất giao rừng là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số xóa đói giảm nghèo, ổn định sinh kế về lâu dài.
Tuy nhiên, sau nhiều năm triển khai, đến nay việc hướng dẫn thực hiện “giao rừng gắn với giao đất” tại các tỉnh miền Trung vẫn chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các địa phương khi thực hiện công tác giao đất và hạn chế quyền tiếp cận tài nguyên đất, rừng của người dân.
Trên cơ sở đó, từ tháng 8 đến tháng 11/2013, Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung và Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức Bản địa và Phát triển thuộc Liên minh Đất rừng đã thực hiện nghiên cứu “Giao đất giao rừng theo Thông tư 38/2007/TT-BNN và Thông tư liên tịch 07/2011/BNN-BTNMT về hướng dẫn một số nội dung về giao rừng, cho thuê rừng gắn liền với giao đất, thuê đất lâm nghiệp”.
Nghiên cứu này được thực hiện ở 4 tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam. Mục đích của nghiên cứu trên nhằm khuyến nghị điều chỉnh, sửa đổi một số điều khoản trong các thông tư này để đảm bảo sự tham gia và quyền tiếp cận đất, rừng của người dân.
Theo kết quả nghiên cứu, Thông tư 38/2007 và Thông tư liên tịch 07/2011 chưa quy định rõ ràng về sự tham gia của người dân vào các bước trong tiến trình giao đất giao rừng. Do đó, các địa phương không biết phải hướng dẫn người dân tham gia như thế nào vào các hoạt động này. Ngoài ra, do thiếu kinh phí nên tiến trình giao đất giao rừng đã không được thực hiện đúng theo như hướng dẫn.
Mặt khác, do chưa có sự thống nhất về quan điểm “giao đất gắn với giao rừng” hay “giao rừng gắn với giao đất” giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn và ngành tài nguyên và môi trường đã dẫn đến sự chồng chéo trong việc tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các cấp đưa ra quyết định giao đất giao rừng cho người dân.
Nhìn nhận thực tế trên, ông Hoàng Mạnh Quân, Giám đốc tổ chức điều phối của Liên minh Đất rừng cho hay: “Giao đất giao rừng là một chủ trương đúng đắn và là “cần câu” quan trọng giúp người dân xóa đói giảm nghèo. Do đó, các thông tư cần quy định cụ thể hơn về cơ chế tham gia trong giao đất giao rừng, đặc biệt là sự tham gia của người dân vì họ là người biết rất rõ đặc điểm khu rừng, vị trí và ranh giới”.
Cùng quan điểm trên, đại diện Trung tâm Phát triển Nông thôn miền Trung cũng cho rằng các ngành nên thống nhất quan điểm “giao rừng gắn liền với giao đất,” hoặc là “giao đất gắn liền với giao rừng.” Cùng với đó là giải quyết những trở ngại trong sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn với ngành tài nguyên và môi trường trong việc sử dụng bản đồ để lập hồ sơ giao đất giao rừng.