ThienNhien.Net – Nhiều công trình thủy điện nhỏ có thể “lách” quy định về khả năng chịu động đất; Chưa có quy chế về sự tham gia và ràng buộc trách nhiệm của các nhà địa chấn trong các công trình thủy điện nói chung… là những tiền đề cho đề xuất: Cần tăng cường sự tham gia của các nhà khoa học về động đất trong nghiên cứu xây dựng và vận hành an toàn các công trình thủy điện.
Tư vấn theo “đơn đặt hàng”
Hiện, Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam là đơn vị duy nhất tại Việt Nam cung cấp các số liệu về địa chấn, làm cơ sở cho công tác thiết kế chịu động đất cho các công trình thủy điện.
Tuy nhiên, theo TS Phạm Đình Nguyên, Trưởng phòng Địa chấn (Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu thường chỉ được mời tham gia tư vấn cho các công trình thủy điện lớn, còn các công trình thủy điện nhỏ, công trình tư nhân thì không.
“Liên quan đến vấn đề an toàn động đất cho công trình thủy điện cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, nêu rõ nhiệm vụ, nội dung thực hiện và trách nhiệm của các bên liên quan từ nhà quản lý chủ đầu tư, nhà khoa học và chính quyền địa phương trong suốt quá trình từ bước đầu khảo sát đến vận hành công trình” – TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu đề xuất. |
“Các công trình lớn, thuộc diện đặc biệt, thì bắt buộc phải có khảo sát, nghiên cứu, đánh giá cụ thể phục vụ thiết kế kháng chấn (với động đất). Còn một số công trình nhỏ, nhằm giải quyết vấn đề này có lẽ họ dựa vào bản đồ các vùng phát sinh động đất mạnh và phân vùng chấn động của Việt Nam nói chung khi xây dựng dự án. Điều đáng nói là những bản đồ này được công bố đã khá lâu (năm 1996 và 2004), tới nay công nghệ tính toán đã có nhiều thay đổi. Hơn nữa, các bản đồ này đều có tỷ lệ là 1:1.000.000, mức độ chi tiết không cao, nếu dùng cho công tác quy hoạch vùng, miền, lãnh thổ thì hợp lý, nhưng khi sử dụng cho thiết kế kháng chấn những công trình cụ thể sẽ có độ chính xác không cao” – TS Nguyên nhận định.
“Với các Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) công trình thủy điện thì chúng tôi hầu như không tham gia vào hội đồng nào” – TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết.
Còn công tác tư vấn xây dựng, vì làm theo “đơn đặt hàng” nên “đơn” bao nhiêu tiền thì mức độ nghiên cứu sẽ triển khai theo đó. Đương nhiên, chi phí cho nghiên cứu trong phòng thí nghiệm sẽ khác so với khảo sát thực địa trong một thời gian dài và chất lượng nghiên cứu do vậy cũng khác nhau.
Thêm vào đó, do được “thuê” làm tư vấn, nên mọi việc phụ thuộc chủ đầu tư. “Hiện nay, dù chuyên gia tư vấn có đưa ra kiến nghị, nhưng kiến nghị có được chấp nhận hay không lại là vấn đề khác. Khoa học có đặt ra các bước khảo sát, nghiên cứu sơ bộ, khảo sát, nghiên cứu chi tiết rất rành mạch, tuy nhiên chủ đầu tư mới là người ra quyết định có thực hiện hay không” – TS Nguyễn Xuân Anh chia sẻ.
“Theo tôi, cần xây dựng một hành lang pháp lý cụ thể hơn hiện nay để yêu cầu các công trình thủy điện, dù lớn hay nhỏ, cũng cần có sự tham gia của các nhà địa chấn học, ngay từ khi bắt đầu”- TS Anh kiến nghị.
Một trong “ba bên” quan trọng
Khi một công trình thủy điện được xây dựng, thông thường có hai giai đoạn: Lập dự án đầu tư và nghiên cứu khả thi (tạm gọi giai đoạn 1) và giai đoạn xây dựng thiết kế kỹ thuật (giai đoạn 2). Với giai đoạn 1, các nghiên cứu địa chấn chủ yếu là khảo sát sơ bộ. Thường thì giai đoạn này, với các công trình lớn, Viện Vật lý Địa cầu có tham gia khảo sát và đều kiến nghị cần khảo sát chi tiết hơn vào giai đoạn 2.
Công trình thủy điện Sơn La của EVN vào giai đoạn 2 đã tiếp tục mời các chuyên gia Vật lý Địa cầu khảo sát và tư vấn. Còn các công trình thủy điện khác, đa số giai đoạn 2 đều “tranh thủ” sử dụng luôn kết quả khảo sát của giai đoạn 1 để xây dựng thiết kế kỹ thuật cho công trình.
“Công trình Thủy điện Sông Tranh 2 hầu như không mời tư vấn giai đoạn 2. Đúng ra họ chỉ “hỏi”, nhưng mức độ vừa phải – TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết.
Trên thực tế, một công trình thủy lợi, thủy điện có thể có những tác động địa chất trong suốt quá trình: xây dựng, tích nước hồ chứa, vận hành. Sự có mặt của các chuyên gia nghiên cứu địa chấn ở tất cả các giai đoạn là cần thiết.
Hiện nay, đối với hệ thống thủy điện trên sông Đà, Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ về An toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân làm Chủ tịch đã và đang thực thi nhiệm vụ của mình.
Hàng năm, các thành viên, các nhà khoa học và các chuyên gia trong Hội đồng có trách nhiệm tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ về các giải pháp khoa học công nghệ nhằm tăng cường và bảo đảm an toàn cho hệ thống công trình thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà. Hội đồng có nhiệm vụ chính là tư vấn giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định các vấn đề như: Công nhận các kết quả thẩm tra, kết luận về điều kiện an toàn của công trình để quyết định các giải pháp tăng cường hay cho phép đủ điều kiện chống lũ hoặc tích nước sau mùa lũ theo quy trình vận hành hồ chứa hiện hành; Xem xét, kết luận về các hiện tượng bất thường của hệ thống công trình khi có báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc những trường hợp đặc biệt như động đất… và kiến nghị các giải pháp xử lý kịp thời; Thẩm định các kết quả nghiên cứu, tính toán mới có liên quan đến an toàn công trình; Quyết định các nhiệm vụ quan trắc, nghiên cứu khoa học liên quan đến việc nâng cao hiệu quả chống lũ, phát điện và bảo đảm an toàn tuyệt đối; Tổ chức giám định các kết quả tính toán xác định mức độ ổn định và an toàn hệ thống công trình do tư vấn trong và ngoài nước thực hiện. Trong trường hợp vượt quá khả năng, Hội đồng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ mời tư vấn quốc tế.
Với các công trình thủy điện khác thì sao? Sự an toàn và hiệu quả của một công trình thủy điện phụ thuộc ba yếu tố chính: 1) công tác khảo sát, nghiên cứu, đánh giá (về điều kiện tự nhiên tại vị trí xây dựng) phục vụ thiết kế công trình của các nhà khoa học địa chất, địa chấn; chất lượng của công tác thiết kế và xây dựng công trình, vận hành công trình của chủ đầu tư; và quy hoạch, tổ chức cho người dân sinh hoạt, sản xuất…, của chính quyền địa phương. Do vậy, sự phối hợp của “ba bên” này là vô cùng cần thiết.
“Liên quan đến vấn đề an toàn động đất cho công trình thủy điện cần xây dựng quy chế phối hợp chặt chẽ, nêu rõ nhiệm vụ, nội dung thực hiện và trách nhiệm của các bên liên quan từ nhà quản lý, chủ đầu tư, nhà khoa học và chính quyền địa phương trong suốt quá trình từ bước đầu khảo sát đến vận hành công trình.” – TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu đề xuất.