ThienNhien.Net – Sáng 26-11, tại TP Hồ Chí Minh, báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chủ đề “Giải pháp nào nhằm cứu chất lượng nguồn nước sông Sài Gòn – Đồng Nai”.
Buổi hội thảo được tổ chức với mục đích cung cấp rõ thêm thực trạng hiện nay của hệ thống sông Đồng Nai, trong đó có sông Sài Gòn, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm nguồn nước, đồng thời đưa ra những giải pháp để gìn giữ hệ thống sông quan trọng này.
Trình bày tại hội thảo, GS-TS Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), cho biết, chất lượng nước sông Sài Gòn hiện nay bị suy giảm bởi nhiều nguồn nước thải từ sinh hoạt, bệnh viện, công nghiệp, rò rỉ dầu từ hoạt động giao thông đường thủy, bãi chôn lấp rác và hoạt động nông nghiệp.
Trong đó, nước thải sinh hoạt là nguồn gây ô nhiễm đáng kể nhất (chiếm 62,2% tổng lưu lượng nước thải ra sông Sài Gòn). Tuy nhiên, mới chỉ khoảng 20% tổng lượng nước thải ra sông Sài Gòn được qua công đoạn xử lý. Do vậy, gần như cả sông Sài Gòn và sông Đồng Nai đều bị nhiễm a-xít, khi nồng độ chỉ số pH thường xuyên ở mức thấp hơn bảy (pH<7). Ngoài ra, các chỉ số khác như ô-xi hòa tan (DO), nhu cầu ô-xi sinh hóa (BOD), nhu cầu ô-xi hóa học (COD)… đều khá thấp và không đạt tiêu chuẩn (hoặc vượt chuẩn).
Theo đánh giá của PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, do ô nhiễm, sông Sài Gòn không đạt quy chuẩn cấp nước sinh hoạt, sông Thị Vải không đạt quy chuẩn nguồn nước nuôi trồng thuỷ sản…
Với những thực trạng đó, các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm khôi phục và bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai, nhất là nguồn nước. Trong đó có tăng cường công tác quản lý Nhà nước, phối hợp chặt chẽ hơn giữa các địa phương trong vùng liên quan, thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội gắn chặt với công tác bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai. Đồng thời cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải và rác thải (đô thị và công nghiệp), cũng như xây dựng đầy đủ các nhà máy xử lý nước thải có công nghệ xử lý hiện đại. Đặc biệt, cần chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức bảo vệ môi trường…
Lưu vực hệ thống sông Đồng Nai có diện tích tự nhiên 37.400 km vuông, với dân số khoảng 20 triệu người. Hệ thống sông này gồm nhiều nhánh sông chảy qua 13 tỉnh, thành. Hiện nay, lưu vực hệ thống sông Đồng Nai là một trong những vùng có tốc độ phát triển công nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung cao nhất cả nước.