ThienNhien.Net – Ra đời tại Việt Nam từ những năm 1950, nhà tiêu hai ngăn nhanh chóng trở nên phổ biến ở vùng nông thôn miền Bắc và miền Trung nhờ cung cấp nguồn phân bón dồi dào, góp phần cải thiện kinh tế cho các nông hộ. Đến nay, vẫn còn khoảng 1/3 dân số Việt Nam sử dụng nhà tiêu hai ngăn và phần lớn đều tận dụng nguồn phân hữu cơ này trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu phân không được ủ và sử dụng đúng cách sẽ làm phát tán các mầm bệnh ra môi trường.
Vì sao lại nói như vậy và làm cách nào để chất thải từ nhà tiêu hai ngăn trở thành nguồn phân bón hữu ích mà không gây hại cho sức khỏe? Báo cáo “Nhà tiêu hai ngăn ở Việt Nam: Nguồn phân bón hay là nguy cơ về sức khỏe?” của nhóm nghiên cứu do TS. Phạm Đức Phúc thuộc Trung tâm Nghiên cứu Y tế Công cộng và Hệ sinh thái (CENPHER), Trường Đại học Y tế Công cộng chủ trì sẽ giúp chúng ta giải đáp những thắc mắc này.
Nguồn phân bón cũng là ổ chứa mầm bệnh
Những lợi ích về kinh tế khi sử dụng chất thải từ nhà tiêu hai ngăn để bón cây, nuôi cá là hết sức rõ ràng, thậm chí còn được tính toán cụ thể. Theo số liệu thống kê trong Báo cáo, bình quân một gia đình có quy mô 5 người thải ra khoảng 500 kg phân/năm. Sử dụng nguồn phân này sẽ giúp 20% số nông hộ nghèo nhất tiết kiệm được 15% thu nhập mỗi năm để chi tiêu cho phân bón. Nếu nhân với tổng số hộ gia đình dùng nhà tiêu hai ngăn sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm được gần 1,8 nghìn tỷ đồng/năm.
Chưa kể, nguồn phân hữu cơ (phân bắc, phân tươi) ủ từ mô hình nhà tiêu hai ngăn còn đem lại những lợi ích đáng kể về mặt sinh thái. Không giống với phân hóa học, phân bắc làm tăng thành phần hữu cơ trong đất, cải thiện cấu trúc đất, từ đó kéo dài thêm tuổi thọ của đất.
Tuy nhiên, nguồn phân bón giá trị trên cũng có thể làm phát tán các mầm bệnh ra môi trường nếu chúng không được ủ và sử dụng đúng cách. Bởi lẽ, trong chất thải từ nhà tiêu hai ngăn chứa nhiều mầm bệnh nguy hiểm, bao gồm vi khuẩn (E. coli, V. cholerae), vi-rút (viêm gan A, rota), ký sinh trùng đơn bào (Cyclospora, Cryptosporidium, Entamoeba histolytica và Giardia) và trứng của các loại ký sinh trùng đường ruột (giun đũa, giun móc)… Một khi bị phơi nhiễm, sức khỏe của người sử dụng, gia đình họ, thậm chí cả người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Hiện nay, có một bộ phận không nhỏ nông dân vẫn đang hàng ngày sử dụng nguồn phân ủ kém an toàn hoặc dùng luôn phân tươi để bón ruộng hay nuôi cá mà không lường trước được những nguy cơ về sức khỏe. Người dân có thể bị nhiễm bệnh trực tiếp khi xử lý và vận chuyển phân; khi bón phân chưa được ủ kỹ trên đồng ruộng; khi làm việc trên cánh đồng trước đó được bón loại phân kém an toàn; và khi thu hoạch, tiêu thụ nông sản. Việc ủ, dùng phân đúng cách tuy không loại trừ được hoàn toàn những rủi ro về sức khỏe, song cũng góp phần giảm thiểu đáng kể các tác động có hại của phân bắc đối với sức khỏe con người.
Ủ, dùng đúng cách để có nguồn phân bón an toàn
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đối với chất thải từ mô hình nhà tiêu hai ngăn, cần phải ủ tối thiểu 6 tháng mới có thể diệt hết các mầm bệnh nguy hiểm. Nếu ủ không đủ thời gian, nhiều mầm bệnh có khả năng sống sót sẽ xâm nhập vào đất, nước, cây trồng gây ô nhiễm môi trường và gây bệnh cho con người.
“Tuy nhiên, nếu chất thải được ủ dưới điều kiện nhiệt độ và độ pH cao, độ ẩm thấp trong vòng 3 – 4 tháng vẫn sẽ trở thành nguồn phân bón an toàn” – TS. Phạm Đức Phúc, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết. Sau khi đi vệ sinh cần nhớ đổ tro hoặc rắc vôi lên trên bề mặt của phân nhằm giảm độ ẩm, ngăn mùi hôi thối, đồng thời tạo ra môi trường kiềm để tiêu diệt nhanh mầm bệnh – ông nói thêm. Phương pháp này sẽ rút ngắn thời gian ủ phân, giúp nông dân ở các vùng trồng 3 vụ/năm có đủ lượng phân bắc bón ruộng.
Chưa kể, nhà tiêu hai ngăn phải được xây dựng kiên cố, hợp lý theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế: Tường ngăn chứa phân kín, không bị rò rỉ, thấm nước; cửa lấy mùn phân được trát kín bằng vật liệu không thấm nước; mặt sàn, máng và rãnh dẫn nước tiểu nhẵn, không đọng nước tiểu; có nắp đậy hai lỗ tiêu; nhà tiêu được che chắn kín, ngăn được nước mưa; ống thông hơi (đối với nhà tiêu hai ngăn có ống thông hơi) có đường kính ít nhất 9 cm; cao hơn mái nhà tiêu ít nhất 40 cm và có lưới chắn ruồi.
Cùng với việc ủ phân đúng cách, đủ thời gian, nhóm nghiên cứu còn khuyến cáo người dân thường xuyên vệ sinh nhà tiêu, sử dụng các dụng cụ, thiết bị bảo hộ như giày ủng, găng tay, khẩu trang… khi ủ, bón phân bắc và rửa chân tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc với phân.
Để làm được điều đó, các cơ quan chức năng cần có những quy định, hướng dẫn chặt chẽ hơn về việc sử dụng nguồn chất thải từ nhà tiêu hai ngăn và tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng mọi quy định, hướng dẫn liên quan đến những địa phương còn tồn tại mô hình nhà vệ sinh này. Ngoài ra có thể phát động những chiến dịch nâng cao nhận thức cũng như ý thức của người dân. Đồng thời, các nghiên cứu cụ thể hơn đánh giá nguy cơ sức khỏe trong việc sử dụng nguồn chất thải từ nhà tiêu hai ngăn đối với từng nhóm đối tượng đặc thù như nông dân, người tiêu dùng, trẻ em… cũng rất cần thiết.
19/11 là Ngày Nhà vệ sinh Thế giới Vừa qua, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (UN) Ban Ki-moon đã chính thức công bố ngày 19/11 hàng năm là Ngày Nhà vệ sinh Thế giới (World Toilet Day) để nhắc nhân loại nhớ đến tầm quan trọng của việc đảm bảo các điều kiện vệ sinh, nhất là cho trẻ nhỏ. Trong bối cảnh thế giới vẫn còn khoảng 2,5 tỷ người chưa được tiếp cận với mô hình nhà vệ sinh hợp chuẩn và hơn 1 tỷ người nữa đang phải sử dụng nhà tiêu lộ thiên, sáng kiến này đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ tích cực của trên 120 quốc gia thành viên UN. Mục tiêu của sáng kiến là giảm đáng kể số người chưa được tiếp cận với mô hình nhà vệ sinh hợp chuẩn và đến năm 2025, thế giới sẽ không còn tồn tại hình ảnh của các nhà tiêu lộ thiên. |