ThienNhien.Net – Với gần 90% đại biểu tán thành, sáng nay (29/11), Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi.
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 4 (cuối năm 2012) và theo kế hoạch sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận ngày 17/6/2013, dự Luật nhận được nhiều ý kiến còn khác nhau, do đó, cần phải thảo luận thêm để thông qua trong kỳ họp thứ 6 này.
Một trong những điểm đáng lưu ý của Luật Đất đai (sửa đổi) lần này là phải gắn với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến sở hữu đất đai, việc thu hồi đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, thành lập cơ quan định giá đất độc lập, việc thu hồi đất phải hài hoà và tính đến sinh kế của người dân bị thu hồi đất.
Cụ thể, trong Luật Đất đai qui định việc bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra thực hiện theo quy định sau: Người có đất trưng dụng được bồi thường thiệt hại trong trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại; trường hợp người có đất trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra;
Trường hợp đất trưng dụng bị hủy hoại thì việc bồi thường được thực hiện bằng tiền theo giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường tại thời điểm thanh toán;
Trường hợp thu nhập của người có đất trưng dụng bị thiệt hại do việc trưng dụng đất trực tiếp gây ra thì mức bồi thường được xác định căn cứ vào mức thiệt hại thu nhập thực tế tính từ ngày giao đất trưng dụng đến ngày hoàn trả đất trưng dụng được ghi trong quyết định hoàn trả đất trưng dụng. Mức thiệt hại thu nhập thực tế phải phù hợp với thu nhập do đất trưng dụng mang lại trong điều kiện bình thường trước thời điểm trưng dụng đất;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nơi có đất trưng dụng thành lập Hội đồng để xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra trên cơ sở văn bản kê khai của người sử dụng đất và hồ sơ địa chính. Căn cứ vào mức bồi thường thiệt hại do Hội đồng xác định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện quyết định mức bồi thường;
Tiền bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng đất gây ra được ngân sách nhà nước chi trả một lần, trực tiếp cho người có đất trưng dụng trong thời hạn không quá 30 ngày, kể từ ngày hoàn trả đất”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng bổ sung quy định về theo dõi biến động giá đất và quy định tỷ lệ biến động giá đất thị trường để điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất. Theo đó, ”Chính phủ ban hành khung giá đất định kỳ 05 năm một lần đối với từng loại đất, theo từng vùng. Trong thời gian thực hiện khung giá đất mà giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá tối thiểu trong khung giá đất thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất cho phù hợp”.
Luật Đất đai cũng được bổ sung quy định về sự tham gia của cơ quan tư vấn giá đất trong Hội đồng thẩm định giá đất để đảm bảo sự khách quan. Theo đó, “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể. Cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc xác định giá đất cụ thể. Trong quá trình thực hiện, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh được thuê tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất để tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Việc xác định giá đất cụ thể phải dựa trên cơ sở điều tra, thu thập thông tin về thửa đất, giá đất thị trường và thông tin về giá đất trong cơ sở dữ liệu đất đai; áp dụng phương pháp định giá đất phù hợp. Căn cứ kết quả tư vấn giá đất, cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh trình Hội đồng thẩm định giá đất xem xét trước khi trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định.
Hội đồng thẩm định giá đất gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Chủ tịch và đại điện của cơ quan, tổ chức có liên quan, tổ chức có chức năng tư vấn định giá đất”.
Có ý kiến đề nghị không thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Pháp luật đất đai hiện hành đã có quy định về việc thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất vườn sang đất ở và đã được tổ chức thực hiện trong nhiều năm qua. Do đó, để đảm bảo công bằng giữa những người sử dụng đất, tránh khiếu kiện và đảm bảo tính ổn định trong chính sách thu tiền sử dụng đất đã thực hiện, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Ngoài ra, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy nhiều ý kiến đã được giải trình trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6 như: chính sách đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; mối quan hệ giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với các quy hoạch chuyên ngành khác; nguyên tắc dân chủ, công khai trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp; lấy ý kiến trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; xin chấp thuận của các bộ, ngành khi giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án tại các đảo và các xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển; thời gian lập, thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; xử lý giá đất giáp ranh; thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; chế tài xử lý vi phạm pháp luật đất đai.