ThienNhien.Net – Ông Hoàng Văn Tân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình, cho biết những năm gần đây, tình trạng thiếu đất sản xuất dẫn đến tranh chấp, lấn chiếm đất sản xuất ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang ngày “nóng” lên tại nhiều xã miền núi, giáp ranh biên giới.
“Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã tổ chức nhiều cuộc họp chuyên đề với các Sở, ngành, địa phương để giải ‘cơn đói’ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thế nhưng, tiến độ giao đất, trao ‘cần câu’ cho bà con thoát nghèo trên thực tế còn rất chậm,” ông Tân nhìn nhận.
Thông tin trên được ông Tân đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Bình,” do Ban dân tộc tỉnh phối hợp với Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh tổ chức ngày 26/11.
Dân nghèo “đói” đất sản xuất
Theo báo cáo của Ban dân tộc tỉnh Quảng Bình, tính đến ngày 31/12/2012, toàn tỉnh có 4.876 hộ dân tộc thiểu số, với 21.641 nhân khẩu. Đồng bào dân tộc thiểu số ở đây sinh sống chủ yếu tại các khu vực miền núi khó khăn, giáp ranh biên giới.
Hiện nay, thực trạng thiếu đất sản xuất, diện tích đất chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng, dẫn đến tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp, bấp bênh. Cũng do thiếu đất sản xuất đã nảy sinh tình trạng xâm chiếm, tranh chấp đất đai giữa người dân với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn ngày càng phổ biến.
Kết quả khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh thực hiện trong năm 2013 tại 7 xã của 4 huyện miền núi, biên giới, khó khăn cho thấy: Mặc dù các xã miền núi có diện tích tự nhiên rất lớn nhưng việc tiếp cận đất, bao gồm cả đất ở và đất sản xuất của người dân hiện vẫn còn khó khăn.
Cụ thể, có tới 93% người dân (thuộc 4 huyện) đều có nhu cầu được cấp thêm đất sản xuất, bình quân mỗi hộ cần thêm 7,93 ha đất các loại; trong đó nhu cầu về đất rừng là 4,72 ha/hộ. Ngoài ra, có 3/6 xã người dân thiếu đất ở và 6/6 xã thiếu đất rừng sản xuất. Trong đó, một số xã thiếu đất trầm trọng như xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh), xã Lâm Thủy và Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy) có tới 28-75% diện tích đất lâm nghiệp thuộc quyền sử dụng của các đơn vị, tổ chức.
Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Ban Dân tộc tỉnh với Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh cũng cho thấy, có khoảng 4-96% đất thuộc quyền sử dụng của các tổ chức kinh tế, trong khi đó chỉ có 2-25% thuộc quản lý của Ủy ban nhân dân xã và hộ gia đình. Cùng với đó, Quỹ đất do Ủy ban Nhân dân xã quản lý hầu hết đều không có hoặc có với tỷ lệ rất thấp.
Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Trường Sơn (một trong những xã có tỷ lệ hộ dân dân thiếu đất sản xuất cao nhất ở huyện Quảng Ninh) cho biết trong số hơn 74.000 ha đất lâm nghiệp thuộc ranh giới của xã thì các lâm trường, Ban quản lý rừng đã “ôm” trên 70.000ha. Trong khi đó, xã có tới gần 900/1.025 hộ dân thiếu đất sản xuất, thiếu công ăn việc làm, tỷ lệ hộ nghèo đói rất cao, với 508 hộ (chiếm hơn 50%).
“Cũng chính vì bất cập trong việc giao đất giao rừng, ranh giới không rõ ràng nên nhiều năm qua tình trạng tranh chấp, xâm lấn đất lâm nghiệp giữa các hộ dân trong xã với các lâm trường đóng trên địa bàn vẫn diễn ra rất nóng bỏng,” ông Hải thở dài nói.
Tại hội thảo, các đại biểu đến từ Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các huyện, xã miền núi cũng thừa nhận: Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng đất của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là quyền lợi tất yếu và ngày càng trở nên cấp thiết. Tuy nhiên, vấn đề giao đất cho người dân vẫn đang là bài toán khó, chưa tìm được sự đồng thuận giữa các bên, đặc biệt là các Công ty Lâm trường.
Theo nhiều đại biểu, nguyên nhân cơ bản là do diện tích đất được giao sau khi thu hồi chưa phù hợp với đề xuất của Ủy ban Nhân dân các xã như: Diện tích đất bóc tách giao cho người dân sử dụng, quản lý là rừng đặc dụng không khai thác được; hoặc phần diện tích đất được giao nằm xa khu dân cư, xa đường giao thông, diện tích đất trên núi cao, khe suối…
“Giao đất cho dân là hướng phát triển bền vững”
Thực hiện Nghị định 170/2004/NĐ-CP ngày 22/9/2004 và Nghị định 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới các nông, lâm trường quốc doanh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo rà soát đất lâm nghiệp của các nông-lâm trường đồng thời tiếp tục giao cho các nông, lâm trường diện tích mà đơn vị đang quản lý, sử dụng hiệu quả, có khả năng phát triển sản xuất.
Phần diện tích đất còn lại, Ủy ban Nhân dân tỉnh thu hồi giao cho các địa phương quản lý để tổ chức giao cho các hộ gia đình sản xuất, ưu tiên các hộ đồng bào dân tộc thiểu số và người dân gần rừng để có đất sản xuất. Tuy vậy, gần chục năm qua, vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp đất tại các xã, huyện miền núi tỉnh Quảng Bình vẫn còn phức tạp.
Ông Hoàng Văn Tân, Phó Trưởng Ban tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, tuy đã đạt những kết quả nhất định, nhưng việc sử dụng và quản lý sử dụng đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn phức tạp, tình trạng xâm canh, lấn chiếm vẫn còn xảy ra tại một số huyện như: Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa…
Đề cập đến giải pháp tháo gỡ những khó khăn nêu trên, ông Tân cho rằng các sở, ngành, địa phương có liên quan tiếp tục rà soát, tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất sản xuất nông-lâm nghiệp trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời cân đối giao và cấp đất đủ cho các hộ thiếu đất sản xuất theo mức bình quân của địa phương nhất là các cụm dân cư, các hộ gia đình sinh sống trong vùng có các lâm trường.
Ngoài ra, ông Tân cũng đề xuất các Ủy ban Nhân dân tỉnh và các huyện cần hỗ trợ bà con khai hoang, cải tạo đất sản xuất ở những nơi có khả năng khai hoang, nâng định mức hỗ trợ khai hoang từ 10 triệu đồng/ha lên 15 triệu đồng/ha. Mặt khác, các địa phương cần rà soát, cân đối đất rừng giao cho các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia bảo vệ và trồng rừng mới theo quy định của pháp luật.
“Cùng với các giải pháp trên, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các địa phương cần giao trách nhiệm cho lực lượng kiểm lâm hoặc các tổ chức có năng lực hướng dẫn và giúp đồng bào tổ chức bảo vệ rừng,” ông Tân cho biết thêm.
Ở một góc độ khác, ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, cho rằng giải pháp cốt lõi để “giả bài toán” nghèo đói, lấn chiếm đất đai là cần đảm bảo đủ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo ông Tài, giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất là cơ sở để người dân sản xuất và ổn định cuộc sống bền vững. Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh và các huyện cần tạo điều kiện cho người dân tham gia quản lý và sử dụng đất rừng tại địa phương, để người dân vừa tạo thu nhập, vừa góp phần bảo vệ hiệu quả đất rừng tự nhiên. Đối với các xã không còn quỹ đất, cần có giải pháp thu hồi đất từ các công ty lâm nghiệp và từ Ban quản lý rừng phòng hộ đang quản lý.
“Ngoài ra, để thúc đẩy sớm việc thu hồi, trước mắt, chính quyền các xã cần chủ động rà soát lại các diện tích đất đề xuất thu hồi, xây dựng phương án giao đất đồng thời vận động tích cực, thường xuyên để người dân tổ chức sản xuất trên diện tích đã có và hạn chế việc mua bán sang chuyển nhượng đất rừng,” ông Tài khuyến nghị.
Theo số liệu thống kê của Ban dân tộc tỉnh Quảng Bình, năm 2012 Ủy ban Nhân dân tỉnh đã thu hồi 3.460ha đất lâm nghiệp của các lâm trường để giao cho đồng bào. Tuy nhiên, việc giao trên thực địa khó khăn gấp nhiều lần so với giao trên hồ sơ. Tính đến thời điểm hiện nay, tỉnh đã giao đất sản xuất cho 2.650 hộ với diện tích 2.187,2ha (bình quân 0,84ha/hộ) và giao đất lâm nghiệp cho 2.533 hộ, diện tích khoảng 5.520,2ha (bình quân 2,2ha/hộ). Trong khi kết quả khảo sát nghiên cứu thực tế cho thấy các hộ đồng bào dân tộc thiểu số có đủ năng lực sản xuất (nguồn lực lao động và nguồn vốn) để đảm bảo có thể tiếp nhận và sử dụng tốt đất rừng sản xuất được giao khoảng 3-5ha/hộ. |