ThienNhien.Net – Phóng viên Báo Hải quan đã có cuộc phỏng vấn TS.Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lí các dự án Than Đồng bằng sông Hồng (Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam) xung quanh nhận định rằng:“Ngành than Việt Nam đang lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng”.
Ông có thể cho biết dựa trên cơ sở nào ông nhận định như vậy?
Với một tập đoàn lớn như VINACOMIN, nói “khủng hoảng nghiêm trọng” là khủng hoảng mang tính “hệ thống” và “cơ cấu”. Thường, khủng hoảng xảy ra khi xuất hiện các mất cân đối (mâu thuẫn và bất cập).
Hiện nay, ngành than đang tồn tại 4 mâu thuẫn và 6 bất cập lớn. Chẳng hạn như nhiệm vụ chính trị được giao quá lớn, cơ cấu sản phẩm ngày càng xuống cấp, trữ lượng than không còn nhiều, điều hành sản xuất kinh doanh nhiều bất cập…
Nếu không hóa giải được các mâu thuẫn và bất cập mà ngành than đang phải đối mặt, thì hệ quả đối với ngành than nói riêng, với đất nước nói chung sẽ là gì, thưa ông?
Nếu không hóa giải được mâu thuẫn, không xử lí được bất cập, VINACOMIN sẽ không phát triển được. Nếu không phát triển được, hệ quả đối với bản thân ngành than không đáng kể (sản lượng than càng thấp, giá bán than càng cao). Nhưng, hệ quả đối với nền kinh tế là nghiêm trọng.
An ninh năng lượng của Việt Nam phụ thuộc vào: Than NK, khí hóa lỏng NK, thủy điện, điện nguyên tử, năng lượng tái tạo, và điện NK. Trong đó, việc NK than có rủi ro cao nhất. Nhập than từ đâu? Với giá bao nhiêu? Nhập như thế nào…? Đây không phải là chuyện đơn giản đối với Việt Nam.
Vậy quan điểm của ông như thế nào về trách nhiệm của ngành than khi nắm giữ tài nguyên rất lớn của đất nước, song việc khai thác lại chưa hiệu quả?
Thực ra, việc ngành than được “nắm giữ tài nguyên rất lớn của đất nước” là do cơ chế, không phải “lỗi” của ngành than. Còn tại sao “việc khai thác lại chưa hiệu quả” chỉ có ngành than mới hiểu được. Đối với một ngành kinh tế, có thị trường (“cầu”) lâu dài và rất lớn là điều kiện rất thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. “Cầu” lớn hơn “cung”, “cung” lại độc quyền như VINACOMIN, thì không có hiệu quả mới lạ.
Hiệu quả của khai thác than chỉ phụ thuộc vào con người (cán bộ điều hành). Sau thời Bộ Mỏ và Than đến nay, trong ngành than chưa có giám đốc điều hành nào được tuyển dụng theo tiêu chuẩn thị trường (trình độ giỏi và hiệu quả cao). Đề bạt thì “thi” ít, “cử” nhiều. Quy hoạch cán bộ có vẻ bài bản, nhưng, bố trí thì rất ngẫu hứng. Khuyết điểm như nhau, nhưng mức độ xử lí khác nhau. Khen thưởng căn cứ vào “lượng” chứ không phải “chất”. Công tác cán bộ là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Ông đã từng lưu ý rằng, những bất cập và mâu thuẫn nói trên đều là con đường dẫn ngành than Việt Nam đến “thành Rôm” (đường hầm không lối thoát). Vậy theo ông “con đường sống” của ngành than là gì?
Ngành than đã có cơ hội để thoát ra khỏi đường hầm. Đó là tái cơ cấu thực sự theo tinh thần nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam đã đề ra. Nhưng phải tái cơ cấu thực sự theo kiểu phải “thay máu”, chứ không theo kiểu đối phó.
Chúng ta có thể hy vọng cuộc tái cơ cấu mà Vinacomin đang thực hiện sẽ đưa ngành than thoát khỏi vũng lầy đang gặp phải, thưa ông?
Hoàn toàn không. Rất tiếc, đề án tái cơ cấu mà VINACOMIN đang tích cực triển khai được soạn thảo bởi một số người không mấy hiểu về đặc thù của công tác tổ chức sản xuất trong ngành khai khoáng và không dựa trên đánh giá hiện trạng của VINACOMIN một cách khách quan. Các tác giả của đề án muốn “đổi mới” nhưng không có nhu cầu “đổi ghế”. Cách soạn thảo đề án tái cơ cấu còn vi phạm dân chủ.
Đề án được soạn thảo bí mật tới mức giám đốc các đơn vị thành viên còn không được biết gì. Nhiều đơn vị, tuy là “thành viên” lại có địa vị pháp lí “cùng mâm” với VINACOMIN theo Luật Doanh nghiệp, nhưng cũng không được hỏi ý kiến. Sau khi đề án được phê duyệt, có giám đốc còn không tìm thấy tên của đơn vị mình. Còn về nội dung, đề án này, cùng với việc củng cố cơ chế “xin-cho”, tập trung thêm nhiều gánh nặng (quyền lực) vào “mẹ”, chỉ tạo ra thêm “vũng lầy” cho các “con” và cho cả ngành than.
Xin cảm ơn ông!
TS. Nguyễn Thành Sơn: 4 mâu thuẫn và 6 bất cập của ngành than
Thứ nhất, nhiệm vụ chính trị được giao quá lớn đang mâu thuẫn với năng lực tư duy còn hạn chế. Chẳng hạn là một “quả đấm thép” của nền kinh tế, VINACOMIN có nhiệm vụ chính trị là “tham gia các cân đối lớn của Chính phủ”. Nhưng tư duy phát triển dựa vào việc nâng giá than cấp cho điện, hay xin miễn/giảm thuế của VINACOMIN đang góp phần làm cho các cân đối lớn của Chính phủ (về giá điện và về thu ngân sách) bị phá vỡ… Thứ hai, mâu thuẫn giữa “nội dung” và “hình thức”: Lực lượng sản xuất của VINACOMIN đã phát triển nhanh trong khi mô hình tổ chức ngày càng lạc hậu. Dù đã hình thành một lĩnh vực sản xuất hoàn toàn mới đó là sản xuất điện nhưng mô hình tổ chức của VINACOMIN, về cơ bản, vẫn như cũ. Thứ ba, mâu thuẫn giữa “lượng” và “chất” trong phát triển. Trong 18 năm qua, VINACOMIN phát triển rất nhanh về lượng. Nhưng “lượng” lại không biến thành “chất”. Thứ tư, mâu thuẫn giữa “nhu cầu” và “khả năng” phát triển. Tổng trữ lượng than của VINACOMIN hiện chỉ còn khoảng 2 tỷ tấn. Với trữ lượng như vậy, sản lượng khai thác tối đa của VINACOMIN chỉ 40-50 triệu tấn/năm. Trong khi đó, nhu cầu than cho phát điện theo Quy hoạch của ngành điện (đã được phê duyệt) rất lớn. Thứ năm, đối với tập đoàn- công ty “mẹ”, bất cập về mô hình tăng trưởng. Việc ngành than phát triển kinh doanh đa ngành sang lĩnh vực nhiệt điện chạy than tại mỏ là đúng và có hiệu quả. Còn việc ngành than phát triển bauxite Tây Nguyên hay sắt Thạch Khê là hoàn toàn không dựa trên thế mạnh cốt lõi của mình. Đó là một sai lầm và bất cập lớn của ngành than. Thứ sáu, đối với các đơn vị thành viên, bất cập về điều kiện phát triển. Nhu cầu nâng cao sản lượng khai thác than đang mâu thuẫn với trữ lượng than có thể khai thác được ở các mỏ ngày càng giảm nhanh. Hiện nay, chỉ vài mỏ còn “thọ” thêm được 30 năm nữa. Phần lớn các mỏ đang trong tình trạng “ăn đong” về trữ lượng than. Thứ bảy, bất cập về công nghệ. Ví dụ trên thế giới, công nghệ khai thác than lộ thiên phải rẻ hơn khai thác than hầm lò. Hiện VINACOMIN đang có xu hướng ngược lại: Công nghệ hầm lò rẻ hơn lộ thiên. Thứ tám, bất cập trong tổ chức sản xuất. Nhiều lĩnh vực cần được chuyên môn hóa để nâng cao hiệu quả chung toàn ngành (như vận chuyển than nguyên khai, vận chuyển đất đá, đào lò, sàng tuyển, chế biến…) lại đang được tổ chức phân tán và cục bộ để không ảnh hưởng đến “ghế” đã có sẵn hoặc quyền lợi đã được chia. Thứ chín, bất cập trong điều hành sản xuất kinh doanh. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi cấp bách. Nhưng đòi hỏi này đang mâu thuẫn với việc VINACOMIN “mẹ” vẫn áp dụng “kế hoạch phối hợp kinh doanh” để duy trì cơ chế “xin-cho” của nhóm lợi ích dựa vào than XK để “phân bổ” các chỉ tiêu hiệu quả. Thứ mười, bất cập về vai trò của “mẹ” trong R-D (nghiên cứu-triển khai). Công tác R-D do VINACOMIN “chỉ đạo” trực tiếp lại rất kém hiệu quả. Các dự án cơ giới hóa đồng bộ khai thác than (VINAALTA), máy liên hợp đào lò (Combine), băng tải ống (Mạo Khê)… đang là các “ụ nổi” của Vinacomin. |